Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá - Cần Hoàng Lương

Cá - Cần Hoàng Lương
Publish date: Friday. November 22nd, 2013

Từ con cá và những ruộng rau cần, người dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã trở nên khá giả, đời sống sung túc. Nhiều cánh đồng đạt mức thu 300 triệu đồng/ha/năm. Chủ trương hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại đây tiếp tục mở ra cơ hội mới cho nông dân xã Hoàng Lương đẩy mạnh thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế.  
Trong bộ quần áo mưa, chân đi ủng, tay mang găng cao su, anh Nguyễn Văn Tỉnh, thôn Thanh Lâm, lội dưới ruộng ngập nước để thu hoạch rau cần. Ven bờ, một tốp phụ nữ cũng được "trang bị" tương tự mải miết nhặt rễ, lá, rửa sạch, bó cần.

Anh Tĩnh cho biết, mấy ngày nay, rau cần được giá, thương lái đánh xe ô tô về tận đầu ruộng thu mua với giá 10.000 đồng/kg (cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước). Thửa ruộng 1,5 sào của gia đình anh đang cho thu hoạch lứa cần thứ 2 trong vụ này, nếu giá thị trường giữ ổn định, anh sẽ thu về không dưới 15 triệu đồng.

Theo những người trồng rau cần lâu năm, nghề này đã có ở Hoàng Lương hàng chục năm, lúc đầu chỉ là những ao, ruộng nhỏ lẻ của từng gia đình. Thấy hiệu quả kinh tế của nghề trồng rau cần, người dân xã Hoàng Lương đã mở rộng diện tích, quy mô sản xuất. Thông thường, nông dân bắt đầu trồng vào cuối tháng 8 dương lịch hàng năm, trước đây do không chủ động được giống nên bà con phải đi nơi khác mua. Hiện nay người dân đã học được kỹ thuật giữ giống cần nên gia đình nào cũng dành một khoảnh ruộng để gây giống quanh năm.

Kỹ thuật trồng rau cần không phức tạp, chi phí  phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không nhiều, chủ yếu là bảo đảm nguồn nước nên sau 45-50 ngày có thể thu hoạch một lứa. Sau khi thu hoạch, nông dân trồng ngay lứa mới. Liên tục như vậy đến tháng 3 năm sau thì kết thúc. Diện tích trồng rau cần khi đó được làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng để chuyển sang nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương cho biết, hiện nay có 5/10 thôn của xã chuyên canh rau cần, bao gồm: Thanh Lâm, Đại Thắng, Thanh Lương, Đồng Hoàng và Ninh Giang. Tổng diện tích lên đến 125 ha với gần 1 nghìn hộ tham gia. Hầu hết diện tích này đã được đầu tư xây bờ bao kiên cố, cứng hóa đường giao thông và kênh mương nội đồng, rất thuận lợi cho sản xuất. Từ khi chuyển đổi diện tích ruộng từ cấy lúa không ăn chắc sang thâm canh cá - cần, hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần. Sản lượng rau cần hằng năm ước đạt 10 nghìn tấn, mang về cho nông dân xã Hoàng Lương hơn 10 tỷ đồng trừ chi phí, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,8%.

Như là cái duyên với đồng đất Hoàng Lương, bên cạnh nghề trồng rau cần, nghề nuôi cá và ương cá giống cũng rất phát triển ở nơi đây. Năm 2012, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã là 100 ha, tăng 15 ha so với năm 2011, chiếm 38% tổng diện tích canh tác. Sản lượng đạt 290 tấn cá thịt, cung cấp hơn 100 triệu cá giống các loại cho địa phương và xuất sang các tỉnh khác như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh… cho thu nhập khoảng 20 tỷ đồng.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng, thôn Đại Lâm mới thấy được công sức của những người gắn bó với nghề làm cá - cần. Toàn bộ khu nhà anh đều trở thành nơi nuôi cá với hệ thống các bể liên hoàn. Thậm chí dưới mặt sân đổ bê tông cũng là hầm nuôi cá. Các loại cá với kích cỡ từ bằng ngón tay đến vài kg/con được nuôi trong các bể xi măng, nước giếng khoan liên tục được lưu thông để bảo đảm nhiệt độ và lượng ôxy trong những ngày giá rét. Ngoài ao là cá rô phi, chép đỏ đang được chăm sóc tích cực để phục vụ cho dịp Tết, nhất là lễ cúng Táo quân 23 tháng Chạp sắp tới.

Anh Hưởng cho biết, trước đây anh nuôi cá trong làng, sau đó gia đình anh mạnh dạn xin chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích ruộng sẵn có sang nuôi trồng thủy sản. Liên tục những năm gần đây, gia đình anh thắng lớn nhờ cá, mỗi năm xuất bán 100 vạn cá rô phi, 15 vạn cá chép và 1,5 tấn trê lai giống, bình quân lãi 300 triệu đồng/năm.

Dự kiến đến năm 2015, diện tích sản xuất theo công thức cá-cần của xã Hoàng Lương mở rộng lên 150 ha. Ngay từ bây giờ, Đảng ủy và UBND xã đã có định hướng để nông dân đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tập trung đầu tư sản xuất. Bình quân mỗi năm xã dành khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất.

Niềm vui đã đến với nông dân xã Hoàng Lương - vào ngày 14-12-2012 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên diện tích 100 ha, đồng thời hỗ trợ 7 tỷ đồng để nông dân trong xã sản xuất rau cần theo hướng VietGAP trên cơ sở các mẫu đất, nước qua kiểm tra đều bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Giờ đây, cây rau cần, con cá ở Hoàng Lương đã có "thương hiệu", góp phần nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm và tiếp tục vươn đến các thị trường rộng lớn hơn.


Related news

Rừng Tốt, Dân Giàu Rừng Tốt, Dân Giàu

Tuy vậy, do chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của rừng trong phát triển bền vững; đồng thời giải quyết hài hòa các lợi ích từ trồng rừng và bảo vệ rừng giữa doanh nghiệp, cơ sở và người dân nên hàng năm Công ty vẫn đảm bảo diện tích trồng rừng và bảo vệ rừng; tác động tích cực đến kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Friday. March 6th, 2015
Để Những Cánh Rừng Mãi Xuân Để Những Cánh Rừng Mãi Xuân

Những ngày đầu xuân, chúng tôi có chuyến tham gia tuần tra rừng cùng lực lượng kiểm lâm huyện Thanh Sơn. Đồng chí Nguyễn Tiến Hiếu - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thanh Sơn cho biết: “Thanh Sơn có trên 14.000ha rừng tự nhiên và trên 25.000ha rừng trồng.

Friday. March 6th, 2015
Mở Rộng Diện Tích Nuôi Các Giống Cá Cho Thu Nhập Cao Mở Rộng Diện Tích Nuôi Các Giống Cá Cho Thu Nhập Cao

Hiện nay thủy sản đã được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Năng suất thủy sản ngày càng được nâng cao, giúp giá các mặt hàng ổn định, có mức giá vừa phải, phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng đồng thời vẫn giúp người nuôi thủy sản tăng thu nhập.

Friday. March 6th, 2015
Thu Hút Đầu Tư Vào Nông Nghiệp Thu Hút Đầu Tư Vào Nông Nghiệp

Nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI cả nước, thì 10 năm sau, con số này chỉ còn 1%, với khoảng 500 dự án còn hiệu lực. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp nước ta đạt 3,31%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm vừa qua đạt 30,86 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là đồ gỗ, cà phê, tiêu, điều và các loại rau quả.

Friday. March 6th, 2015
Vào Vụ Nuôi Tôm Vào Vụ Nuôi Tôm

Từ sáng sớm ngày hôm qua, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn phường An Phú (TP.Tam Kỳ) bắt đầu thả tôm giống vào ao và tiến hành kiểm tra môi trường nước. Ông Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú) cho biết: “Điều kiện sinh trưởng, phát triển của tôm thẻ chân trắng rất khác các loài nhuyễn thể, giáp xác khác và cá nuôi.

Friday. March 6th, 2015