Bò Thiếu Thức Ăn, Người Nuôi Lo Lắng

Thói quen chăn nuôi bò đàn thả rông trong khi nắng hạn kéo dài đã khiến người nuôi bò ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày càng lo lắng vì bò thiếu thức ăn.
Khu vực Suối Đá thuộc buôn Bá, xã Ea Bá rộng khoảng 2ha là nơi chăn thả đàn bò hơn 300 con của các hộ dân trong buôn. Nắng hạn gay gắt kéo dài khiến cỏ cây nơi đây khô cháy. Dù vậy ngày nào, Y Phú cùng những người bạn vẫn phải lùa đàn bò vượt gần 2km đến đây để kiếm chút cỏ khô hoặc lá cây rừng.
Lâu lắm rồi, hôm nay đàn bò của anh mới được bữa ăn no bởi đống rơm và những vỏ dưa còn sót lại từ rẫy dưa hấu vừa thu hoạch. Y Phú cho biết: “Lâu rồi trời không có mưa nên cỏ khô cháy hết, tụi em lùa bò ra đây chăn thả theo thói quen chứ có cỏ đâu. Vì cỏ khô cháy hết nên bò chỉ ăn lá cây, được miếng nào hay miếng đó”.
Đàn bò 13 con của Oi Đoan ở buôn Ken, xã Ea Bá cũng đang thiếu thức ăn trầm trọng. Từ Tết Nguyên đán đến nay, 2 con nghé của Oi Đoan đã chết vì thiếu cỏ. Tranh thủ đám dưa hấu vừa thu hoạch xong, Oi Đoan lùa đàn bò ra thả. Đám lá dưa này là nguồn thức ăn may mắn và hiếm hoi giúp Oi Đoan và những người chăn bò cùng xóm vơi bớt nỗi lo nhưng chỉ được vài ngày rồi cũng cạn kiệt. Oi Đoan cầu mong trời mưa mau để có cỏ “cứu” đàn bò.
Theo thống kê mới nhất, huyện Sông Hinh có 18.591 con bò; trong đó đàn bò ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Trol chiếm đến gần 70% tổng đàn.
Trong khi đó, hầu hết người dân nơi đây vẫn giữ thói quen nuôi bò thả rông, trong khi diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp bởi các loại cây trồng, cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến người chăn nuôi từ bị động, lúng túng đến hoang mang, lo lắng. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Nuôi bò đàn là một trong những thế mạnh của địa phương, song hiện nay do nắng hạn kéo dài nên vùng đồng cỏ tự nhiên bị khô cháy.
Vì vậy, nguồn thức ăn cho bò thiếu trầm trọng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán chăn nuôi thả rông. Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn vận động người dân tận dụng ngọn mía khi thu hoạch để làm thức ăn cho bò”.
Để khắc phục tình trạng đồng cỏ bị thu hẹp, UBND huyện Sông Hinh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thay đổi tập quán của người dân như xây dựng các mô hình bò lai, cấp cỏ voi; tập huấn tạo nguồn dự trữ thức ăn cho bò… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Do diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp nên huyện có chủ trương giảm đàn, đồng thời tăng cường công tác lai tạo đàn bò. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tích cực vận động nhân dân dành quỹ đất trồng cỏ…
Tuy nhiên vấn đề này mới phát huy tác dụng ở các xã có đông người Kinh, còn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự chuyển biến. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân để việc chăn nuôi bò mang tính bền vững và đạt hiệu quả”.
Related news

Mỹ Thọ là xã Anh hùng, thuộc huyện Phù Mỹ. Những năm qua, Mỹ Thọ đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. “Từ xóa đói, giảm nghèo, rồi từng bước vươn lên khá giàu nhờ tập trung phát triển kinh tế nông-ngư nghiệp là 2 ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”- ông Nguyễn Kim Trắc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, khẳng định.

Quỹ Tín dụng nhân dân (QTD) thị trấn (TT) Diêu Trì hoạt động trên địa bàn TT Diêu Trì và 2 xã Phước An, Phước Thành (huyện Tuy Phước). Hoạt động của QTD đã góp phần giúp các địa phương này phát triển, kinh tế bình quân hàng năm từ 12 - 15,3%, thu nhập bình quân đầu người từ 34,5 - 40 triệu đồng/năm.

Ngày 31.8, Bộ NN-PTNT đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra bước đầu chất tạo nạc trong chăn nuôi heo sau khi có đề nghị của Chi cục Thú y TPHCM cũng như thông tin dư luận cho rằng các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân đang sử dụng bừa bãi chất tạo nạc Sbutamol, gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm rối thị trường.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 19,31 tỷ USD.

Chậm nhất là đến tháng 9.2015, Cục Thuế tỉnh phải đạt tỉ lệ 90% số doanh nghiệp (DN) nộp thuế điện tử (NTĐT) trên cả 3 tiêu chí: 90% DN đăng ký NTĐT với cơ quan thuế (CQT), 90% tổng số tiền nộp thuế trong tháng bằng phương thức điện tử và 90% số lượng chứng từ nộp thuế trong tháng được nộp bằng phương thức điện tử. Hoàn tất bước 1, ngành Thuế tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy trình, song khó khăn vẫn còn nhiều khi không ít DN chần chừ với NTĐT.