Bổ sung rơm đã xử lý vôi, ure vào khẩu phần thức ăn của gia súc nhai lại
Nước ta là nước nông nghiệp, diện tích trồng lúa là rất lớn (chiếm khoảng 35% diện tích trồng trọt), chính vì vậy, lượng rơm sản xuất ra hàng năm lớn, tận dụng làm thức ăn chăn nuôi rất phù hợp.
Rơm rất giàu carbohydrate, là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho động vật nhai lại. Tuy nhiên, nguồn năng lượng được sử dụng bị hạn chế vì rơm có cấu trúc vách tế bào phức tạp, sự lên men của vi sinh vật trong dạ cỏ khó khăn do đó khả năng tiêu hóa không cao. Để tăng hiệu quả sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc, cần áp dụng một số các biện pháp nhằm thay đổi cấu trúc màng tế bào của rơm (Chenost và Kayouli 1997; Chaudhry 1998a).
1. Nguyên lý
Sử dụng tác nhân hoá học (vôi và urê) làm mềm rơm, giúp cho gia súc tiêu hoá tốt hơn. Vôi không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và bay hơi nên có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu.
Sự kết hợp giữa vôi và urê trong việc nâng cao giá trị dinh dưỡng của rơm (Zaman và Owen (1995), Sirohi và Rai (1994, 1995, 1996, 1998), Pradhan (1997) và Sahoo et al (2000)).
Gia súc tiêu hóa rơm chưa xử lý thấp (Fondevila et al. 1993), một lượng lớn không lên men ở dạ cỏ đã qua dạ cỏ và được lên men sau dạ cỏ, một phần không nhỏ được thải ra ngoài, dẫn đến phát thải nhiều khí mê tan hơn.
Silva và Ørskov (1988) đã chứng minh sự tiêu hóa rơm được tăng lên đáng kể khi nó được ủ, gia súc dễ dàng tiêu hóa cellulose/hemicelluloses để cung cấp dinh dưỡng dồi dào hơn.
2. Các bước tiến hành ủ rơm với urê và vôi
2.1. Chuẩn bị hố ủ
Có nhiều loại hố ủ như: hố ủ nổi, hố ủ chìm, nửa nổi nửa chìm, ủ bằng bao ni lông...). Hố ủ chìm dễ làm, ít tốn công và vật liệu nhưng phải lưu ý một số điểm sau đây:
- Địa điểm đào hố: cao ráo, dễ thoát nước khi trời mưa, dễ che đậy
- Kích thước: Tuỳ theo số lượng gia súc hoặc lượng rơm cần ủ để thiết kế hố ủ cho phù hợp; thông thường, hố 1m3 ủ được 100 kg rơm.
2.2. Chuẩn bị nguyên vật liệu
- Rơm: 100kg (rơm phải khô, sạch, có màu vàng sáng, không nấm mốc).
- Nước sạch: 100 lít.
- Urê: 2 kg.
- Vôi bột: 2kg.
- Dụng cụ: xô, thùng tưới hoa sen (ô-doa), cân, bạt/ni lông.
2.3. Tiến hành ủ
- Dùng bạt/ni lông lót dưới đáy và xung quanh thành hố ủ.
- Rải đều 1 lớp rơm dày khoảng 20 cm vào hố ủ, nén (dầm) chặt.
- Hòa 2 kg urê và 2 kg vôi bột vào 100 lít nước sạch, khuấy đều.
- Dùng bình hoa sen tưới đều dung dịch vôi, urê lên mặt lớp rơm trong hố. Vừa tưới vừa nén chặt, tưới từ từ để nước ngấm vào rơm mà không đọng ở đáy.
- Tiếp tục làm từng lớp 2, 3, 4 tương tự như lớp trên cho đến khi đầy hố ủ.
- Dùng bạt/ni lông che phủ thật kín hố ủ, trên cùng dùng đất đắp hoặc đè bằng các vật liệu nặng lên trên.
Chú ý: luôn đậy kín hố ủ, không để nước mưa làm ướt rơm.
Dùng bình hoa sen tưới đều dung dịch vôi, urê lên mặt lớp rơm trong hố
2.4. Sử dụng rơm cho gia súc ăn
- Sau 10 ngày có thể lấy rơm đã ủ cho gia súc ăn.
- Kiểm tra chất lượng: rơm ủ chất lượng tốt có màu vàng đậm, ẩm đều, rơm mềm, có mùi nồng của ammoniac, không mốc và không ứ đọng nước trong hố ủ.
- Chú ý khi lấy rơm ra khỏi hố: lấy lần lượt, sạch, gọn theo từng góc của hố ủ. Để rơm ra khỏi hố khoảng 30 phút rồi mới cho gia súc ăn.
- Nếu gia súc ăn rơm ủ lần đầu, cần tập cho ăn ít một, bằng cách trộn với cỏ tươi để cho quen sau đó mới tăng dần lượng, có thể cho gia súc ăn từ 1-3 kg/con/ngày.
(Tài liệu tham khảo: Chế độ ăn để giảm phát thải khí mê tan ở động vật nhai lại, Tạp chí Khoa học Động vật Canada, 2001; Cải tiến chăn nuôi bằng thay đổi khẩu phần ăn phù hợp dựa trên nguồn thức ăn sẵn có của địa phương, Metha Wanapat, Đại học Khon Kaen, Thailand)
Related news
Chọn mua cây giống ghép ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín. Giống thường có gai dài ở các lách lá. Lá chanh thuôn dài trung bình, sắc lá xanh sáng.
Như vậy đến nay, Mỹ đã đồng ý nhập 5 loại trái cây của Việt Nam, bao gồm: Thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.
Chủ nhân của chiếc máy đa năng độc đáo với các tính năng như: xịt thuốc, sạ phân, sạ lúa là “kỹ sư chân đất” Lê Văn Sửa, ngụ ấp An Thọ, xã An Phước