Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Buồn mất mùa, vui giá lúa tăng

Buồn mất mùa, vui giá lúa tăng
Author: Huỳnh Xây
Publish date: Friday. February 17th, 2017

Do ảnh hưởng thời tiết, năng suất lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao ngất ngưởng, người dân vẫn thu lợi cao.

Trong ảnh:  Người dân xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa đông xuân 2016-2017. ảnh: Huỳnh Xây  

Lúa thơm tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ

Hiện nay, nhiều địa phương như huyện Vị Thuỷ, thị xã Long Mỹ, huyện Châu Thành A… thuộc tỉnh Hậu Giang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Nhiều hộ dân phấn khởi cho hay, giá lúa đang ở mức cao. Cụ thể: Lúa IR 50404 là 4.700 đồng/kg, OM 5451 là 5.200 đồng/kg, RVT là 5.800 đồng/kg, Jasmine từ 5.400 - 5.500 đồng/kg.

Mức giá này tăng bình quân khoảng 400 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và tăng từ 300 – 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Riêng đối với lúa thơm Jasmine, tăng khoảng 1.000 đồng/kg (lúa đông xuân 2015-2016 có giá bán từ 4.500-4.600 đồng/kg).

Ông Lê Văn Bình, ngụ tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy cho biết: “So với trước tết, giá lúa đông xuân đã tăng khoảng 400 đồng/kg. Do giá tăng, các thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi, tôi không cần tìm kiếm thương lái như vụ hè thu hay thu đông trước đó. Gia đình tôi có gần 1ha lúa OM 5451, với giá 5.200 đồng/kg, trừ hết chi phí thì thu lợi khoảng 20 triệu đồng”.

Như ông Bình, nhiều hộ dân lân cận vui mừng cho rằng, vụ đông xuân là vụ lúa chính, quan trọng trong năm, khi giá lúa cao đã giúp người dân tăng thêm lợi nhuận, có thêm nguồn kinh phí để chuẩn bị cho vụ lúa hè thu sắp tới.

“Mặc dù chi phí đầu tư cho vụ đông xuân thấp hơn các vụ khác trong năm nhưng lại cao hơn các vụ đông xuân trước đó từ 100.000 - 200.000 đồng/công (1.000m2), nhưng bù lại, giá lúa bán ra rất cao. Vụ này lời nhiều, người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi” – ông Huỳnh Hữu Nghị, ngụ cùng xã Vị Thanh chia sẻ.

Theo phóng viên tìm hiểu, không riêng tỉnh Hậu Giang, nhiều vùng lúa ở các địa phương như quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ), huyện Cầu Kè và huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh), huyện Tam Nông và Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện An Biên, Tân Biên (Kiên Giang),… cũng đã bước vào đợt thu hoạch.

Riêng TP.Cần Thơ đã thu hoạch khoảng 10.000ha trên tổng số gần 85.000ha lúa đông xuân. Năng suất bình quân đạt khoảng 5,8 tấn/ha, thấp hơn vụ đông xuân trước từ 100-200 kg/ha. Đến cuối tháng 2, người dân của thành phố này sẽ thu hoạch dứt điểm đợt 1 với khoảng 40% diện tích. Đa số các diện tích đều được thương lái đặt cọc thu mua.

Thị trường tiêu thụ nội địa tăng mạnh

Sau Tết nguyên đán năm 2015-2016, hạn, mặn đã xuất hiện và gây nhiều thiệt hại nặng nè cho người dân ĐBSCL, đặc biệt là vụ lúa đông xuân. Hiện vẫn chưa thể khẳng định được hạn, mặn có diễn ra trong thời gian tới hay không vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là dòng chảy từ thượng nguồn đổ về.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ)

Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, năng suất vụ lúa chính trong năm thấp hơn so với cùng kỳ là do 3 yếu tố và những yếu tố này đều do ảnh hưởng của thời tiết. “Thứ nhất, do một số khu vực xuống giống sớm để né mặn. Thứ hai, do nắng nhiều dẫn đến thời gian sinh trưởng của cây lúa rút ngắn nhưng người dân lại căn cứ theo thời gian sinh trưởng bình thường của cây lúa để phun thuốc, bón phân. Cuối cùng do trong giai đoạn sinh trưởng, mưa trái mùa thường xuyên xảy ra, làm nhiều diện tích bị đổ ngã. Tính trung bình, năng suất lúa vụ này chỉ đạt 5,9 tấn/ha trong khi đó mọi năm đạt trên 6 tấn” – ông Đời phân tích.

Ông Đời thông tin thêm: “Thị trường tiêu thụ có nhiều tín hiệu khả quan nên các doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh việc thu mua. Người dân chỉ cần ở tại ruộng, bán lúa tươi, không cần đem về nhà phơi, rồi đi tìm thương lái như trước”.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho hay, giá lúa cao là do những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu có tín hiệu khả quan. Ông Bình khẳng định: “Nhu cầu năm nay tích cực hơn năm trước. Đầu năm các hợp đồng xuất khẩu của các công ty tương đối tốt”. Ông Bình cũng cho biết, tuy là năng suất lúa đông xuân sớm giảm nhưng những vùng lúa gieo sạ muộn sẽ trúng mùa, có năng suất cao hơn.

Theo bà Ngô Ngọc Yến - Giám đốc Doanh nghiệp Yến Ngọc (TP.HCM), nguyên nhân giá lúa gạo tăng trong thời gian gần đây là do nông dân một số địa phương ở ĐBSCL chuyển sang sản xuất lúa nếp, giảm diện tích sản xuất lúa thơm. Trong khi đó, nhu cầu gạo thơm thị trường nội địa hiện đang tăng mạnh. Ngoài ra, năng suất lúa đông xuân sớm đang được thu hoạch và vụ hè thu trước đó sụt giảm mạnh cũng là một yếu tố có tác động đến diễn biến của giá lúa.

Còn theo một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn khác ở ĐBSCL thông tin thì giá lúa tăng hiện tại một phần là do có lượng gạo cần xuất khẩu sang Philippines trong tháng 2.


Related news

Trồng dưa lưới công nghệ cao dưới chân núi Bà Đen Trồng dưa lưới công nghệ cao dưới chân núi Bà Đen

Anh Đoàn Việt Cường đã chọn cây dưa lưới để từng bước chuyển đổi khoảng 4 ha đất ở khu vực chân núi Bà Đen trong nông trại của mình, theo mô hình VietGAP

Friday. February 17th, 2017
Bưởi da xanh Bến Tre không đủ hàng xuất khẩu Bưởi da xanh Bến Tre không đủ hàng xuất khẩu

Tuy thị trường xuất khẩu mở rộng, nhưng số lượng bưởi da xanh ở Bến Tre vẫn còn khiêm tốn, không đủ số lượng lớn theo đơn hàng.

Friday. February 17th, 2017
Xuất khẩu gạo Việt thêm áp lực Xuất khẩu gạo Việt thêm áp lực

Xuất khẩu gạo của VN năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do nhu cầu hạn chế và cạnh tranh gay gắt từ các nước.

Friday. February 17th, 2017