Bón phân cho cây chuối
Chuối là loại cây ăn quả cho tiềm năng năng suất rất cao từ 30 – 40 tấn/ha nên đồng nghĩa sẽ lấy đi một lượng dinh dưỡng rất lớn ở trong đất.
Nếu không biết cách chăm sóc đất nhanh bị bạc màu, cây sẽ chóng bị tàn bởi thế rất cần một chế độ phân bón đầy đủ và khoa học. Trong 3 yếu tố dinh dưỡng đa lượng NPK thì kali chuối cần nhiều nhất Trong giai đoạn ra quả, phát triển buồng còn đạm và lân cần suốt cả quá trình sinh trưởng, ngoài ra còn cần cả đến vi lượng. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ giúp cho bà con phát triển kinh tế từ loại cây có khả năng sinh trưởng rất nhanh.
Cây chuối có thể trồng nhiệt độ 15 - 30 độ C nhưng thích hợp nhất là 26 - 28 độ C. Chuối là một loại quả quý phổ biến ở nước ta. Chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipit, đường; vitamin A, B1, B2, C, PP… nhiều chất dinh dưỡng khoáng như Ca, P, Fe, Na, K...
Ở nước ta chuối là cây ăn quả được xếp hàng đầu về tổng sản lượng và diện tích, nhưng cây chuối bị một số bệnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và xuất khẩu. Trong tổng số trên 30 giống khác nhau có 3 giống chuối phổ biến nhất:
* Chuối tiêu: Quả to, dài, có vị thơm, ngọt. Năng suất cao. Chuối tiêu sinh trưởng khỏe, có thể trồng nhiều nơi, miễn là đủ nước. Ưa vụ đông lạnh, hanh. Chuối tiêu có 3 giống: Chuối tiêu lùn (cây cao không quá 2 m), chuối tiêu nhỡ (cây cao 2,2 - 2,75 m) và chuối tiêu cao (thân cao 3,5 - 4 m).
* Chuối tây: Chuối tây quả to, mập, thơm, ngọt đậm. Năng suất cao. Chuối tây chịu nóng và cũng chịu lạnh, có thể trồng được ở nhiều vùng đất miễn là đáp ứng nhu cầu nước.
* Chuối ngự: Cây cao 2,5 - 3 m. Quả chuối ngự nhỏ, ngắn nhưng có mùi thơm đặc biệt, năng suất thấp.
Ngoài ra còn có các giống chuối khác như chuối ngốp, chuối tiêu hồng, chuối bôm, chuối mơ giang, chuối mắn, chuối lá, chuối hột…
Đặc điểm sinh lý cây chuối
Chuối sinh trưởng bình thường ở nhiệt độ 15 - 30 độ C. Chuối rất nhạy cảm với nhiệt độ thấp và rét. Tổng tích ôn yêu cầu không dưới 6.000 độ C. Chuối rất cần nước cho các thời kỳ sinh trưởng là lúc phân hóa mầm hoa, ra hoa kết quả và quả phát triển.
Lượng nước lý tưởng là hàng tháng có mưa 120 - 150 mm. Cả năm cần khoảng 1.500 - 2.000 mm. Chuối cần nhiều ánh sáng, nhất là trong thời kỳ ra hoa, phát triển quả. Chuối không yêu cầu khắt khe về độ chiếu sáng. Chuối cần nhiều chất dinh dưỡng với liều lượng và tỷ lệ đạm, lân và kali cân đối.
Các giống chuối có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại một số vùng. Sau trồng 6 - 7 tháng các giống đã ngừng sinh trưởng sinh dưỡng chuyển sang giai đoạn sinh thực. Điều này cho thấy nếu đầu tư thâm canh thì có thể rút ngắn được thời gian sinh trưởng, xác định thời điểm thu hoạch hợp lý cho hiệu quả kinh tế cao.
Kỹ thuật trồng
Yêu cầu đất trồng: Chuối phát triển trên nhiều loại đất, nhất là ở các loại đất phù sa, dốc tụ. Nhưng để có năng suất cao, chất lượng tốt, chuối cần trồng ở những loại đất có tầng dày, đủ dinh dưỡng và đảm bảo đủ nước. Thích hợp với đất phù sa ven sông, suối, đất rừng mới khai phá nhiều mùn, thoát nước và giữ ẩm tốt. Trồng trong vườn nhà sau 1 năm đã cho thu hoạch.
Chọn cây con: Nên chọn cây con trên cây mẹ khỏe, không sâu, bệnh. Cây cao 1,2 - 1,5 m, hình búp măng, gốc to, đường kính thân đo cách gốc 20 cm là 15 - 20 cm, ngọn nhỏ đang có lá cuốn.
Thời gian đánh cây con tốt nhất sau khi thu hoạch buồng ở cây mẹ, không nên đánh cây con khi cây mẹ chưa trổ buồng hay đang trổ buồng để khỏi ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây mẹ. Dùng mai hoặc thuổng đánh và tách cây con làm sao vết thương trên củ nhỏ nhất.
Xử lý cây con: Gọt hết rễ trên củ, cắt ½ lá, để nguyên lá cuốn, dựng vào nơi râm mát, tránh xây xát giập nát củ và bẹ lá. Vùi gốc chuối con vào tro bếp khô nguội.
Thời vụ trồng:
- Ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ chuối thường trồng vụ thu và xuân, nhưng vụ thu (tháng 8 - 10) là chính; ở vụ xuân tháng 2 - 3 trồng cây dễ bén rễ, đạt tỷ lệ sống cao, song khi ra hoa gặp rét nên năng suất thấp, thậm chí không được thu hoạch.
- Ở các tỉnh Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL thường trồng đầu hoặc sau vụ mưa.
Mật độ trồng: Khoảng cách trồng 2,5 x 2 m hay 3 x 2 m (tức 1.600 - 2.000 cây/ha). Sau khi thu hoạch vụ thứ nhất chừa lại khoảng 2.500 cây con/ha (tương đương 90 cây con/sào Bắc bộ).
Bón phân cho chuối
Trộn đều phân bón với lớp đất mặt rồi lấp hố lại, mặt hố phải sâu hơn mặt đất 10 - 15 cm. Sau khi trồng tưới nước giữ ẩm cho cây.
Bón lót:
- Cày sâu 30 - 40 cm, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Đào hố sâu 40 - 50 cm, rộng 60 -80 cm với đất đồi, sâu 30 - 40 cm, rộng 50 - 60 cm với đất đồng bằng. Bón lót cho 1 hố 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục + 0,15 kg NPK-S Lâm T5.10.3.8 (tương đương 300 kg/ha với mật độ 2.000 cây/ha). Trộn đều phân bón với lớp đất mặt rồi lấp hố lại, mặt hố phải sâu hơn mặt đất 10 - 15 cm. Sau khi trồng tưới nước giữ ẩm cho cây. Cách 1 ngày tưới một lần cho đến khi bén rễ (trong vòng 2 tuần đầu).
Sau khi trồng 1 tháng làm cỏ lần đầu tiên, sau đó cách 1,5 - 2 tháng làm cỏ một lần, giữ cho vườn sạch cỏ. Có thể trồng xen lạc, đậu tương hoặc các loại rau để tăng thu nhập và chống cỏ dại cho vườn chuối.
- Tổng lượng phân bón cho năm đầu và những năm tiếp theo sau khi thu hoạch buồng cây mẹ:
Phân hữu cơ: 15 kg cho 1 hố hay 1 bụi, tương ứng 30 tấn/ha và được bón một lần vào cuối năm (khi trồng mới hoặc ngay sau thu hoạch). Nếu đất chua cần bón vôi với liều lượng 0,2 kg/hố (hay 400 kg/ha).
Bón thúc:
- Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 1 - 1,5 tháng sử dụng NPK-S Lâm Thao 12.5.10-14 hoặc NPK-S Lâm Thao 10.5.12-5 với liều lượng 1 kg/cây.
- Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 1 - 1,5 tháng sử dụng NPK-S Lâm Thao 12.5.10-14 hoặc NPK-S Lâm Thao 10.5.12-5 với liều lượng 2 kg/cây.
- Bón thúc lần 3: Sau khi cây trổ buồng (bón nuôi quả), sử dụng NPK-S Lâm Thao 12.5.10-14 hoặc NPK-S Lâm Thao 10.5.12-5 với liều lượng 1,5 kg/cây.
Tỉa mầm và cắt bỏ hoa đực
- Tỉa mầm là một biện pháp kỹ thuật quan trọng nhưng ít được chú ý. Để tránh ảnh hưởng đến cây mẹ, nguyên tắc chung là chỉ để lại 1 - 2 cây con trên một gốc để thay cây mẹ. Phải làm sớm, đánh đi những mầm yếu, ra mầm không đúng thời vụ…
- Sau khi chuối trổ buồng có 7 - 8 nải hoặc 11 - 12 nải lần lượt nở gồm toàn hoa cái. Sau đó nở hoa đực, cần cắt bỏ, có thể làm tăng khối lượng buồng 3 - 5%. Nên cắt vào buổi trưa để chóng khô nhựa, nấm bệnh khó xâm nhập vào cuối buồng.
Related news
Chuối tiêu hồng có tiềm năng xuất khấu rất cao, tuy nhiên, cây chuối đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm rộng một số bệnh chưa có thuốc trừ đặc hiệu.
Bệnh héo rũ Panama do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây ra khiến việc sản xuất chuối toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Nấm bệnh vàng lá Panama mẫm cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa. Cây bị bệnh muộn có thể vẫn cho buồng quả nhưng quả không có