Bí quyết chế trái… hồ lô của lão nông
Theo GS.TS Nguyễn Tài Lương, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học, bí quyết của loại bưởi hồ lô, dưa hấu vuông là tạo khuôn cho quả ngay từ khi còn bé. Khởi đầu cho phong trào trồng dưa hấu vuông là Nhật Bản. Đất nước này đã rất thành công trong việc thương mại hóa loại quả độc đáo này.Quy trình tạo bưởi hình dáng hồ lô cũng tương tự. Chính vì chỉ tác động đến việc tạo hình bên ngoài bằng cách ép khuôn cho nên chất lượng quả bên trong không hề ảnh hưởng.
Ngày Tết, những quả lạ, độc thường để đáp ứng nhu cầu nhìn ngắm và là vật trưng bày cho căn phòng. Bên cạnh đó, nó còn chứa đựng yếu tố tâm linh như (màu đỏ, vàng…) để mang lại sự may mắn cho gia chủ. Cặp bưởi bình thường đắt nhất cũng chỉ vài chục ngàn đồng, thế nhưng qua tay lão nông Chẩn thì cặp bưởi lại có giá trị cả triệu đồng vì đã biến thành trái hồ lô.
Lão nông Võ Văn Chẩn, ông 82 tuổi, ngụ ấp Phú An, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, gia đình ông có khoảng 15 công đất vườn và tất cả đều được dùng để trồng bưởi hồ lô từ hơn 5 năm nay. Ý tưởng hình thành nên loại trái có hình dáng đặc biệt này không phải do ông sáng tạo ra, mà con trai ông “học lỏm” khi đi tham quan tại một số địa phương. Tận mắt thấy những trái bưởi “lạ” có thể mang đến nguồn thu nhập lớn khi đánh vào tâm lý thích sự mới lạ, đặc biệt của người tiêu dùng; đặc biệt phù hợp cho việc thờ cúng nên cha con ông đã bỏ nhiều công sức để cải tạo những trái bưởi Năm Roi đơn thuần thành trái bưởi hồ lô bắt mắt.
Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm, những trái được thử nghiệm phầm lớn là hư hỏng, những trái có hình dáng “lạ” thì có khi lại dài như… trái mướp chứ chẳng ai công nhận giống trái hồ lô. Không nản chí, cha con ông lão tiếp tục mày mò cải tiến qua từng năm và đã thành công sau 3 năm đầu tư thử nghiệm gần như mất trắng. Biết chuyện, nhiều thương lái đã tìm đến mua và đặt hàng với số lượng lớn, đặt giá cao hơn nhiều lần so với bưởi thông thường nên gia đình ông mạnh dạn “thừa thắng xông lên” biến khu vườn thành “vườn hồ lô”. Thấy cha con ông “kiếm ăn được”, nhiều gia đình lân cận trong ấp cũng đã học hỏi và làm theo.
Hiện Câu lạc bộ khuyến nông ấp Phú Trí A có tất cả 26 thành viên thì có 15 hộ tạo hình bưởi hồ lô với hơn bốn ngàn cặp. 2/3 trong số đó được làm theo đơn đặt hàng của các thương lái, số còn lại sẽ được cung cấp cho các công ty hoặc tư nhân quen biết có nhu cầu hoặc trực tiếp mang ra thị trường bán trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Những nông dân trong ấp ước tính năm nay họ sẽ đút túi khoảng 3 tỉ đồng từ những trái bưởi lạ này.
Nói về kỹ thuật tạo hình bưởi hồ lô, ông Chẩn cho biết làm nên một trái thì người trồng cũng tốn khá nhiều công sức trong khâu chăm sóc, chọn quả để tạo hình, định hình hồ lô, chống rám nắng cho da bưởi được xanh đều… Trước tiên, người trồng phải chọn những cây bưởi mạnh khỏe, đang trong thời kỳ sung sức, giống tốt để những trái bưởi sau này phát triển ổn định. Tiếp đó chọn trên cây những trái vừa tầm với và nằm ở trên thân cây để định hình và có độ chính xác cao. Lưu ý cần dự đoán trái đó sẽ phát triển to và đều thì mới có thể chọn để tạo hình hồ lô nên trên một cây chỉ cần chọn vài trái thích hợp.
Khâu định hình là khâu quan trọng nhất đánh dấu sự thành công hay thất bại khi làm bưởi hồ lô. Khi hoa kết trái từ 1,5 – 2 tháng, người trồng cây bắt đầu định hình cho trái bưởi bằng cách thắt vòng dây giữa trái để bưởi có hình dáng như mong muốn. Ba tuần sau khi định hình, người trồng vào khuôn hình hồ lô cho đến lúc thu hoạch. “Để bưởi được thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán khi thị trường có sức thu mua mạnh nhất, có giá thành cao và lại tiêu thụ được nhiều thì khâu xử lý ra hoa để định hướng việc thu hoạch trái theo dự tính cũng sẽ rất quan trọng và điều này buộc phải có kinh nghiệm mới làm được”, ông Chẩn giãi bày kinh nghiệm.
Đặc biệt hơn, từ hai năm nay những người trồng bưởi hồ lô tại ấp còn kỳ công tạo những chữ như Phát, Tài, Lộc… trên những trái bưởi. Nếu như năm trước, trên trái bưởi chỉ có chữ tự nhiên theo màu của da bưởi thì năm nay đã có chữ màu nổi bật, bắt mắt người nhìn. Giải thích về bí quyết khiến trái mang chữ, ông lão cho biết 3 tuần sau khi định hình trái, cùng với việc vào khuôn hình hồ lô thì người trồng trái cũng có khuôn chữ cố định cho quả bưởi. Người ta cũng phải tính toán làm sao cho đủ thời gian để đến khi thu hoạch, những chữ này sẽ hằn lên vỏ quả bưởi rõ ràng, sắc nét.
Những nông dân của ấp “bưởi lạ” này cho biết năm nay ấp còn tung ra một món “hàng độc” khác là dưa hấu hồ lô. Đó cũng chỉ là những trái dưa thường nhưng người trồng dùng kỹ thuật đúc mẫu khuôn như trái hồ lô rồi tròng vào khi dưa còn nhỏ, lúc lớn lên và gỡ khuôn ra thì trái dưa bị ép đã phát triển giống hình trái hồ lô. Chẳng hiểu có phải vì muốn “thổi” giá trái dưa lên hay vì tự đắc với những thành quả của mình mà những lão nông trong làng đặt tên cho loại dưa này một cái tên kêu rổn rảng: “Dưa hấu hoàng kim Hồ lô”
Theo giới thiệu của những nông dân này, trái dưa hồ lô được trồng và chăm sóc bình thường, không dùng chất hóa học thúc ép nên nếu đem chưng trong vòng 20 ngày thì trái vẫn không xuống chất lượng. Tuy nhiên, do năm nay là năm đầu tiên trồng thử nghiệm, lại chưa biết thời tiết ra sao nên các nhà vườn chỉ dám trồng mỗi gia đình từ vài chục đến vài trăm cặp dưa để “thăm dò thị trường” và cũng là để rút kinh nghiệm. Cái giá cho mỗi cặp dưa họ đưa ra bán trong dịp Tết cũng khá “chát”: 2 triệu đồng.
Theo những lão nông trong làng, hiện giá một cặp bưởi hồ lô có giá 300 ngàn - 1,4 triệu đồng tùy theo trọng lượng và hình dáng đẹp hay không. Tết năm nay những nhà trồng “trái dị” trong ấp đều dự định “ăn Tết to” vì “trúng mánh”. Ông Chẩn hồ hởi khoe: “Mới ngày hôm qua thương lái đã đến gom hàng một đợt, gia đình tôi bán được khoảng 50 chục cặp thu được 60 triệu”.
Ông lão cười vui vẻ: “May mắn năm nay “mưa thuận gió hòa” nên nhà vườn trúng mùa hơn những năm trước, kiểu dáng trái cũng đẹp hơn rất nhiều. Với giá cả như hiện nay, nếu gia đình nào trồng nhiều loại bưởi này mà không bị thất thoát, hư hỏng nhiều trong quá trình tạo hình, chăm sóc thì hoàn toàn có thể làm giàu từ loại bưởi này”. Nhẩm tính riêng gia đình ông Chẩn năm nay có khoảng 200 gốc bưởi hồ lô, mỗi cây tạo được khoảng 5-10 cặp thì đã có thể đút túi bạc tỉ.
Dưa hấu vuông, bưởi hồ lô được tạo như thế nào? Quy trình tạo dưa hấu vuông như sau: dưa mới hình thành được tạo khuôn cho trái dưa. Vật liệu làm khuôn để tạo ra dưa hấu vuông, tốt nhất là kính (kiếng). Thể tích khuôn thường là từ 2-2,5l để khi thu hoạch, quả dưa có trọng lượng là 2,5 kg. Khi đó, phần dưới quả dưa có chu vi 12×12 cm, còn các mặt khác có chu vi 12×14 cm. Thời gian trưởng thành của dưa hấu là 60 ngày. Dưa hấu phát triển khoảng 40 ngày thì tiến hành đặt khung. Tùy giống và độ đồng đều của dưa, người ta làm các khung khác nhau.
Related news
Chỉ cần thực hiện thao tác trồng xen bưởi đặc sản với bưởi chua, hoặc thụ phấn bổ sung bằng hoa bưởi chua, bưởi đặc sản có thể đạt năng suất vượt trội
Để trồng bưởi Diễn có lợi nhuận cao, cần đảm bảo 4 yêu cầu cơ bản: Chọn cây giống tốt. Trồng trên chân đất thịt. Cắt tỉa thường xuyên.
Bưởi Diễn là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại tới đối tượng cây trồng này.