Bỏ lúa trồng màu, giàu lên nhanh chóng
Về xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) hôm nay thấy rõ sự đổi thay trong cuộc sống người dân nơi đây. Những thửa ruộng kém hiệu quả, khu vườn tạp bỏ hoang 5 năm trước giờ xanh tốt những rau, quả như khổ qua, dưa leo…
Trong ảnh: Anh Sinh chăm sóc dưa leo của gia đình. Ảnh: N.Q
Đó là những mô hình trồng màu giúp 28 hộ thành viên Hợp tác xã (HTX) trồng màu Thịnh Phát vươn lên khá giả.
Chuyển đổi sản xuất
Với 2,5 công ruộng, gia đình anh Trương Văn Sinh làm mãi chẳng đủ ăn. Được xã, ấp động viên, gia đình anh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu với nhiều chủng loại luân phiên.
HTX Thịnh Phát đi lên từ câu lạc bộ trồng màu ấp Láng Sơn, được thành lập năm 2011 với diện tích gần 12ha của 26 xã viên. Năm 2012, nhiều nông dân chủ động xin tham gia HTX, nâng diện tích toàn HTX Thịnh Phát đến nay lên gần 14ha, với 28 xã viên ở 2 ấp Láng Sơn, Láng Sen.
“Tham gia HTX, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn, sản phẩm lại được tiêu thụ ổn định với giá từ bằng đến cao hơn giá thị trường tới 20%. Với 2,5 công màu, tôi lãi 10-15 triệu đồng/vụ. Trên bờ liếp tôi trồng đu đủ, đậu đũa, thả thêm bầy vịt đẻ để có thêm thu nhập” – anh Sinh bộc bạch.
Theo anh Sinh, 2,5 công dưa leo, mướp của anh cần khoảng 4-5 lao động phụ căng giàn, treo dây, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch. Hầu hết người lao động đều là bà con địa phương. Tùy theo công việc, mỗi người có thể kiếm được 100.000-150.000 đồng/ngày.
Từ vùng quê vốn chỉ sản xuất 1 vụ lúa, nay bà con nơi đây có thêm sinh kế mới. Dưới ao nuôi cá, trên bờ liếp trồng màu, trên ruộng lúa sau khi gặt xong liền gieo giống cây màu để luân canh lấp vụ. Nổi bật trong đó phải kể đến mô hình của hộ ông Danh Bún, Danh Trung Thành, Danh Duy Liêm…
Theo nhiều nông dân trong HTX, do có bờ bao khép kín nên HTX Thịnh Phát chủ động được thời vụ mà không sợ bị ảnh hưởng của mùa nước nổi, sản xuất được 4 vụ/năm. Trong tổng số diện tích cây màu, dưa leo chiếm 90%, còn lại trồng khổ qua và rau màu khác. Doanh thu của HTX đạt hơn 106 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 66 triệu đồng/ha/vụ.
Đoàn kết vượt khó
Theo Hội ND xã Bàn Thạch, thấy được những khó khăn trong việc làm ăn riêng lẻ nên khi được vận động thành lập HTX, nông dân trồng màu đã hưởng ứng nhiệt tình. Khắc phục những khó khăn bước đầu, đến nay, HTX Thịnh Phát đã dần đi vào hoạt động ổn định.
Hiện HTX còn thực hiện góp vốn xoay vòng trong xã viên, mỗi vụ cho một thành viên vay 5 triệu đồng. Hầu hết các hộ khi được vay vốn đều thực hiện tốt nghĩa vụ trả gốc và lãi sau thu hoạch. Ngoài ra, Ban giám đốc HTX còn ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với Công ty TNHH một thành viên Nông trại sinh thái Kiên Giang, ước sản lượng khoảng 350 tấn/năm.
Theo ông Trần Văn Đắc - Giám đốc HTX Thịnh Phát, phần lớn thành viên HTX đều đã cất được nhà kiên cố, con em được đến trường, tích cực cùng địa phương xây dựng xóm làng ngày càng đổi mới. Kết quả này có được nhờ bà con chịu khó làm ăn và học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất.
Cũng theo ông Đắc, Ban Giám đốc HTX hết lòng vì lợi ích tập thể, tích cực vận động bà con làm quen với phương thức sản xuất mới, tuân thủ quy trình canh tác theo hướng an toàn. Sản phẩm của xã viên làm ra được thu mua toàn bộ nên bà con rất phấn khởi. Sắp tới HTX sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia HTX để có điều kiện tiếp cận với phương thức sản xuất mới.
Related news
Trong hơn 1 năm qua, một số nhà vườn ở Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã mạnh dạn, dùng lưới đen che mát cho vườn cam trong mùa nắng
Tạo ra một giống lúa biến đổi gen, sử dụng gen của một loại cỏ dại họ mù tạt (thale cress) để làm tăng sức chịu hạn của cây lúa.
Một trong những gương mặt tiêu biểu của tỉnh về sức ảnh hưởng tới bà con nông dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.