Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bốn Mùa Bơ

Bốn Mùa Bơ
Publish date: Tuesday. May 7th, 2013

Có chút ngạc nhiên lẫn thú vị cho những người yêu cây trái khi biết rằng cây bơ trên đất Lâm Đồng ra quả hầu như quanh năm và thực ra trồng bơ cũng rất kinh tế không kém so với nhiều loại cây trồng khác.

1. Tháng tư âm lịch mới là mùa bơ rộ, nhưng trước đó cả tháng bơ đã dần chín trên những cây ra trái sớm ở Đức Trọng. Trên vùng đất này khí hậu không lạnh như Đà Lạt trên cao, cũng không quá nóng như vùng đồng bằng dưới xuôi, mỗi ngày nơi đây dường như có 4 mùa luân chuyển nên cây trái cũng có hương vị rất khác. Điển hình như cây bơ. Theo rất nhiều người, bơ trồng trên vùng đất này cho trái rất ngon. “Trong tỉnh ngon nhất là bơ ở Đức Trọng”- chị Ngô Thị Sương, một người làm nghề thu mua bơ ở thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng khẳng định.

Dù có vẻ hơi thiên vị về nơi mình sống nhưng trên 20 năm làm nghề thu mua bơ, lời nói của chị Sương cũng rất đáng được lưu tâm. Là một trong những vựa bơ lớn của Đức Trọng, chị Sương thu mua bơ trên khắp đất Lâm Đồng, chỗ nào có trồng bơ là chị đến. Chủ vườn bán ký mua ký, bán cây mua cả cây, có lúc mua cả vườn rồi thuê người hái. Khi không đủ hàng, chị còn sang cả Đăk Lăk, xuống tận Gia Kiệm - Đồng Nai hỏi mua rồi chở ngược về Đức Trọng. Mùa bơ rộ có ngày đại lý của chị thu vào cả chục tấn bơ. Những ngày đó chị thuê người làm hằng ngày, phân loại, đóng thùng, gửi hàng đi tiêu thụ khắp nơi trong nước. Bơ Lâm Đồng chủ yếu lâu nay bán cho thị trường Tp. HCM, bán cho các siêu thị, bán đi các thành phố miền Trung, gần đây là đi Hà Nội.

Đi nhiều nên chị Sương rất rành vùng đất nào trong tỉnh có bơ ngon. “Miết rồi quen, chỉ nhìn qua thôi cũng biết trái có ngon hay không. Nghề mà, nếu không rành lỗ chết sao”- chị cười. Bơ ngon theo chị trái thuôn đều, da sáng, hơi sần một chút, ruột cơm dày, thịt vàng, có mùi thơm, hạt nhỏ. “Bơ vỏ tím vỏ xanh như nhau. Bơ ngon phải thơm, dẻo và béo”. Bơ Đức Trọng rất béo. Chị bảo có những vùng đất mới trong tỉnh trồng bơ rất tốt, trái to đẹp nhưng khi bổ ra thịt lại bở, có nước, bơ không ngon lắm. Bí quyết để chọn mua được bơ ngon theo chị không khó, chỉ cần người mua tinh ý một chút là được. Chị nhắc khi mua nhớ chọn bơ tươi vừa chín đến để dùng dần, đừng mua bơ cũ quá lỡ trúng quả xanh chín ép ăn sẽ hơi đắng.

2. Điểm thú vị là bơ trên đất Lâm Đồng hầu như có trái quanh năm. Chị Sương bảo cả năm chị chả lúc nào được nghỉ, cứ mải mê với chuyện bán buôn vì thời điểm nào cũng có bơ để mua. Bận rộn nhất là mùa bơ chính trong năm, thường kéo dài khoảng 4 tháng, từ tháng tư đến tháng 8 âm lịch. Cả vùng Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm qua Đơn Dương đâu đâu cũng có bơ. Cuối tháng 8 âm lịch, bơ vùng dưới thưa dần và chị cùng những người buôn bơ đổ về vùng Cầu Đất, Trạm Hành - Đà Lạt vì bơ đang vào vụ tại đây. Bơ trên vùng đất này tuy không ngon như bơ vùng dưới nhưng rất có giá vì có trái vào thời điểm các vùng khác không có. Đến khoảng tháng chạp âm lịch một số cây bơ ở Đức Trọng, vùng Tân Hà, Nam Ban của Lâm Hà đã có trái bán cho mùa tết. Chỉ trong vòng 2 tháng sau tết, trong tháng 2 tháng ba âm lịch, chị phải xuống tận Gia Kiệm - Đồng Nai để mua bơ đem về bỏ hàng giữ mối và bỏ cho các quầy ở chợ Đà Lạt bán cho du khách. Rải rác trong năm vẫn có những chủ vườn quen gọi chị đến mua bơ nghịch vụ.

Bơ hiện nay rất có giá. Bơ đầu mùa ở Đức Trọng bán trên 30 nghìn đồng, có lúc lên đến 40 nghìn đồng/ký. Vào mùa rộ, giá giảm dần xuống 20, rồi khoảng 10 nghìn đồng/ký, có lúc thấp hơn. Nhưng dù giá có thấp thì mỗi cây bơ đến kỳ trưởng thành, nếu được chăm sóc tốt cũng thu được từ 2 đến 5 triệu đồng tiền bán trái. Còn với bơ ra trái nghịch vụ thì chủ nhà coi như trúng đậm. Mỗi ký bơ có được trong mùa nghịch thường có giá rất đắt, có lúc lên đến trên 50-60 nghìn đồng/ký nên trung bình mỗi cây bơ chủ nhà bỏ túi đến cả chục triệu đồng. Cá biệt có trường hợp như chị Sương cho biết, một hộ dân tại vùng Liên Hiệp - Đức Trọng với cây bơ ra trái nghịch vụ trúng ngay Tết, đã thu về trên 50 triệu đồng vì bơ lúc đó có giá ngất ngưởng: gần 80 nghìn đồng/ký.

Tại Đức Trọng hiện nay, bên cạnh vựa chị Sương còn có không ít những đại lý chuyên về bơ nổi tiếng khác như Minh - Phê, Quý - Thuý, Hoa - Hoà… Đây là những vựa chuyên bơ có cả tên vợ tên chồng tại chợ đầu mối rau, hoa quả Liên Nghĩa cung cấp bơ Lâm Đồng đi khắp cả nước.

3. Bơ được giá như thế nên chuyện trồng bơ đang được rất nhiều người trong tỉnh quan tâm. Nhiều hộ dân tại Di Linh, Bảo Lâm lâu nay đã thử nghiệm việc trồng xen cây bơ vào rẫy cà phê cho kết quả khá khả quan, tạo thêm nguồn thu từ cây bơ khá ổn định.

Vấn đề hiện nay như nhiều nông dân cho biết họ đang rất cần giống bơ tốt có năng suất cao, đặc biệt là các giống bơ cho trái nghịch vụ. Hiện nay đã có giống bơ nghịch vụ như thế được bán tại Đăk Lăk nhưng nhiều người phân vân liệu chúng có thích hợp với thổ nhưỡng Lâm Đồng?

Từ một loài cây ăn chơi có nguồn gốc Trung Mỹ được người Pháp mang vào Việt Nam từ những năm 30 - 40 thế kỷ trước, bơ đến nay đã dần tìm được chỗ đứng trên vùng đất Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng. Như nhiều người trồng cho biết, chúng cực kỳ dễ trồng, trồng đâu cũng được kể cả trên đất bạc màu, đất khô hạn, đất sườn đồi… Cây có tuổi thọ cao, cho trái đến vài mươi năm, ít cần chăm sóc, trái cực kỳ an toàn vì hầu như rất ít khi phải sử dụng đến hoá chất bảo vệ thực vật. Trái bơ nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong cả nước. Điều đáng nói là không phải địa phương nào tại Việt Nam cũng trồng được bơ và cho trái ngon như vùng đất Tây Nguyên và như Lâm Đồng. Tại Đăk Lăk từ lâu chúng đã được quảng bá như một loài cây rất có giá trị kinh tế. Còn với Lâm Đồng, liệu đã đến lúc chúng nên có một vị trí xứng đáng hơn trong danh mục cây ăn quả giá trị của tỉnh, nên được khuyến khích trồng rộng rãi hơn.


Related news

Vụ Khai Thác, Đánh Bắt Thủy Sản Chính Sau Niềm Vui Là Nỗi Lo Vụ Khai Thác, Đánh Bắt Thủy Sản Chính Sau Niềm Vui Là Nỗi Lo

Rủi ro rình rập, chi phí sản xuất tăng cao, giá cả bấp bênh hay có lúc “khát” lao động đi biển nhưng vụ khai thác, đánh bắt thủy sản chính trong năm 2014, ngư dân trong tỉnh vẫn bội thu. Có điều, “quả ngọt” ấy cũng chưa mang lại cho họ niềm vui trọn vẹn khi mà tình trạng ép giá, cửa biển bồi lấp... vẫn xảy ra.

Monday. October 27th, 2014
Tam Nông (Đồng Tháp) Thu Hoạch Dứt Điểm Hơn 130 Ha Tôm Càng Xanh Tam Nông (Đồng Tháp) Thu Hoạch Dứt Điểm Hơn 130 Ha Tôm Càng Xanh

Tính chung, 82 hộ dân ở 6 xã: Phú Thọ, Phú Thành A và B, An Long, Phú Ninh và thị trấn Tràm Chim thả nuôi hơn 602ha tôm càng xanh năm 2014 đã thu hoạch được tổng sản lượng trên 350 tấn tôm. Loại 30 con/kg bán giá từ 185.000 đồng - 190.000 đồng/kg, tôm càng xanh ôm trứng từ 50 - 60 con/kg bán với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg.

Monday. October 27th, 2014
Hội Nông Dân Xã Hải Phúc Hỗ Trợ Nông Dân Nuôi Trồng Thủy Sản Hội Nông Dân Xã Hải Phúc Hỗ Trợ Nông Dân Nuôi Trồng Thủy Sản

Xã Hải Phúc (Hải Hậu, Nam Định) có trên 60ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng và một số mô hình nuôi cá truyền thống, cá vược. Bám sát chủ trương của Đảng ủy, UBND xã về phát triển nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, những năm qua Hội Nông dân (HND) xã đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ cho hội viên phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Monday. October 27th, 2014
Bình Định Tập Huấn Nuôi Trồng Thủy Sản Thực Hành VietGAP Bình Định Tập Huấn Nuôi Trồng Thủy Sản Thực Hành VietGAP

Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định vừa tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác khuyến ngư với chuyên đề “Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tốt - VietGAP”. Tham gia lớp tập huấn có 60 học viên (HV) là cán bộ trạm khuyến nông, khuyến nông viên-khuyến ngư viên cơ sở trong tỉnh.

Monday. October 27th, 2014
Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Nguy Cơ Từ Việc Phá Vỡ Quy Hoạch Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Nguy Cơ Từ Việc Phá Vỡ Quy Hoạch

Những năm gần đây, con tôm thẻ chân trắng đã đem lại cho nhiều hộ dân của tỉnh giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với những cái được ấy là nguy cơ người dân đua nhau nuôi tôm thẻ chân trắng làm phá vỡ quy hoạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.

Monday. October 27th, 2014