Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Bốn không trong phòng chống dịch bệnh cho tôm

Bốn không trong phòng chống dịch bệnh cho tôm
Author: Trần Trung Thành
Publish date: Thursday. October 26th, 2017

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi trong đầu vụ 1 năm 2017, việc phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi là vấn đề bức xúc hiện nay.

Nông dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) dùng vôi bột xử lý ao nuôi tôm. Ảnh: Việt Hùng

Trong đó, thực hiện "Bốn không" là: Không thả tôm giống mang bệnh,  không cấp nước chưa qua xử lý vào ao nuôi,  không giấu bệnh, không xả thải nước, xác tôm chết do nhiễm bệnh khi chưa được xử lý ra môi trường là giải pháp tốt mà người nuôi tôm cần tuân thủ. 

Theo Chi cục Thú y Nghệ An, diện tích tôm bị nhiễm bệnh của đầu vụ 1 năm 2017 tính đến ngày 10/5 là 69,4  ha, tập trung chủ yếu các xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị thuộc TX. Hoàng Mai; Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, An Hòa thuộc huyện Quỳnh Lưu; xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; xã Hưng Hòa, TP. Vinh.

Bệnh xuất hiện chủ yếu trên tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn 6 (60 ngày sau thả nuôi), nhiều nhất là 20 - 49 ngày, kết quả xét nghiệm chủ yếu là đốm trắng. Vì vậy, để vụ nuôi tiếp theo thành công thì người nuôi tôm cần thực hiện triệt để "Bốn không" trong phòng chống bệnh.

Thứ nhất, không cấp nước vào ao nuôi khi chưa qua xử lý.

Thực hiện công tác cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm loại bỏ mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra, cụ thể:

Bước 1: Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa. Loại bỏ các địch hại có trong ao (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp…). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp, thoát nước.

Bước 2: Đối với ao nền đất bón vôi bột nông nghiệp và phơi đáy ao tối thiểu 30 ngày. Số lượng vôi từ 3 - 3,5 tấn/ha. Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH. 

Đối với ao nền lót bạt: Cần dỡ bạt vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh khử trùng, rửa sạch ao và rải vôi CaO hòa nước sệt tưới vào các kẽ bạt. 

Nước trước khi cấp vào ao nuôi cần phải được diệt các mầm bệnh, cá tạp, cá dữ, giáp xác, nhuyễn thể...  Dùng Chlorine với nồng độ 25-30 ppm, loại 65-70 % hoạt tính (tùy thuộc vào tỷ lệ % Clo hoạt tính của Chlorine , hòa tan Chlorine trong nước, rải đều khắp ao, cho quạt nước hoặc sục khí khoảng 3-4 h liên tục. Sau 3 ngày xử lý hết tác dụng của Chlorine tự do) chúng ta mới cấp cho ao nuôi. 

Thứ hai, không thả tôm giống mang mầm bệnh.

 Chọn thả tôm giống cùng lứa tuổi có kích cỡ đồng đều nhau: Postlarvae 15-20 (đối với tôm sú) và P 10-15 (đối với tôm thẻ  chân trắng),  kích thước đồng đều (sai lệch không quá 10%). Hình dáng: cân đối,  râu thẳng, không quẹo đuôi; tôm có màu sắc xám xanh sáng, xám nâu sáng; bơi lội nhanh, bám vào thành bể, khi đưa ra chậu xoay tròn dòng nước tôm bám xung quanh và bơi ngược dòng, không tụ vào giữa chậu khi dòng nước ngừng xoay. Quan sát dưới kính hiển vi: Ruột tôm đầy thức ăn, tỷ lệ ruột/ cơ ở đốt bụng thứ sáu: 1/4; cơ lưng trong suốt hoặc xanh sáng; có dãy sắc tố hình sao chạy dọc theo rìa bụng; tôm không nhiễm bệnh virus đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), bệnh MBV (nếu có nhiễm MBV, tỷ lệ < 20%); tôm không có sinh vật bám.

Thứ ba, không giấu bệnh

Khi bệnh xảy ra trên đầm nuôi thì cần báo cáo ngay cho cán bộ thú y địa phương làm thủ tục xác định mức độ thiệt hại để có chính sách hỗ trợ chlorine diệt khuẩn, tránh lây lan trên diện rộng. Người nuôi tôm cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm cộng đồng của mình, tránh tình trạng không báo cáo khi bệnh xảy ra trên tôm nuôi cho chính quyền địa phương mà chỉ âm thầm tự xử lý. Điều đó gây khó khăn cho sự quản lý của các ngành chức năng, tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan và phát triển. Điều đáng lo ngại hơn, khi ao đã bị nhiễm bệnh thì người nuôi tự xử lý nên không thể xác định được nồng độ, liều lượng dùng của các loại thuốc và hóa chất để diệt hoàn toàn mầm bệnh. Càng nguy hiểm hơn khi có hộ không xử lý thuốc, hóa chất mà xả thẳng nước thải ra môi trường.

Thứ tư, không xả thải nước ao chưa được xử lý tiêu diệt mầm bệnh ra môi trường.

Việc xử lý xác tôm chết do nhiễm bệnh cần được quan tâm và xử lý triệt để. Người nuôi tôm cần thu gom sạch xác tôm chết trong ao đầm, sau đó đem chôn nơi xa bờ ao, đầm nuôi để tránh lây lan, tạo cơ hội cho vi-rút, vi khuẩn phát triển. Việc thu gom xác tôm chết không những góp phần bảo vệ môi trường ao nuôi chính mình mà còn góp phần bảo vệ môi trường của vùng nuôi chung. 

Ngoài việc thực hiện "Bốn không" trong phòng, chống dịch bệnh kể trên, thì ở các khâu cải tạo, san vét bùn sau khi xử lý mầm bệnh, chăm sóc quản lý phải được thực hiện đúng như khuyến cáo của các ngành chức năng. Áp dụng triệt để "Bốn không" trong  phòng chống dịch bệnh chính là người nuôi tôm tự bảo vệ mình.


Related news

Kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong mùa mưa Kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong mùa mưa

Những cơn mưa lớn và kéo dài trong mùa mưa với lưu lượng nước nhiều kèm theo là nhiệt độ không khí thấp làm cho nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan trong ao tôm

Tuesday. October 17th, 2017
Lưu ý khi nuôi tôm mùa mưa Lưu ý khi nuôi tôm mùa mưa

Vào mùa mưa, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc dễ phát sinh dịch bệnh. Người nuôi tôm cần lưu ý để có cách xử lý phù hợp

Tuesday. October 17th, 2017
Các bệnh nhiễm khuẩn ở tôm và cách quản lý Các bệnh nhiễm khuẩn ở tôm và cách quản lý

Vibrio spp. Hình thành các vi khuẩn sinh trưởng chính được phân lập từ các mầm bệnh cơ hội ký sinh gây bệnh ở tôm, các loài gây bệnh chính là: V. alginolyticus,

Thursday. October 19th, 2017