Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Biện pháp bảo đảm an toàn cho vùng nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão

Biện pháp bảo đảm an toàn cho vùng nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão
Publish date: Friday. May 29th, 2015

Trong mùa mưa bão, diện tích nuôi trồng thủy sản lại là vùng có nguy cơ ngập úng lớn nhất, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất. Do đó cần cần chủ động các biện pháp bảo vệ đối với diện tích nuôi trồng thủy sản.

Để hạn chế thiệt hại cho sản xuất thủy sản, ngay từ đầu mùa mưa bão các địa phương nơi có diện tích nuôi thủy sản lớn cần tập trung thực hiện một số biện pháp như: tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản; quản lý, thống kê người dân địa phương có hoạt động khai thác thủy sản tại các sông và hồ chứa. Đồng thời rà soát các vùng nuôi thủy sản có nguy cơ bị úng ngập và đề ra biện pháp bảo vệ cụ thể, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa bão, lũ lụt.

Đối với người dân nuôi trồng thủy sản cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động đối phó; kiểm tra vùng nuôi, chú ý gia cố bờ ao, cống cấp và thoát nước; có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn… Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to gió lớn.

Với diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, người nuôi cần kiểm tra và tu bổ lại bờ bao cho chắc chắn bảo đảm giữ được nước, phát quang cây xung quanh bờ, nhằm tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi; bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, che chắn, dụng cụ cuốc xẻng gia cố sửa chữa hệ thống bờ bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra..

Với diện tích nuôi cá ruộng thì thường là ruộng trũng, nơi nước đọng thì ruộng nuôi phải có bờ bao chắc chắn không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi bố trí nhiều cống, rãnh thoát nước. Trên bờ cần có lưới vây xung quanh và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thoát. Đồng thời kiểm tra hệ thống cống, bờ bao, mương rãnh để đảm bảo nước thoát nhanh; chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.

Sau khi mưa, bão lũ xảy ra, nếu ao bị sạt lở hoặc tràn bờ cần bồi lấp những chỗ bị sạt lở, vỡ của bờ ao, bờ mương. Vệ sinh, dọn dẹp rác bẩn xung quanh ao và trong bề mặt ao. Kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.

Cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.

Tags: an toan vung nuoi thuy san, nuoi trong thuy san, nuoi tom


Related news