Bí quyết thu lãi hàng chục tỷ mỗi năm
Sở hữu 18 ha nuôi tôm thương phẩm và 1,5 ha sản xuất tôm giống, mỗi năm thu lãi gần chục tỷ đồng, ông Nguyễn Hồng Cương, trú tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) được mệnh danh là vua tôm đất Nghệ An. Điều đặc biệt nào làm nên thành công của ông “vua” này?
Ông Cương (áo kẻ) kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi bằng công nghệ sinh học - Ảnh: CTV
Giữa bao nghề, chọn nghề nuôi tôm
Sinh năm 1965 trong một gia đình thuần nông khó khăn, từ nhỏ ông Nguyễn Hồng Cương đã trải qua nhiều công việc của nhà nông như trồng lúa, nuôi hươu… Những năm tháng cùng cha mẹ làm việc đã xây dựng nền tảng cho nghề của ông sau này.
Năm 1992, từ cơ duyên được tìm hiểu những mô hình nuôi tôm hiệu quả của bà con, ông Cương bắt đầu lặn lội khắp các vùng biển miền Trung học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Sau đó, ông làm nghề dịch vụ đưa tôm sú từ các tỉnh Nam Trung bộ ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, công việc thuận lợi, lợi nhuận ngày một tăng. Năm 1994, ông thuê vùng đất sình lầy nhiễm mặn ở xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu để bắt đầu thả những con giống tôm đầu tiên.
Một trong những dấu mốc quan trọng trong nghề nuôi tôm của ông là vào năm 2009, ông về xã Quỳnh Dị thuê đất đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới. Diện tích ban đầu ông thả là 3,5 ha, mỗi năm nuôi 2 vụ. Năm 2010, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, sản lượng tôm ông thu hoạch được 68 tấn, doanh thu 6,8 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng.
Mở rộng quy mô
Thành công bước đầu đã khiến ông Cương mạnh dạn mở rộng vùng nuôi tôm. Năm 2012, ông quyết định thuê lại đất của người dân quanh vùng tăng diện tích nuôi; đồng thời, lấy lại trại tôm giống ở xã Quỳnh Liên đã cho thuê trước đó để đầu tư sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Con giống tốt, được nhiều người tìm mua, dần dần ông phân phối tôm giống tại khu vực Bắc Trung bộ.
Hiện, ngoài việc nuôi tôm thẻ chân trắng, ông vẫn kết hợp ương tôm giống cung cấp cho thị trường. Đến nay, tổng diện tích ao nuôi của ông đã lên đến 19,5 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thương phẩm là 18 ha cho năng suất 250 tấn/năm; diện tích ao nuôi tôm giống là 1,5 ha cho ra thị trường 300 triệu con/năm. Tổng doanh thu hàng năm của ông đạt 50 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 9 tỷ đồng.
Ông Cương không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, mà còn giúp đỡ hơn 50 người dân trong xã hàng tỷ đồng không tính lãi bằng cách cung cấp thức ăn nuôi tôm, hóa chất xử lý ao hồ cho các hộ nuôi mới gặp khó khăn. Ông còn tư vấn hướng dẫn cho hàng chục hộ dân về việc xây dựng ao hồ, kỹ thuật nuôi tôm. Ngoài ra, ông cũng tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa tại địa phương.
Với những đóng góp và kết quả trong lao động sản xuất, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững…
Trong quá trình sản xuất tôm giống, ông Cương chọn cặp bố mẹ khỏe mạnh, được nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng năm, ông thay đổi tôm bố mẹ theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT. Tôm giống nuôi được 20 ngày là xuất bán, sản xuất không kịp đơn đặt hàng của bà con nuôi tôm khắp nơi.
Related news
Vượt qua nhiều khó khăn, dám nghĩ dám làm, sau 5 năm mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nhẹ và bà Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố 24
Mô hình nuôi ốc Nhồi (hay còn gọi là ốc bươu đen, ốc bươu ta) không còn là chủ đề mới trong hướng đi của nhiều hộ dân trong những năm gần đây.
Từ trồng hoa hồng cổ và chiết xuất hoa hồng thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm đẹp, anh Phan Văn Hoàn có thu nhập ổn định 40 triệu đồng/tháng.