Bò Nội Khó Chọi Bò Úc
Năm ngoái, lượng bò Úc NK nguyên con về Việt Nam đã tăng mạnh so với năm 2012. Năm nay, lượng bò Úc nguyên con NK về Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng chóng mặt ấy.
NK tăng chóng mặt
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, GĐ Cơ quan Thú y vùng VI, trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 88.459 con bò Úc được NK về các tỉnh, TP thuộc khu vực quản lý của cơ quan này.
Đặc biệt trong tháng 9 vừa rồi, có tới 19.500 con bò Úc được nhập về khu vực quản lý của Cơ quan Thú y vùng VI, cao gấp hơn 2 lần so với tháng 8 (8.700 con). Như vậy, so với lượng bò Úc NK cả năm ngoái vào khu vực do Cơ quan Thú y vùng VI quản lý vào khoảng 66.000 con, thì lượng bò Úc đã NK trong 9 tháng qua, rõ ràng đã cao hơn hẳn.
Phần lớn lượng bò Úc NK về Việt Nam là vào các tỉnh, TP trong khu vực quản lý của Cơ quan Thú y vùng VI. Vì vậy, có thể khẳng định trong năm nay, lượng bò Úc NK nguyên con về Việt Nam sẽ đạt trên 100 ngàn con. Thậm chí nhiều chuyên gia chăn nuôi còn ước tính sẽ đạt khoảng 120-150 ngàn con.
Bò Úc nguyên con được NK về Việt Nam ngày càng nhiều, trước hết là ở vấn đề nhu cầu. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang ngày càng tăng, nhưng chăn nuôi bò thịt trong nước chưa thể đáp ứng được. Trước đây, để bù đắp nguồn thịt bò thiếu hụt trong nước, nhiều thương nhân đã NK bò từ Lào, Campuchia và Thái Lan. Nhưng năm nay, lượng bò NK từ các nước trên giảm khá nhiều do nguồn cung hạn chế.
Riêng ở Thái Lan, còn có tình trạng thương nhân Trung Quốc sang tìm mua bò khá nhiều khiến cho thương nhân Việt Nam khó cạnh tranh được. Do đó, các doanh nghiệp phải gia tăng NK bò nguyên con từ Úc để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Chất lượng cũng là yếu tố quan trọng để bò Úc tràn vào Việt Nam. Bò Úc do được chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ rộng nên có chất lượng thịt cao. Theo đánh giá của các chuyên gia ẩm thực, thịt bò Úc mềm, dễ ăn trong khi thịt bò ở Việt Nam lại khá dai.
Do đó, những gia đình có điều kiện đang ưu tiên mua thịt bò Úc hơn là thịt bò Việt Nam, bởi với miếng thịt bò Úc, trẻ con có thể nhai được dễ dàng. Các nhà hàng bán món bít tết bò cũng chuộng bò Úc hơn bò Việt, vì món bít tết làm bằng thịt bò Úc sẽ giúp cho khách hàng cắt ra từng miếng nhỏ được dễ dàng, ăn ngậy, ngon. Vì thế, chỉ riêng Cty VISSAN, mỗi ngày đang giết mổ khoảng 50 con bò Úc để cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM.
Việc NK bò Úc nguyên con tăng mạnh, không thể thiếu yếu tố giá cả. Do chăn nuôi quy mô công nghiệp trên đồng cỏ rộng nên giá thành bò Úc khá thấp. Năm ngoái, giá bò Úc NK về Việt Nam chỉ ở mức bình quân 2,4 USD/kg hơi, tương đương với khoảng dưới 50.000 đ/kg hơi, thấp hơn khá nhiều so với giá bò hơi ở Việt Nam (khoảng 60.000-80.000 đ/kg).
Năm nay, giá bò hơi Úc đã tăng lên đáng kể. Ông Võ Quang Huy (Cty Kết Phát Thịnh) cho biết, giá bò Úc nhập về Việt Nam hiện nay đã vào khoảng 2,83-3,05 USD/kg hơi. Giá tăng mạnh là do hiện đã có nhiều công ty Việt Nam sang Úc tìm mối cung ứng bò nguyên con. Nắm bắt cơ hội ấy, các chủ bò ở Úc đã tranh thủ đẩy giá bán lên. Tuy nhiên, giá bò Úc nhập về tới Việt Nam hiện vẫn còn rẻ hơn một chút so với giá bò nội địa.
Bò Việt khó cạnh tranh
Như đã nói ở trên, tuy giá bò hơi từ Úc về Việt Nam đã tăng khá nhiều so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với giá bò hơi trong nước. Tuy nhiên, bò Úc NK cũng đã bắt đầu gặp phải khó khăn nhất định trong việc cạnh tranh với bò nội về phương diện giá cả.
Điều đáng buồn là trong sự cạnh tranh này, không phải bò nội đã giảm được giá thành chăn nuôi mà lại nhờ vào sự gian lận thương mại của không ít thương lái. Theo tiết lộ của một doanh nhân chuyên kinh doanh thịt bò, hiện nay tình trạng bơm nước vào bò nội đang khá phổ biến.
Sau khi bắt bò ở các trang trại, thương lái sẽ đưa bò đến những nơi kín đáo, tổ chức bơm nước thẳng vào trong dạ dày con bò đang còn sống. Nước từ dạ dày bò sẽ thẩm thấu vào trong thịt, khiến cho thịt bò sau khi xẻ ra có thể tăng 10-20% về khối lượng. Nhờ trò gian lận này, nhiều thương lái đang có thể cung cấp thịt bò nội với giá rẻ hơn so với bò Úc.
Thế nhưng, với những công ty NK bò Úc nguyên con về rồi tự tổ chức nuôi giết mổ, vẫn đang sống tốt với bò Úc NK nguyên con. Hiện nay, Long An là nơi tập trung phần lớn bò Úc NK nguyên con để nuôi cách ly trước khi giết mổ.
Có những tháng, có tới 15 ngàn con bò Úc NK về tỉnh này. Sau thời gian nuôi cách ly cần thiết, bò sẽ được đưa vào giết mổ theo quy trình do chính người Úc đề ra nhằm đảm bảo cho con bò được đối xử một cách nhân đạo và đảm bảo chất lượng thịt bò Úc.
Chẳng hạn, bên Úc cử hẳn người sang giám sát ở các lò mổ chỉ để đảm bảo rằng trước khi bị giết, con bò được lùa thật nhẹ nhàng (không được dùng roi) vào một ô nhỏ và được bắn thuốc mê vào một điểm trên trán.
Cũng như với bò Việt Nam, những sản phẩm lấy ra từ một con bò Úc NK, đều được tiêu thụ hết. Thịt thì đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng chuyên kinh doanh thịt bò Úc. Xương được bán cho các nhà sản xuất TĂCN nghiền ra làm bột xương làm thức ăn cho heo, gà.
Bộ lòng được cung cấp cho các nhà hàng. Bộ da thì cung ứng cho các nhà máy thuộc da. Gần như không có thứ gì bỏ đi, nên NK bò Úc nguyên con vẫn sẽ được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh trong thời gian tới, nhất là sau khi Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nếu nghề nuôi bò thịt ở Việt Nam vẫn ở trong tình trạng nhỏ lẻ như hiện nay, khả năng cạnh tranh với bò Úc NK nguyên con là rất khó. Điều đáng mừng là hiện đã có nhiều công ty bắt tay vào đầu tư nuôi bò thịt quy mô công nghiệp ở trong nước.
Tuy nhiên, điều này lại đang tạo ra một cơn sốt giống bò lai, đẩy giá con giống lên khá cao, có những con bò cái chửa được hét giá tới 60 triệu đồng, cao hơn cả giá bò sữa cái có chửa. Mà khi giá bò thịt giống lên cao, thì giá thành bò thịt trong nước dù có nuôi theo quy mô công nghiệp, vẫn khó mà hạ xuống được ở mức có thể cạnh tranh với bò NK nguyên con.
Related news
Giá heo hơi trên thị trường đang tăng cao. Đây là tín hiệu vui cho người chăn nuôi nhưng gây ra tâm lý e ngại cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới.
Tôm trong nước đang có giá cao do thương lái Trung Quốc tranh mua đẩy giá lên. Điều này khiến doanh nghiệp “kêu trời” vì tranh mua không nổi khiến thiếu nguồn tôm xuất khẩu.
Trước thực trạng đó nhằm giúp người nông dân khôi phục được nghề nuôi dê góp phần tạo thu nhập xóa đói giảm nghèo các nhà khoa học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và triển khai dự án “Nghiên cứu cải tạo giống dê tại Bắc Kạn”.
Trong đó, diện tích ao gia đình: 2.285 ha; hồ chứa nhỏ: 1.100 ha ; hồ Núi Cốc: 2.500 ha ; nuôi cá ruộng: 115 ha. Theo đó, sản lượng thủy sản phấn đấu đạt 7.500 tấn, trong đó, sản lượng cá Tầm là 30 tấn.
Trong năm 2013, huyện Gò Công Đông đã thả nuôi tổng cộng trên 1.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong hai vụ nuôi I và II. Bà con đã thu hoạch được tổng cộng gần 3.500 tấn tôm xuất khẩu, trong đó có 930 tấn tôm sú, còn lại là tôm thẻ.