Cá Chết Hàng Loạt Khiến Nông Dân Điêu Đứng
Những ngày qua, hàng chục hộ nông dân nuôi cá ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đứng ngồi không yên, đắng lòng nhìn hàng tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch bị chết hàng loạt.
Theo phản ánh của các hộ nuôi cá ở đây, tình trạng cá nuôi chết ở đây diễn ra từ đầu tháng 8, song những ngày gần đây cá chết nhiều hơn, nổi trắng đầm, tấp vào bờ và bốc mùi hôi thối, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường. Ông Đinh Ngọc Quang, một trong những hộ nuôi cá cho biết: Khu đầm có 100 ha, tôi cùng 7 hộ nuôi khác đã thả gần 5 tấn cá giống, chủ yếu là cá trắm đen và cá chép với số vốn đầu tư 450 triệu đồng. Sau cơn bão số 5 và số 6, cá bỗng chết hàng loạt. Số tiền lớn mà mỗi hộ đã bỏ ra coi như mất trắng.
Còn anh Nguyễn Văn Kiên, chủ đầm nuôi cá ở xóm 8, Gia Thủy than thở: tỷ lệ cá chết lên tới 60 - 70%, mỗi con khoảng 1 - 2 kg. Hơn 4 tấn cá giống thả vụ này coi như mất trắng. Cá chết, chúng tôi còn phải bỏ tiền ra thuê người vớt, gom lại để chôn, dùng một số hóa chất để xử lý nguồn nước. Tuy nhiên, do diện tích nuôi cá lớn, nước sâu, lượng cá chết nhiều nên việc xử lý hiện nay cũng rất khó khăn.
Những người nuôi cá ở Gia Thủy hết sức lo lắng vì cá chết không có những biểu hiện của các loại bệnh thường gặp. Một số người cho biết: Đầu vụ chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các quy trình làm vệ sinh ruộng nuôi, giống cá được mua ở những đơn vị có uy tín, mật độ thả cá cũng không lớn. Những ngày đầu mới thả, cá sinh trưởng, phát triển tốt, không có biểu hiện nào của dịch bệnh nhưng không hiểu vì sao mấy ngày nay cá lại chết hàng loạt như vậy.
Theo ông Đinh Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy, những năm gần đây, nhờ phát triển mô hình lúa-cá nên đời sống người dân trong xã được nâng lên. Thu nhập từ việc nuôi cá cao gấp 5 - 7 lần so với cấy lúa. Toàn xã hiện có trên 150 ha thực hiện theo mô hình lúa - cá, tập trung ở các thôn Mỹ Thượng, Mỹ Lộc và Mỹ Thịnh.
Năm nay, do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là sau cơn bão số 5 và số 6, từ đầu tháng 8 đến nay đã xuất hiện tình trạng cá của các hộ dân chết hàng loạt. Trước thực trạng trên, UBND xã đã báo cáo với huyện để có biện pháp hỗ trợ, giúp các hộ dân tìm ra nguyên nhân cá chết để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Trước mắt xã đã hướng dẫn các hộ dân thu gom cá chết mang đi tiêu hủy, đồng thời xử lý nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước thực trạng cá nuôi của các hộ dân chết hàng loạt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy mẫu cá chết để tiến hành các bước xác minh, phân tích các mẫu cá nhằm làm rõ nguyên nhân vì sao cá nuôi ở Gia Thủy bị chết.
Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, cá chết không có những biểu hiện của các loại dịch bệnh thường gặp như xuất huyết, đốm đỏ, mang cá cũng không bị tổn thương… Hiện chúng tôi đã lấy mẫu gửi đi cơ quan kiểm giám Thú y Trung ương để xét nghiệm cụ thể 9 loại bệnh truyền nhiễm của cá, đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản kiểm tra môi trường vì nhiều khả năng do cơn bão số 5, 6 đã làm ô nhiễm môi trường ruộng nuôi dẫn đến cá chết nhiều.
Ngay sau khi nhận được thông tin cá chết nhiều tại Gia Thủy, Chi cục Thủy sản tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho các chủ hộ các biện pháp phòng bệnh, nhanh chóng thu gom cá chết để tiêu hủy, vệ sinh ao đầm, dùng các hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, bảo vệ những con nuôi còn sống.
Như vậy, nguyên nhân cá chết ở Gia Thủy không phải do dịch bệnh, nhưng vì sao cá nơi đây chết hàng loạt thì rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu tìm ra để người dân sớm có những biện pháp xử lý tiếp theo.
Related news
Mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu bệnh trên đồng rộng" hay gọi đơn giản như nông dân là "Trồng hoa trên bờ ruộng" trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) 4 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá.
Những ngày này, người dân đảo Bé đội mưa gió thu hoạch hết diện tích hành Thu Đông bị thối rữa bởi nước mưa. Dọc các trục đường trên đảo Bé, đâu đâu cũng thấy cây hành được chất thành đống phơi ngoài mưa gió và chờ mang ra biển đổ. Đời sống của người nông dân trên đảo Bé vốn đã khổ nay lại khổ hơn bởi tất cả vốn liếng mà họ đầu tư cho vụ hành này gần như mất trắng.
Để giải quyết thực trạng rau an toàn (RAT) sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, trong khi đó, người tiêu dùng lại không biết mua RAT ở đâu, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các hoạt động liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng (NTD) và DN. Hy vọng, với cách làm này, sẽ giải quyết được những tồn tại để mở lối ra cho RAT.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho câu lạc bộ (CLB) nuôi trồng thủy sản số 2 xã Tân Nhuận Đông.
Do vậy, ông Nam đề nghị, Nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan phải đồng lòng, có liên kết nhiều và chủ động hơn trong việc có thêm nguồn tư liệu và những hình ảnh truyền thông mạnh mẽ hơn thông qua những bạn hàng, đối tác để đưa những thông điệp trung thực, chất lượng đến với người tiêu dùng.