Bí quyết làm giàu: Nuôi chim công thương mại
Tốt nghiệp Khoa Xây dựng công nghiệp dân dụng Đại học Giao thông vận tải nhưng kỹ sư Nguyễn Văn Anh (31 tuổi) không theo đuổi nghề đã học mà quyết làm giàu từ việc nuôi chim công.
Chim công trong trang trại của Nguyễn Văn Anh - Ảnh: Hiển Cừ
Năm 2009, sau khi ra trường, kỹ sư Anh (thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi) đi làm cho một số doanh nghiệp tư nhân, nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ “đắp đổi qua ngày”. Vì thế, năm 2012 anh quyết định ở nhà mở trang trại đầu tư chăn nuôi.
“Thời điểm này, vợ chồng tui loay hoay mãi không biết nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tình cờ một lần vào mạng internet thấy chim công đẹp nên quyết định tìm con giống để nuôi”, Anh nhớ lại.
Mang hết vốn liếng của gia đình dành dụm ra Vườn quốc gia Cúc Phương mua 2 cặp chim công Ấn Độ (Pavo muticus) 3,5 tuổi với giá 60 triệu đồng, Anh được Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận trại nuôi động vật rừng vì mục đích thương mại. Năm đầu tiên, 2 cặp chim công đẻ 16 trứng, nhưng chỉ nở được 12 con. Kinh nghiệm nuôi chim công chưa có nên sau đó nhiều chim con chết khiến Anh vô cùng lo lắng. “Ngoài những chỉ bày của cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương, tui tự tìm hiểu đặc tính của loài chim này thường hay bị bệnh gì và thử áp dụng quy trình nuôi chim công như nuôi gà”, anh thổ lộ.
Kiên trì, bền bỉ học hỏi, mày mò, cuối cùng Anh cũng đã thành công trong việc nuôi, gầy dựng đàn chim công. “Với tôi, bây giờ việc nuôi loài chim quý này còn dễ hơn nuôi gà. Điều quan trọng trong nuôi chim công là thức ăn phải sạch, vệ sinh chuồng trại theo định kỳ và tiêm ngừa vắc xin. Hồi trước, do tôi vệ sinh chuồng trại không kỹ nên chim công bị nấm dưới móng chân dẫn đến liệt rồi chết. Đây là bệnh chim công thường gặp phải nhất”, anh chia sẻ và cho biết thêm người nuôi hằng ngày phải tỉ mẩn quan sát từng con. Nếu nhìn mắt chim công tinh anh, lanh lợi thì con đó khỏe mạnh, còn những con ban ngày ủ rũ đứng một mình, ban đêm thở nhanh và gấp là đang bị bệnh...
Đặc tính của loài chim công khi khoảng 2 đến 2,5 tuổi mới đẻ, mỗi năm sinh sản 4 - 5 lần, mỗi lần 5 - 7 trứng, ngày đẻ ngày nghỉ và hằng ngày thường hay đẻ vào tầm 17 - 18 giờ. Thức ăn của chim công chủ yếu là lúa, bắp, đậu nành, đậu phộng và cho ăn dặm một số loại trái cây như chuối, thanh long, đồng thời dùng tỏi đập dập cho ăn để tăng sức đề kháng.
Chim công phát triển trọng lượng rất chậm, chủ yếu là bộ lông. Tuy nhiên nuôi càng lâu công càng có giá. Trung bình chim công mái khi 2,5 tuổi có trọng lượng khoảng 4 kg, giá bán hơn 12 triệu đồng. Riêng chim công 1 tháng tuổi, có giá 2 triệu đồng. Ngoài việc bán chim giống mỗi năm hàng trăm con, Anh còn bán nhiều cặp chim trưởng thành cho các khu du lịch và người nuôi chim kiểng, bán những sợi lông đồng tiền mà chim công thay hằng năm với giá 20.000 đồng/sợi... “Quan niệm của nhiều người là mua những sợi lông đồng tiền của chim công về treo trong nhà theo thuật phong thủy, vì khi đi lông công chạm đất hút khí âm, còn khi múa lông dựng lên trời hấp khí dương, đồng tiền màu xanh trên lông công biểu hiện tài lộc”, Anh giải thích.
Chia sẻ để cùng làm giàu
Bên cạnh nuôi chim công đem lại lãi ròng hơn 80 triệu đồng/năm, Anh quyết định đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi mang tên Vũ Long lên hơn 700 m2 để nuôi gần cả ngàn con chim trĩ, gà Đông Tảo, vịt trời. Cũng nhờ đa dạng vật nuôi, nuôi những con “lạ” và “độc” mà mỗi năm gia đình anh Anh có thu nhập hơn 200 triệu đồng. “Ai đến mua giống tôi đều tận tình chỉ bày cách làm chuồng trại, cách nuôi dưỡng, chăm sóc... Mong muốn của tôi là mọi người cùng phát triển kinh tế gia đình để cuộc sống ngày càng khấm khá hơn”, Anh chia sẻ.
Related news
Atisô là loại cây lá gai lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu – quanh Địa Trung Hải, được người cổ Hy Lạp và La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn.
Cây quế là một vị thuốc thường dùng trong đông và tây y, quế được xem như một loại dược liệu quý nhất là quế Thanh Hóa
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, xuất hiện tình trạng sen trồng trong hồ chết hàng loạt với biểu hiện của bệnh thán thư