Home / Cây công nghiệp / Cây mía

Bón phân lân nung chảy và NPK-S Lâm thao cho cây mía

Bón phân lân nung chảy và NPK-S Lâm thao cho cây mía
Author: Ts. Bùi Huy Hiền
Publish date: Monday. June 18th, 2018

Sau khi thu hoạch trong vòng 1 tuần, cày phá luống, cày xới giữa 2 hàng mía, phơi ải đất 2 - 7 ngày, bón gốc toàn bộ phân chuồng, phân nung chảy Lâm Thao...

1. Đặc điểm sinh lý

Cây mía qua 5 thời kỳ sinh trưởng:

a) Thời kỳ nảy mầm: Tính từ khi đặt hom trồng cho tới lúc mầm mía nảy thành cây con. Điều kiện thích hợp: Nhiệt độ không khí tối thiểu 13 độ C, tối đa 35 - 36 độ C, thích hợp nhất 26 - 33 độ C; độ ẩm đất 70%.

b) Thời kỳ cây con: Bắt đầu từ khi cây có lá thật thứ nhất cho đến khi phần lớn số cây trong ruộng có 5 lá thật. Khi cây có 2 lá thật thì rễ cây bắt đầu phát triển. Điều kiện thích hợp: Nhiệt độ không khí tối thiểu 15 độ C, độ ẩm đất 60%.

c) Thời kỳ đẻ nhánh: Khi cây mía có 6 - 7 lá thật, các mầm ở gốc nằm dưới mặt đất nảy thành nhánh. Từ thân mẹ đẻ ra nhánh cấp 1, nhánh cấp 1 đẻ ra nhánh cấp 2 và tiếp tục thành một bụi mía. Thời gian đẻ nhánh kéo dài 3 - 4 tháng. Mía trồng vụ xuân tháng 2, 3, đẻ từ cuối tháng 4, rộ trong tháng 5, chấm dứt trong tháng 6. Mía trồng vụ thu trong tháng 9, đẻ rộ trong tháng 10, 11. Điều kiện thích hợp: Nhiệt độ tối thiểu 20 độ C, thích hợp nhất 26 - 30 độ C; độ ẩm đất 70 - 80%.

d) Thời kỳ vươn lóng: Mía trồng vụ xuân tháng 2, 3 có thời gian vươn mạnh trong 4 tháng: 7, 8, 9, 10. Mía trồng vụ thu tháng 9 có thời gian vươn lóng kéo dài trong 7 tháng, vươn mạnh trong 4 tháng: 5, 6, 7, 8. Điều kiện thích hợp: Nhiệt độ 25 - 35 độ C; độ ẩm đất 60 - 80%.

e) Thời kỳ chín công nghiệp và trổ cờ: Chín công nghiệp - thường từ tháng 11 trở đi, mía tích lũy đường lần lượt từ lóng dưới lên lóng trên. Khi độ đường các lóng ở phần thân ngọn tương đương với phần thân gốc là chín công nghiệp. Thu hoạch khi mía có độ chín nguyên liệu, là lúc độ đường thấp hơn chín công nghiệp, nhưng đạt trị số cho phép sử dụng mía để ép đường.

Điều kiện thích hợp: Nhiệt độ khoảng 14 - 25 độ C; độ ẩm đất thấp hơn trong thời kỳ sinh trưởng. Bón đạm và tưới nước muộn gần lúc thu hoạch ảnh hưởng xấu đến chất lượng mía. Trổ cờ - là thời kỳ chín sinh vật học của cây mía, thường không trùng với thời kỳ chín công nghiệp và có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nguyên liệu. Điều kiện thích hợp: Nhiệt độ dưới 15 - 26 độ C; độ ẩm đất 70%. Ở miền Nam mía trổ cờ vào tháng 10, miền Bắc tháng 12. Khi mía trổ cờ, thân ngừng sinh trưởng, tỷ lệ đường giảm, tỷ lệ xơ tăng.

Hạn chế trổ cờ có thể bằng các biện pháp sau: Rút nước gây hạn vào thời kỳ cảm ứng mầm hoa; bón tăng đạm kết hợp gây hạn trước và trong thời kỳ cảm ứng ra hoa, sau đó tưới trở lại bình thường; cắt lá ngọn + 1, + 2 trong thời kỳ cảm ứng ra hoa; phun hóa chất như Pentaclorophenol, phun Maleic hydrarit kết hợp với axit giberelic (GA), phun Diquat với liều lượng 0,125 - 1,0kg/ha hòa với 70 lít nước; điều chỉnh trồng vụ thu sẽ trốn trổ cờ có hiệu quả ở miền Trung và miền Nam.

2. Thời vụ trồng, mật độ và cơ cấu cây trồng ở các vùng

a) Thời vụ:

+ Miền Bắc: Vụ đông xuân là vụ chính - trồng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thu hoạch sau 10 - 12 tháng tuổi. Vụ thu - trồng từ tháng 8 đến tháng 9, thu hoạch sau 13 - 15 tháng tuổi, khoảng tháng 10 năm sau.

+ Miền Trung: Vụ đông xuân - trồng tháng 12 đến tháng 3 năm sau, có thể kéo dài tới tháng 4, 5 nơi có tưới nước. Vụ thu - trồng tháng 8, 9.

+ Miền Đông Nam Bộ: Vụ đầu mùa mưa - Vụ I trồng từ 15/4 - 15/6, tốt nhất đến 30/5, thu hoạch sau 10 - 12 tháng tuổi. Vụ cuối mùa mưa - Vụ II trồng từ 15/10 - 30/11, thu hoạch sau 13 - 14 tháng tuổi. Năng suất cao hơn vụ I khoảng 25 - 30%.

+ Miền Tây Nam Bộ: Vụ đầu mùa mưa - Vụ I trồng tháng 4 đến tháng 6, thu hoạch sau 10 - 12 tháng tuổi trên vùng đất lên liếp. Vụ cuối mùa mưa - Vụ II trồng tháng 11, 12 thu hoạch sau 8 - 10 tháng tuổi trên vùng đất bị ngập lũ.

b) Mật độ:

+ Miền Bắc: Đồng bằng - khoảng cách hàng 1,2m, trồng ở độ sâu 12 - 20cm. Trung du - khoảng cách hàng 1,3 - 1,4m, trồng ở độ sâu 25 - 30cm.

+ Miền Trung: Khoảng cách hàng 1,0 - 1,2m , trồng ở độ sâu 15 - 20cm.

+ Miền Đông Nam bộ: Canh tác thủ công - khoảng cách hang 1,0 - 1,2m, trồng ở độ sâu 20 - 25cm. Canh tác cơ giới - khoảng cách hàng 1,3 - 1,4m, trồng ở độ sâu 25 - 30cm.

+ Tây Nam bộ: Vùng đất lên liếp - khoảng cách hàng 0,8 - 1,0m, trồng ở độ sâu 15 - 20cm. Vùng đất không lên liếp - khoảng cách hàng 1,0 -1,2m, trồng ở độ sâu 15 - 20cm.

Số lượng hom trên 1ha: 25.000 – 35.000, hom có 3 - 4 mầm. Cách đặt hom: một hàng nối tiếp nhau; hai hàng đặt so le kiểu nanh sấu; hai hàng song song nối tiếp nhau.

c) Đất trồng: Thích hợp với nhiều loại đất. Yêu cầu tối thiểu là có tầng dày, độ thoáng, pH 4 - 9. Đất trồng mía tốt là có nguồn gốc núi lửa hoặc phù sa mới, đất thịt, thịt pha cát, kết cấu tơi xốp, giữ nước tốt, tầng dày 0,7 - 0,8m, mực nước ngầm ở độ sâu 1,5 - 2m, pH 6 - 8, đất giàu chất hữu cơ, không có muối độc, không thiếu vi lượng, địa hình bằng phẳng, độ dốc tối đa 7 - 15%.

d) Cơ cấu cây trồng:

Đất tốt, thâm canh cao: Chu kỳ luân canh 9 năm: 8 năm mía (1 tơ 3 gốc + 1 tơ 3 gốc ) + 1 năm luân canh; chu kỳ luân canh 7 năm: 6 năm mía (1 tơ 2 gốc + 1 tơ 2 gốc) + 1 năm luân canh.

Đất kém phì nhiêu, ít thâm canh: Chu kỳ 5 năm: 4 năm mía (1 tơ 3 gốc) + 1 năm luân canh; chu kỳ 4 năm: 3 năm mía (1 tơ 2 gốc) + 1 năm luân canh; chu kỳ 3 năm: 2 năm mía (1 tơ 1 gốc ) + 1 năm luân canh.

3. Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây mía

Liều lượng bón cho 1 sào Bắc bộ (kg/360 m2) như sau:

Loại phân Bón lót Bón gốc

Bón thúc khi bắt đầu đẻ nhánh

(bắt đầu có lóng)

Mía tơ
Vôi bột 25-35
Phân chuồng 350-500
Lân nung chảy Lâm Thao 20-30
NPK-S 12.5.10-14 70-80
Mía gốc
Phân chuồng 350-500
Lân nung chảy Lâm Thao 20-30
NPK-S 12.5.10-14 75-85

Ghi chú: 1ha = 1 sào Bắc bộ x 27,8 = 1 sào Trung bộ x 20 = 1 công x 10 (theo diện tích 1 sào Bắc bộ = 360m2; 1 sào Trung bộ = 500m2; 1 công (miền Nam) = 1.000m2).

Có thể thay phân chuồng bằng cách bón mùn thải của nhà máy đường sau khi xử lý. Bón vôi vùi sâu, trộn đều trong tầng đất canh tác, bón trước khi trồng mía ít nhất 30 ngày.

Các loại phân vi lượng Bo 0,1 - 0,2%, Cu, Zn, Fe phun bổ sung qua lá vào thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và bắt đầu có lóng.

Mía gốc: Lượng phân chuồng, phân đạm, lân và kali sử dụng cho mía gốc tương tự như với mía tơ, lượng phân đạm cần tăng 15 - 20%.

Sau khi thu hoạch trong vòng 1 tuần, cày phá luống, cày xới giữa 2 hàng mía, phơi ải đất 2 - 7 ngày, bón gốc toàn bộ phân chuồng, phân nung chảy Lâm Thao, cày lấp đất. Bón thúc đẻ nhánh khi bắt đầu có lóng với loại phân NPK-S 12.5.10-14.

Các loại phân vi lượng phun bổ sung qua lá vào thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và bắt đầu có lóng.

Chúc bà con nông dân sử dụng phân bón lân nung chảy kết hợp với NPK-S Lâm Thao hợp lý để tăng năng suất, hàm lượng đường của các giống mía và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.


Related news

Bọ Hung Hại Mía (Allissonotum Inpressicola) Và Cách Phòng Trừ Bọ Hung Hại Mía (Allissonotum Inpressicola) Và Cách Phòng Trừ

Sâu non mới nở màu trắng sữa, đầu ngực có màu nâu. Sâu ít chân, hình cong chữ C. Đốt cuối bụng của sâu non có nhiều gai và xếp không tạo hình nhất định. Đẫy sức từ 19 – 25 mm. Nhộng trần màu trắng nhạt, gần vũ hóa có màu nâu nhạt.

Thursday. August 22nd, 2013
8 Giống Mía Cho Miền Trung, Tây Nguyên 8 Giống Mía Cho Miền Trung, Tây Nguyên

Trong những năm qua Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung, Tây Nguyên đã thực hiện khảo nghiệm VCU (khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng) nhiều giống mía mới và khuyến cáo các tỉnh Nam Trung bộ,

Wednesday. April 30th, 2014
Một Số Biện Pháp Kỹ Thuật Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Trong Sản Xuất Mía Một Số Biện Pháp Kỹ Thuật Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Trong Sản Xuất Mía

Trong sản xuất mía, muốn đạt năng suất cao, chất lượng tốt phải đảm bảo những yêu cầu chính như: sử dụng các giống mía có năng suất cao

Saturday. May 31st, 2014