Cá chết do nước thiếu ôxi trầm trọng
Mấy ngày này, ông Hà Văn Trường ở thôn Thai Dương Hạ Trung không khỏi xót xa trước tình trạng cá chết đột ngột. “Trước đó cá vẫn ăn tốt, không có dấu hiệu bất thường. Đến rạng sáng 14/7, tôi ra cho cá ăn thì phát hiện cá chết hàng loạt, nổi trắng lồng, tiếp tục kiểm tra 5 lồng nuôi khác mới tá hỏa cá chết gần hết. Các loại cá chết chủ yếu là vẩu và một số cá hồng, mú… ước thiệt hại gần 100 triệu đồng. Sau khi vớt số cá chết, số cá sống còn lại tôi cũng thu hoạch luôn. Ngặt nỗi, nghe cá chết nên không ai dám mua. Một vài người mua thì ra giá chỉ 70 ngàn đồng/kg”, ông Trường buồn rầu.
Đến sáng 15/7, tình trạng cá chết vẫn xảy ra nhưng số lượng ít hơn. Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương thông tin, ngay sau khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương cử cán bộ đến kiểm tra, nắm tình hình, đồng thời báo với cơ quan chức năng đến kiểm tra mẩu nước. Thống kê ban đầu, toàn xã có 106 lồng cá của 37 hộ bị chết, có nhiều lồng chết gần như hoàn toàn với số lượng ước trên 10 tấn, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Hướng cho biết thêm, khu vực người dân đang nuôi đã được chính quyền địa phương cảnh báo nhưng bà con không chấp hành. Đây là vùng đầm phá được xác định không phù hợp với các loại cá “đặc sản”, người dân lại không tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nuôi dẫn đến cá chết.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, nguyên nhân cá chết được xác định do thiếu ô xy trầm trọng. Tại thời điểm cá chết, lượng ô xy đo được trung bình 0,8%, đến rạng sáng 15/7 chỉ dao động từ 0,58%, trong khi đó lượng ôxy cho phép nuôi phải đạt 4%. Ngoài ra, do diện tích lồng quá nhỏ, song người dân thả nuôi mật độ quá cao, nắng nóng diễn biến phức tạp, một số khí độc ở tầng đáy nổi lên mặt lồng cũng là nguyên nhân dẫn đến cá chết… Sau Hải Dương, Chi cục Thủy sản đi kiểm tra các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh nhưng không phát hiện tình trạng tương tự.
Cá chết được người dân trục vớt
Được biết, số cá bị chết ở Hải Dương lần này đều do trước đó không bán được nên người dân giữ lại nuôi tiếp. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Đức Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình (Phú Lộc) thông tin, toàn xã có 195 lồng của 97 hộ đã đến kỳ thu hoạch gần cả tháng nay nhưng vẫn không bán được. Thị trường tiêu thụ cá chủ yếu là ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng gần đây lượng tiêu thụ rất ít, không được các lái buôn thu mua đại trà như trước.
Có thể do tâm lý người tiêu dùng nên xảy ra nghịch lý cá nuôi càng to càng khó bán, thông thường trọng lượng trung bình mỗi con khoảng 1kg thì dễ bán, nhưng đạt trọng lượng 1,5kg hầu như không ai mua, trong khi giữ cá càng lâu thì người nuôi càng dễ đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, tốn chi phí thức ăn. "Mong các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện, có chính sách thu mua cá tạm trữ nhằm tránh rủi ro cho bà con", ông Phương nói.
Related news
Sự cố cá biển chết hàng loạt trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con ven biển miền Trung. Thế nhưng, sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ và địa phương phần nào giúp ngư dân vượt qua khó khăn tiếp tục ra khơi, bám biển.
Hôm nay (15.7), cá nuôi lồng trên Phá Tam Giang của các hộ dân ở gần khu vực cửa biển thuộc xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế) vẫn tiếp tục chết khiến nhiều hộ nuôi trắng tay.
Theo đánh giá của người dân nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nuôi tôm ngày càng khó thành công. Năng suất tôm vài năm qua giảm, có vụ mất trắng.