Bộ trưởng chia sẻ câu chuyện đường từ dạ dày đến nghĩa địa

Trước đó, trong buổi chiều qua 16.11, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã nêu câu hỏi cụ thể dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát.
ĐB Vinh hỏi:
Tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi không đảm bảo an toàn thực phẩm… mà Bộ trưởng từng hứa sớm khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn trước Quốc hội
Tuy nhiên, theo ĐB Vinh, qua thực tế cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri, vấn đề này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm.
Như thịt lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.
“Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”- ĐB Vinh nói.
ĐB Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi, tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như báo cáo của Bộ đã nêu, song tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng?
Nguyên nhân của vấn đề này là gì?
Phải chăng do chính sách ta đưa ra chưa đủ răn đe hay sự thiếu quyết tâm của Bộ?
Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành phát triển nông thôn trước cử tri cả nước như thế nào khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước, xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc?...
Giải đáp hàng loạt câu hỏi mà ĐB Trần Ngọc Vinh đặt ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trước hết tôi hết sức chia sẻ với bức xúc mà các đại biểu đã thể hiện.
Bản thân tôi cũng nhận thức rất rõ yêu cầu và mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
“Tôi xác định đối với toàn ngành NNPTNT phải cố gắng làm những gì mà có thể làm được theo quyền hạn và trách nhiệm để chấn chỉnh tình hình và tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức; Xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách;
Hỗ trợ nhân dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp; Kiểm tra giám sát xử lý vi phạm; Tăng cường năng lực của hệ thống thực hiện nhiệm vụ được giao trước mắt và lâu dài” - ông Phát nói.
Theo ông Phát, các giải pháp đó đã được thực hiện ở nhiều năm và có tác động tích cực nhưng cũng mới ở mức độ kiềm chế, không bị xấu hơn.
Tuy nhiên cũng có nhiều mặt xấu đi và chưa bền vững.
Gần đây, một số mặt xấu đi như vấn đề sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi mà ngành chức năng đã thông tin cho các cơ quan báo chí đăng tải trong liên tục trong thời gian qua.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết đã giám sát tình hình an toàn và đã có báo cáo Quốc hội là 9 tháng đầu năm nay, 1% lượng thuỷ sản, 10% lượng rau, 7,6% lượng thịt có dư lượng vượt mức cho phép.
“Vấn đề là nhân dân không phân biệt được ở đâu là thực phẩm an toàn và ở chỗ nào không an toàn nên có cảm giác là hầu hết không an toàn.
Tuy nhiên, rõ ràng con số chúng tôi nêu ra trong giám sát là còn cao.
Cho nên, phải làm quyết liệt để giảm và giúp cho người dân phân biệt đâu là thực phẩm an toàn và ở đâu không an toàn”, ông Phát nhấn mạnh.
Ông Phát cũng giải thích
: Nguyên nhân chính của việc an toàn thực phẩm chậm chuyển biến không phải là do chúng tôi không quyết tâm, Chính phủ và các bộ đều chỉ đạo quyết liệt; cơ sở pháp lý hiện đã có nhiều luật, nghị định và rất nhiều thông tư được ban hành… nhưng việc triển khai, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vật tư, nông nghiệp chưa thực sự sâu rộng để tạo sự chuyển biến.
“Sản xuất nông lâm thuỷ sản có hàng triệu hộ, riêng lĩnh vực thuốc BVTV có 103 doanh nghiệp sản xuất hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ, cần phải giám sát chặt các cơ sở này để thực hiện tốt vấn đề quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp” - ông Phát chốt lại.
Không để nông nghiệp thua trên sân nhà
Trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tiếp tục nhận được nhiều chất vấn của ĐBQH liên quan đến hiệu quả của liên kết 4 “nhà”, cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp trong hội nhập, nhất là tới đây khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Trước các lo lắng của đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Không thể để nông nghiệp Việt Nam thua ngay trên sân nhà vì đó là cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân”.
Theo đó, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nông dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản kể cả những nông sản chúng ta đang yếu thì càng phải tập trung hơn để hỗ trợ nông dân, hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để có năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Mặc khác cũng phải hỗ trợ các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác...
Related news

Mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô do UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) thực hiện tại thôn Định Trường, với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...

VASEP cho rằng cá hồi đông lạnh chủ yếu được NK về để phục vụ gia công xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Mặt hàng cá hồi hiện nay ở Việt Nam chưa phải là sản phẩm đã sản xuất được ở cấp độ hàng hóa, việc NK không mang tính cạnh tranh với sản xuất trong nước. Do đó, Hiệp hội đề xuất giảm mức thuế NK với cá hồi về 0% nhằm phong phú nguồn nguyên liệu chế biến gia công XK thủy sản.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và ngành nông nghiệp các địa phương cùng các nhà vườn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành, để khống chế sự lây lan bệnh trên cây có múi.

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất trên các vùng đất khác nhau nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên có một thực tế đáng quan ngại hiện nay là năng suất cây trồng giảm mạnh sau một thời gian ngắn canh tác, sâu bệnh phát sinh gây hại tràn lan, chất lượng sản phẩm kém, tính cạnh tranh thấp. Nguyên nhân đầu tiên được xác định là do nguồn giống không đảm bảo, chưa qua kiểm dịch thực vật.

Dẫu còn phải lụy phà giang nhưng người dân ở cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đang có một niềm vui mới to lớn hơn. Đó là trong tương lai không xa, trái nhãn nơi đây sẽ xuất sang Mỹ.