Home / Tin tức / Tin thủy sản

Cá chết la liệt ngư dân, tiểu thương khóc ròng

Cá chết la liệt ngư dân, tiểu thương khóc ròng
Author: Hữu Anh - Phan Phương - Ngọc Vũ
Publish date: Thursday. April 21st, 2016

Cá ế, làm thức ăn gia súc

Cho rằng cá biển chết do nhiễm độc, nhiều ngày qua các bà nội trợ ở Quảng Bình đã không còn dám mua cá biển về để ăn. Khảo sát của phóng viên NTNN ngày 20.4 tại các chợ cá lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mức tiêu thụ cá biển đã giảm sút mạnh, các tiểu thương chỉ bày cá ra và ngồi nhìn nhau mà không có ai hỏi mua.

Chị Nguyễn Thị Xảo - một tiểu thương ở chợ Đồng Hới ngán ngẩm: “Ngày trước cá móm, cá liệt, cá chim trắng bình thường giá 120.000-150.000 đồng/kg, hai hôm nay chỉ còn 40.000-50.000 đồng/kg mà không ai mua. Bình thường cá phèn, cá kình giá từ 50.000-70.000 đồng/kg nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Như chiều qua, tôi không bán được, phải đem về làm thức ăn cho gà vịt”.

Là đầu mối thu mua hải sản đóng đi các tỉnh xa, bà Trương Thị Hải – người dân xã Lý Hòa, huyện Bố Trạch cho biết, mấy ngày nay trước thông tin cá ở Quảng Bình chết do nghi nhiễm yếu tố gây độc, các đầu mối đã ngừng thu mua. “Bình thường chúng tôi thu mua với số lượng lớn, mỗi đợt mua hàng vài chục triệu đồng, nhưng mấy hôm nay, các đầu mối đã không thu mua nữa” – bà Hải giãi bày.

Tại Quảng Trị, đến ngày 20.4, ngư dân vẫn vớt được khá nhiều cá chết trôi dạt vào bờ. Hiện tượng bất thường trên đã diễn ra khoảng 4 ngày nay, cá chết đủ loại như cá mú, cá đuối… cho đến mực. Sau thông tin cá chết trôi dạt vào bờ hàng loạt ấy, người dân ở Quảng Trị hầu như không dám ăn hải sản, đặc biệt là cá. Bà Nguyễn Thị Thu - chủ quán cơm bình dân ở TP.Đông Hà cho biết: “Ngày thường khách ăn cá biển nhiều nhưng kể từ khi nghe thông tin cá chết trôi dạt vào bờ biển thì nồi cá tôi nấu bị ế”. Bà Nguyễn Thị Mai (trú xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) – người bán hàng rong cho hay: “Trưa 19.4, mấy bà nội trợ còn mua cá biển tôi bán. Nhưng đến chiều cùng ngày, khi báo chí đưa tin cá chết dạt vào bờ biển Quảng Trị thì họ nhất quyết không mua”. Hai bãi biển đẹp bậc nhất miền Trung là biển Cửa Tùng và Cửa Việt (ở Quảng Trị) những ngày qua cũng vắng bóng khách, không ai dám tắm biển. Ghi nhận của NTNN, ngư dân Quảng Trị vớt cá chết chủ yếu để chế biến thức ăn cho lợn. Một số nhà máy mua số cá chết này để chế biến làm thức ăn gia súc…

Ngư dân cay đắng

Ông Nguyễn Văn Phú – Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết: “Việc cá chết tấp vào bờ nằm la liệt như vậy mà chưa rõ nguyên nhân khiến việc giao thương, buôn bán của người dân gặp vô vàn bất lợi. Cá chết trôi người dân không bán được đã đành, đằng này cá, mực do ngư dân đánh bắt ở khơi xa, tươi ngon cũng không thể bán được vì tâm lý lo sợ chung”.

Hơn tuần này, dọc bờ biển dài gần 20km của thị xã Kỳ Anh cá ngoài biển chết trôi dạt vào bờ rất nhiều, ước tính lên đến hàng chục tấn. Không chỉ có cá nhỏ mà có những con lên đến 3-4kg. Đồn Biên phòng Hòn La bên Quảng Bình gọi điện báo cũng phát hiện cá tự nhiên chết hàng loạt”.

Thiếu tá Nguyễn Thế Vĩ  -  Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Đèo Ngang

Sáng qua, gặp phóng viên, chị Trần Thị Hoa ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đang đưa cá đi bán ở chợ Đồng Hới rầu rĩ: “Mấy hôm nay chồng tôi đi biển về, kéo được mớ cá, vậy mà đưa ra chợ bán không ai mua, phải bán cho người mua về làm thức ăn cho gia súc. Nhìn mà xót không chịu được. Tình trạng này mà kéo dài chắc ngư dân chúng tôi chết đói”.

Ngư dân Trần Đình Hường ở thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng chia sẻ: “Mấy ngày nay, không chỉ cá nuôi của bà con mà cách bờ khoảng 2 hải lý, cá  biển cũng bị chết rất nhiều. Mấy ngày qua  ngư dân ở xã Kỳ Lợi vớt được rất nhiều cá dạt vào bờ, sự việc này chưa từng xảy ra”. Ngư dân Đậu Thanh Tâm ở thôn Ba Đồng, xã Kỳ Lợi, lo lắng: Ngư dân chúng tôi ra biển đánh cá về cũng không bán được. Sáng nay (20.4), mấy anh em đánh thuyền vào cảng Hòn La  bên Quảng Bình bán cá nhưng trong đó cá biển cũng chết nhiều nên dân sợ không mua, coi như mất trắng”. Anh Tâm cho biết, trung bình tàu cá của gia đình anh mỗi chuyến ra khơi (đánh cách bờ 7-8 hải lý) cũng thu về 3-5 triệu đồng, nếu bét lắm mỗi chuyến cũng được 2 triệu đồng, còn giờ cá bán không ai mua.

Theo tìm hiểu của NTNN, ngoài đi biển, hơn 20 hộ dân tái định cư gần bờ biển phường Kỳ Phương mấy năm nay mở quán kinh doanh hàng hải sản, nhưng hơn tuần nay 20 quán không đón được vị khách nào. Dân ở đây không có ruộng, chủ yếu trông chờ vào đi biển và kinh doanh hải sản, nhưng dân “tẩy chay” mặt hàng này thì người dân Kỳ Phương mất nguồn sống.

Mù mờ nguyên nhân

Sáng 20.4, trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều ngư dân cao niên ở vùng biển Quảng Bình cho rằng, hiện tượng cá chết trong những ngày qua là rất bất thường. “Cá chết còn tươi roi rói là biểu hiện của chết tức, chết rất nhanh chứ không phải từ từ. Nhiều loại cá sống ở đáy và có sức khỏe tốt như cá đuối, cá loi… cũng chết nhiều lắm. Ngư dân chúng tôi không thể biết được nguyên nhân từ đâu” – lão ngư Trần Văn Đạt ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch nói.

Bộ Tài nguyên Môi trường vào cuộc

“Tổng cục Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã cử đoàn công tác đến các địa phương phối hợp với Sở TNMT các tỉnh trên để lấy mẫu nước, khảo sát hiện trường… Đoàn công tác đang cùng các địa phương tìm hiểu nguyên nhân gây nên hiện tượng cá biển chết hàng loạt”. Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thông tin như vậy tại cuộc họp khẩn sáng  20.4 do Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chủ trì, nhằm làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung, nhất là 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Đình Thắng

Nhiều ngư dân bức xúc về thông tin  cá chết do các khu công nghiệp xả thải, nhưng ở Quảng Bình hiện tại vẫn chưa có khu công nghiệp nào lớn ở sát bờ biển. Còn nếu nói do Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì sao tình trạng cá chết lại lan rộng vào tận trong Quảng Trị, chẳng lẽ nó ảnh hưởng rộng lớn đến thế!?

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã kiểm tra thực địa và lấy mẫu kiểm tra nhưng nay chưa có kết quả. Ông Nam cho hay: “Theo ngư dân huyện Vĩnh Linh thì dưới đáy biển ở những nơi có cá chết, nước biển đỏ ngầu, đó là một biểu hiện bất thường cho thấy có thể nguyên nhân gây cá chết là chất thải từ các nhà máy chế biến kim loại nặng như quặng, sắt…”.

Hôm 19.4, Sở NNPTNT Quảng Bình đã có công văn gửi các Bộ NNPTNT, KHCN, TNMT, UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo về tình trạng cá chết bất thường. Sở này nhận định có thể dưới tác động của dòng hải lưu Bắc Cực - Xích đạo nên nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào dọc bờ biển phía Nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình từ Bắc vào Nam theo thời gian.


Related news

Cần bàn tay xử lý cả... da, xương, mỡ cá tra Cần bàn tay xử lý cả... da, xương, mỡ cá tra

Xung quanh thực trạng khó khăn của ngành cá tra cũng như những việc cần làm ngay để đưa ngành cá tra tiếp tục phát triển, phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Việt Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

Wednesday. April 20th, 2016
Mô hình luân canh tôm - lúa thích ứng xâm nhập mặn Mô hình luân canh tôm - lúa thích ứng xâm nhập mặn

Mô hình luân canh tôm - lúa đã xuất hiện từ lâu, nhưng diện tích không ổn định, do nhiều nông dân cố giữ nước lợ để nuôi tôm trong thời điểm nước ngọt, bởi vì lợi nhuận trồng lúa thấp. Tuy nhiên, trải qua quá trình sản xuất lâu dài, mô hình này ngày càng thể hiện nhiều ưu thế phát triển như: Rủi ro dịch bệnh thấp, tạo ra sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định, nhất là khả năng thích ứng cao với những vùng gần biển có điều kiện nước lợ, ngọt đan xen nhau (6 tháng nước lợ, 6 tháng nước ngọt).

Wednesday. April 20th, 2016
Đeo thẻ cho cá Đeo thẻ cho cá

Thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, với các mặt hàng tôm, cá tra, hải sản… xuất khẩu trên 100 nước, có những thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Việt Nam hiện trở thành một trong những nước sản xuất, chế biến hàng đầu thế giới.

Wednesday. April 20th, 2016