Bí kíp trồng thanh long ruột đỏ có hàng trăm triệu mỗi năm của lão nông Nghệ An
Mặc dù thời tiết năm nay không được thuận lợi, đầu vụ nắng nóng, ít mưa, nhưng nhờ được trồng theo công nghệ Nhật Bản nên thanh long ở Đô Lương (Nghệ An) luôn nặng trĩu quả.
Vườn cây Thanh Long của gia đình ông Đặng Anh Tuấn ở xóm 7, xã Xuân Sơn, Đô Lương. Ảnh: Ngọc Phương
Những ngày này gia đình ông Đặng Anh Tuấn ở xóm 7, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương luôn bận rộn với công việc thu hoạch thanh long ruột đỏ. Riêng khu vực trồng theo công nghệ mới của Nhật Bản, năng suất cho gấp 3 lần so với việc trồng theo phương pháp truyền thống.
Ông Tuấn cho biết: “Đây là đợt thứ 3 trong năm 2019 gia đình thu hoạch Thanh long. Trong số 1,3 ha này có 0,3 ha được trồng theo công nghệ Nhật Bản đã thu hoạch được 5 tấn quả. Riêng 1 ha còn lại thu hoạch được 6 tấn quả, vì vẫn trồng theo phương pháp truyền thống”.
Thanh long trồng theo công nghệ Nhật Bản ở vườn gia đình ông Tuấn khác với cách trồng truyền thống, đó là thanh long được trồng theo hàng dài, gốc cách nhau 0,8m, có hệ thống tưới nước tự động. Việc bón phân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, hỗ trợ thêm phân bón qua lá nhập ngoại để tăng thêm độ ngọt cho quả. Trồng theo phương pháp này, năng suất sẽ cao vượt trội, bởi diện tích đất được tiết kiệm hơn việc thanh long trồng theo trụ cách nhau đến 3m.
Vườn thanh long ruột đỏ trĩu quả của gia đình ông Tuấn. Ảnh: Ngọc Phương
Ông Tuấn cho biết thêm: Thanh long thường cho thu hoạch 6 đợt, mỗi tháng 1 đợt vào trước ngày mồng một. Năm nay là năm thứ 4 gia đình thu hoạch thanh long ruột đỏ diện tích 1,3 ha. Với giá 25.000đ/kg, gia đình thu về gần 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí vật tư, phân bón.... Thanh long ruột đỏ dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng huyện Đô Lương nên chất lượng tốt.
Vườn thanh long trồng theo công nghệ Nhật Bản với hệ thống tưới nước nhỏ giọt, gốc cách nhau chỉ 0,8m. Ảnh: Ngọc Phương
Điều lưu ý nhất khi trồng thanh long ruột đỏ là phải đảm bảo chân đất không dốc nhưng lại thoát nước tốt. Nhu cầu nước tưới của cây rất cao, cần phải khoan giếng hoặc có nguồn nước đầy đủ. Ông Đặng Anh Tuấn ở xóm 7, xã Xuân Sơn, Đô Lương
Mỗi gốc thanh long, thông thường gia đình ông Tuấn chỉ để 5 - 6 nhánh chính, mỗi nhánh 4 - 5 cành, mỗi cành để lại 3- 4 quả/lứa. Tính ra, mỗi gốc thanh long ruột đỏ có thể cho thu hoạch 5- 7kg quả/lứa, tương đương 100 - 150 nghìn đồng/lứa. Bình quân, thanh long ruột đỏ cho 6 lứa/năm, tính ra mỗi gốc cho nguồn thu 700 nghìn đồng.
Thanh long đỏ mỗi gốc thường để 4-5 cành. Ảnh: Ngọc Phương
Việc trồng thành công mô hình thanh long ruột đỏ theo công nghệ Nhật Bản không những đem về thu nhập cao cho gia đình ông Tuấn mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn, chất lượng quả ngọt, thơm ngon. Mô hình này được thực hiện theo dự án của Sở Khoa học Công nghệ và Trạm Khuyến nông Đô Lương. Từ hiệu quả của mô hình, rất cần nhân rộng ở các địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Related news
Chỉ cần tận dụng phụ phẩm rau, củ, quả, xác động vật, những thứ bỏ đi của các phế phẩm là nuôi được loài côn trùng đẻ ra trứng đem về lợi nhuận tốt.
Trại giống của anh Trần Văn Vỵ ở số 136, đường Chi Lăng, P.12, TP Vũng Tàu chuyên sản xuất con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ mỗi năm thu lãi cả tỷ đồng
Mô hình nuôi ếch bằng lưới kết hợp với thả cá và phòng bệnh bằng thảo dược đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành địa chỉ cho bà con địa phương học hỏi
Chanh ngón tay của ông Anh vừa được một khách sạn 5 sao ở TP HCM đặt mua với giá 2 triệu đồng một kg.