Home / Cây lương thực / Trồng ngô

Bón phân cho cây ngô lai vụ hè thu ở Tây Nguyên

Bón phân cho cây ngô lai vụ hè thu ở Tây Nguyên
Author: TS. Tôn Nữ Tuấn Nam
Publish date: Thursday. July 8th, 2021

Ngày nay các giống ngô lai tốt, cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh đã giúp cho người trồng ngô có thu nhập cao tuy nhiên kỹ thuật bón phân là rất quan trọng.

Nông dân cần chú ý chăm sóc cho ngô lai tốt để có năng suất cao. Ảnh: TLNông dân cần chú ý chăm sóc cho ngô lai tốt để có năng suất cao. Ảnh: TL.

Tây Nguyên là một trong các vùng trồng ngô trọng điểm ở nước ta. Vụ ngô chính ở vùng Tây Nguyên là vụ hè thu, gieo trồng vào đầu mùa mưa, vụ thu đông và đông xuân chiếm diện tích không đáng kể.

Ngô chủ yếu được trồng nhờ nước trời, ít có diện tích chủ động tưới, vì vậy năng suất ngô tùy thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết. Bên cạnh yếu tố thời tiết thì các biện pháp kỹ thuật khác như làm đất, mật độ, bón phân cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất ngô lai.

Đất trồng ngô cần được cày bừa kỹ, chuẩn bị đất sẳn sàng để gieo hạt trước khi mùa mưa đến. Làm đất kỹ là điều kiện cần thiết để bảo đảm hạt tiếp xúc tốt với đất ẩm khi gieo, điều này giúp hạt nẩy mầm nhanh và đều. Ở vùng Tây nguyên, đất thường chua do vậy có thể bón vôi bột vào đất trong lần bừa cuối cùng, bón 500kg vôi bột/ha.

Nên bảo đảm mật độ ngô lúc thu hoạch khoảng 60.000 cây/ha. Thông thường một số cây ngô sẽ bị chết trong quá trình gieo trồng cho đến khi thu hoạch, do vậy có thể gieo ngô với khoảng cách là 75 x 20cm, mỗi hốc 1 hạt, đạt mật độ 66.000 cây/ha. Khi cây đã mọc đều, tỉa bỏ các cây yếu ớt, các cây mọc cùng vị trí, chỉ để lại 1 cây/hố để đảm bảo điều kiện ánh sáng, cũng như sự cung cấp dinh dưỡng từ đất cho mỗi cây ngô.

Cũng như các loại cây trồng khác, để ngô lai phát triển khoẻ mạnh và cho năng suất cao, các chất dinh dưỡng thiết yếu như đạm, lân, kali phải được cung cấp đầy đủ khi cây cần chúng. Ngoài đạm, lân, kali thì ngô cũng cần các chất vi lượng khác như Ca, Mg, S, B, kẽm ... Một số triệu chứng thiếu trung vi lượng như thiếu ma nhê, thiếu kẽm đã được phát hiện trên nhiều cánh đồng ngô tại Tây Nguyên. Quy trình bón phân thích hợp nhất cho ngô là bón lót khi gieo và bón thúc 3 lần trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây.

Kỹ thuật bón lót cả 3 chất dinh dưỡng đạm, lân và kali khi gieo được khuyến cáo ở nhiều vùng chuyên canh ngô trên thế giới. Nhưng ở vùng Tây Nguyên, trồng ngô nhờ nước trời, bà con nông dân không muốn bón phân khi mà chưa thấy cây ngô mọc lên trên đồng ruộng. Điều này cũng đúng, vì có nhiều năm thời tiết bất lợi, mưa không đều trong thời kỳ gieo hạt, nắng kéo dài sau khi gieo làm hạt nẩy mầm không đều, cây con khô héo, chết làm bà con phải gieo lại.

Phân hữu cơ và lân thường được bón lót cho ngô khi gieo hạt. Các đợt bón thúc vào các thời kỳ sau:

- Thúc đợt 1: Nếu không được bón lót, cây ngô cần được bón thúc phân vô cơ rất sớm, khoảng 7 ngày sau gieo. Khi này cây được 2-3 lá. Không nên bón trễ hơn vì chất dinh dưỡng dự trữ trong hạt đã được cây sử dụng hết trong thời gian này và cây non cần được cung cấp dinh dưỡng dễ tiêu kịp thời.

- Thúc đợt 2: vào thời kỳ 6-8 lá. Bón đón cho cây ngô khi cây đạt tới thời kỳ 8 lá - vào khoảng 30 ngày sau gieo - cây bắt đầu một thời kỳ sinh trưởng nhanh. Đây là thời kỳ mà số hàng hạt trong một bắp ngô được xác lập. Thiếu dinh dưỡng trong thời kỳ này sẽ làm giảm số hàng hạt trong một bắp ngô do đó có thể giảm năng suất.

- Bón thúc đợt 3: lúc cây ngô được 10 lá, vào khoảng 5 tuần sau khi gieo. Bón lúc này giúp cây bảo đảm được dinh dưỡng cho cây vào giai đoạn sinh trưởng rất quan trọng tiếp sau đó vào khoảng 6 tuần sau gieo, lúc này cây ngô đạt 12 lá (còn gọi là thời kỳ xoáy nõn). Đây là thời kỳ mà số hạt trên mỗi bắp ngô và kích thước bắp ngô được xác lập. Bất kỳ một sự thiếu hụt độ ẩm hay dinh dưỡng nào vào thời kỳ này cũng sẽ làm giảm nghiêm trọng số hạt và làm giảm kích thước bắp ngô vào lúc thu hoạch.

Phân bón NPK Đầu Trâu 16-16-8 9S TE của Công ty Bình Điền. Ảnh: Bùi Lương.

Phân bón NPK Đầu Trâu 16-16-8 9S TE của Công ty Bình Điền. Ảnh: Bùi Lương.

Lượng và loại phân NPK được đề nghị cho các đợt bón cho ngô như sau:

- Đợt 1: cây 2-3 lá, bón NPK Đầu Trâu 16-16-8 9S TE, lượng bón 150-200 kg/ha

- Đợt 2: cây được 6-8 lá, bón NPK Đầu Trâu 16-8-16, lượng bón 250-300kg/ha

- Đợt 3: cây được 10 lá, , bón NPK Đầu Trâu 16-8-16, lượng bón 250-300kg/ha

Nếu dùng phân đơn thì bón như sau:

- Bón lót khi gieo: 400-500 kg/ha Super lân cùng với phân hữu cơ.

- Thúc đợt 1: cây 2-3 lá, bón 60 kgUrê + 30Kg KCl/ha

- Thúc đợt 2: cây 6-8 lá, bón 120 kg Urê + 70kg KCl/ha

- Thúc đợt 3: cây 10 lá, bón 120kg Urê + 70kg KCl/ha

Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng cho cây ngô kịp thời thì việc làm cỏ, xới xáo, vun gốc, lấp phân giúp vào việc sử dụng phân bón hiệu quả hơn vì ngô có bộ rễ háo khí, ăn cạn. Vun gốc vào thời kỳ ra rễ chân kiềng còn giúp cho cây ngô chống đổ ngã.


Related news

Giống ngô nếp lai mới ADI668 Giống ngô nếp lai mới ADI668

Giống ngô nếp lai ADI668 trồng thử nghiệm cho thu nhập được 5 triệu đồng/sào, trừ chi phí cho lãi khoảng 3,2 triệu đồng/sào (tương đương 64 triệu đồng/ha).

Monday. April 26th, 2021
Giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 sinh trưởng, chống chịu tốt Giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 sinh trưởng, chống chịu tốt

Hai giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 qua 4 vụ liên tiếp đều cho thấy khả năng sinh trưởng, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở Hải Dương.

Wednesday. May 5th, 2021
Giống ngô lai đơn VNUA36 Giống ngô lai đơn VNUA36

Giống có ưu điểm nổi trội bắp to, dài, sâu cay, năng suất cao, đặc biệt lá bi mỏng, dễ tẽ hạt.

Wednesday. June 16th, 2021