Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bình Định vẫn hạn gay gắt

Bình Định vẫn hạn gay gắt
Publish date: Friday. October 30th, 2015

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, hiện tượng El Nino trong 2 năm 2015-2016 sẽ đạt cường độ tương đương với thời điểm El Nino xảy ra gắt gao nhất (1997-1998), nhiều khả năng trong trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong 60 năm qua.

Theo đó, Bình Định đang đối mặt với vụ ĐX 2015-2016 thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Hồ chứa cạn kiệt giữa mùa mưa

Theo ông Trần Sỹ Dũng, GĐ Đài KTTV Bình Định, tổng lượng mưa toàn vụ ĐX 2015-2016 tại Bình Định sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30 - 50%, một số vùng có lượng mưa còn thấp hơn.

Do đó, lượng mưa sẽ thiếu hụt ngay trong mùa mưa.

Quý 1/2016 lượng mưa còn giảm dần.

Mực nước bình quân trong vụ ĐX 2015-2016 trên các sông ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 0.20-0.40m.

“Diễn biến thời tiết, thủy văn trong vụ ĐX tới sẽ thiếu hụt mưa và dòng chảy, nên tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với TBNN.

Do đó, ngành nông nghiệp Bình Định cần có biện pháp sử dụng nguồn nước hợp lý và tưới tiết kiệm, đồng thời sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn”, ông Dũng nói.

Ông Phan Như Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - đê điều và PCLB Bình Định thông tin: “Hiện các hồ chứa nước ở tỉnh mới tích được 105/577 triệu m3 nước, chỉ đạt 18% so với thiết kế.

Riêng 15 hồ chứa lớn do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý cũng chỉ tích được 94/458 triệu m3, đạt 21% so thiết kế, cao hơn 15% so cùng kỳ; 147 hồ chứa do các địa phương quản lý đang tích được 11/117 triệu m3 nước, đạt 9% so thiết kế, thấp hơn 36% so cùng kỳ. Cả tỉnh có 138/162 hồ chứa đã cạn kiệt”.

Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trên địa bàn huyện chỉ có hồ Định Bình là còn mực nước cao, 3 hồ nhỏ khác đã cạn kiệt không đảm bảo tưới cho vụ ĐX, đặc biệt hồ Tà Niên chỉ còn chứa được 320.000 m3/3,7 triệu m3 so thiết kế.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ, hồ Tà Niên còn phải xả 5 lứa nước nữa thì cũng sẽ cạn kiệt.

“Từ nay đến cuối tháng 11 mà không có mưa, vụ ĐX 2015-2016 huyện sẽ thiếu nước đến 107 ha.

Và nếu từ cuối tháng 11 trở đi tiếp tục vắng mưa, chắc chắn có đến 50% diện tích SXNN sẽ bị bỏ hoang vì không SX được”, ông Đẩu cho biết.

Nỗ lực đối phó

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, vụ ĐX 2015-2016 tỉnh này sẽ gieo trồng gần 64.000 ha; trong đó có gần 47.200 ha lúa, 16.757 ha màu và diện tích chân cao sạ cưỡng là 2.900 ha.

Với diện tích gieo trồng nói trên, đem so với mực nước trong các hồ chứa hiện tại, rõ ràng Bình Định đang đứng trước vụ SX chồng chất khó khăn.

Căn cứ vào dự báo của Đài KTTV Bình Định, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng 2 phương án nhằm chủ động đối phó với hạn hán.

Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, nếu đầu vụ ĐX các hồ chứa chỉ tích được 60% so thiết kế, và trong thời gian tới lượng mưa trong mùa mưa thiếu hụt 30% thì các hồ chứa chỉ có khả năng tưới được 48.780 ha; trong đó có 43.870 ha lúa và 4.910 ha cây màu.

Riêng Cty KTCTTL Bình Định sẽ đảm nhiệm tưới 26.185 ha; trong đó tưới trực tiếp 16.880 ha lúa và 1.229 ha màu; tưới tạo nguồn 7.224 ha lúa và 852 ha màu.

Các hồ chứa do địa phương quản lý tưới được 19.766 ha lúa và 2.829 ha màu.

“Như vậy sẽ có 3.259 ha lúa và 11.847 ha màu bị thiếu nước.

Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra ngay cuối vụ ĐX ở lúa chân cao sạ cưỡng với 2.900 ha tại các huyện Phù Mỹ (850 ha), Phù Cát (790 ha), Hoài Nhơn (360 ha), Hoài Ân (400 ha), Tây Sơn (350 ha), Tuy Phước (120 ha), Vân Canh (70 ha), Vĩnh Thạnh (50 ha)”, ông Hổ chia sẻ.

“Trước nguy cơ sẽ xảy ra hạn gắt trong thời gian tới, điều trước tiên các địa phương phải lo là không để người dân và gia súc trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt.

Hạn chế thấp những diện tích không SX được, ngành nông nghiệp và các địa phương cần bàn kỹ phương cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Ở những vùng nước dồi dào, cần hướng dẫn nông dân thâm canh để đạt năng suất cao, bù lại ở những vùng mất năng suất do hạn và những vùng không SX được, nhằm đảm bảo an ninh lương thực”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.

Còn nếu lượng mưa trong mùa mưa thiếu hụt đến 50% thì tình hình SX trong vụ ĐX 2015-2016 còn thê thảm hơn, vì tình hình thiếu nước sẽ nghiêm trọng tương tự mùa hạn gắt xảy ra vào năm 2012.

Dự báo diện tích “dính” hạn sẽ lên đến 21.713 ha.

Trong đó có 15.106 ha nằm ngoài diện tích khu tưới của Cty KTCTTL tỉnh và 6.607 ha trong khu tưới các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, công trình tạm và trong khu tưới hồ Hội Sơn (Phù Cát).

Diện tích bị hạn tập trung tại các huyện Phù Mỹ (2.041 ha), Phù Cát (2.084 ha), hoài Nhơn (931 ha), Hoài Ân (578 ha) và Tây Sơn (450 ha).

Trước tình hình trên, tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương sửa chữa và đóng kín cổng các hồ chứa để giữ nước tưới; các chủ công trình theo dõi chặt diễn biến thời tiết, xác định thời điểm đóng cửa tràn hợp lý để tích đủ nước đồng thời bảo đảm an toàn đập.

Trong vụ ĐX, các địa phương sẽ thực hiện đắp bờ giữ nước trên ruộng, tận dụng nước mưa, nguồn nước sông suối trong đầu vụ còn dồi dào để làm đất gieo sạ, hạn chế sử dụng nước hồ chứa.

Đặc biệt là bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có.

Những địa phương thiếu nước nghiêm trọng sẽ chuyển mạnh trồng các loại cây chịu hạn hoặc gieo trồng sớm để tận dụng nguồn nước đầu vụ.

“Chúng tôi sẽ ngăn chặn không để người dân gieo trồng lúa tự phát ngoài khả năng nguồn nước tưới.

Đồng thời triển khai rộng rãi quy trình tưới ướt - khô xen kẽ, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước”, ông Hổ nói kiên quyết.


Related news

Cá Mú Vào Bờ, Niềm Vui Làng Biển Ở Bình Thuận Cá Mú Vào Bờ, Niềm Vui Làng Biển Ở Bình Thuận

Tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạn khá dày. Ngư dân vùng Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong - Bình Thuận) được dịp giăng bẫy bắt mú con, thu nhập nhờ đó mà tăng khá.

Saturday. May 26th, 2012
Đồng Bào Khmer Sóc Trăng Làm Giàu Từ Cây Hẹ Đồng Bào Khmer Sóc Trăng Làm Giàu Từ Cây Hẹ

Không biết chính xác hẹ được trồng từ khi nào, nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà nông ở các vùng chuyên canh màu của Sóc Trăng như Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) đã vươn lên khá giàu, ổn định được kinh tế gia đình từ loại cây này. Bên cạnh nguồn lợi từ cây lúa và chăn nuôi thì trồng hẹ được xem là mô hình trồng màu đạt thu nhập cao, bền vững của những hộ nông dân Khmer vùng này.

Wednesday. April 25th, 2012
Sinh Sản Nhân Tạo Thành Công Giống Cá Rô Đầu Vuông Sinh Sản Nhân Tạo Thành Công Giống Cá Rô Đầu Vuông

Trong thời gian qua cá rô đầu vuông đã được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là loại cá phàm ăn, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh tật và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi thâm canh loài cá này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do con giống chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Nam dẫn đến giá cá giống còn quá cao, quãng đường vận chuyển xa nên cá dễ mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.

Sunday. June 17th, 2012
Trồng Rau Trong Nhà Kính Ở Trường Sa Trồng Rau Trong Nhà Kính Ở Trường Sa

Khóm rau của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa

Monday. June 18th, 2012
Thanh Long Thành Cây Làm Giàu Ở Bình Thuận Thanh Long Thành Cây Làm Giàu Ở Bình Thuận

Năm 2011, hơn 36.000 tấn thanh long Bình Thuận được xuất khẩu giúp nông dân thu về 20 triệu USD.

Thursday. April 26th, 2012