Bệnh vàng lá trên bưởi Năm Roi
Thời gian gần đây, diện tích và sản lượng bưởi Năm Roi trên địa bàn xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đang có chiều hướng giảm dần do xảy ra tình trạng vườn cây bị vàng lá và suy kiệt. Một số hộ dân đã cải tạo trồng lại nhưng không hiệu quả.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, giúp người dân an tâm sản xuất, tiếp tục duy trì thương hiệu bưởi Năm Roi của tỉnh Vĩnh Long.
Giảm sản lượng lẫn diện tích
Theo đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” thì bưởi Năm Roi là một trong ba cây chủ lực của tỉnh. Định hướng sẽ duy trì ổn định diện tích trồng tập trung từ 4.000- 5.000ha (tại TX Bình Minh và những vùng phụ cận ven sông Hậu).
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, bưởi Năm Roi là loại cây trồng duy nhất của tỉnh được chứng nhận chỉ dẫn địa lý đến thời điểm hiện tại và là loại cây ăn trái rất có tiềm năng đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây năng suất và chất lượng bưởi Năm Roi đang có xu hướng giảm dần, do tình trạng vàng lá trên cây bưởi xảy ra khá phổ biến, cây bưởi không có khả năng ra hoa, đậu trái nhiều như trước.
Theo đó, nhiều vườn cây bị suy kiệt, thậm chí không còn sản phẩm để thu hoạch và vườn cây bị chết dần, khiến không ít hộ dân trồng bưởi Năm Roi bị thiệt hại, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân tại vùng này.
Theo một số nhà vườn tại xã Mỹ Hòa: Nhiều vườn chuyên canh bưởi Năm Roi hiện đang bị cháy lá, vàng lá, xì mủ, thối rễ và ngày càng trở nên cằn cỗi, cây bị rụng lá và chết dần, trong khi đó việc trồng mới thay thế những cây bưởi con trên nền đất của vườn cũ cũng không cho hiệu quả. Nhiều nhà vườn cho rằng đó là những biểu hiện của hiện tượng suy thoái đất, kèm theo sự khai thác quá mức và liên tục làm cây không kịp phục hồi là những nguyên nhân có thể làm cho các vườn bưởi rơi vào trạng thái suy kiệt.
Trồng bưởi hơn 10 năm nay, anh Trương Văn Long (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), cho biết: Đa số vườn bưởi xung quanh đây đã trên 20 năm tuổi, thậm chí có vườn đã trên 30 năm tuổi, vì vậy đa số vườn cây đã bị lão hóa và suy kiệt. Bên cạnh đó, không ít nông dân chỉ bón phân vô cơ mà ít bón phân hữu cơ khiến đất giảm độ phì và thời gian gần đây do thực hiện đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn trái nên cũng làm thiếu hụt lượng phù sa cung cấp cho các vườn bưởi Năm Roi. Không chỉ vậy, dịch bệnh gây hại trên bưởi (sâu, bệnh, nhện hại, tuyến trùng, rệp sáp…) cũng ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Chẳng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), cho hay: Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của bệnh vàng lá, thối rễ, nông dân chuyển sang cây trồng khác nên diện tích, sản lượng bưởi Năm Roi năm nay giảm 30- 40%. Xã Mỹ Hòa hiện có trên 1.100ha trồng bưởi Năm Roi, trong đó có khoảng 40- 45% diện tích bưởi già cỗi.
Áp dụng hài hòa các giải pháp
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, để khắc phục tình trạng vàng lá, tăng năng suất, sản lượng bưởi, cần có biện pháp khắc phục cho từng trường hợp cụ thể hoặc nhà vườn cần áp dụng hài hòa và tổng hợp nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Nếu để cây bưởi tiếp tục sinh trưởng trong tình trạng già cỗi thì dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, năng suất vườn bưởi ngày càng giảm, còn nếu đốn bỏ hết để trồng mới nhằm thay thế cùng một lúc thì cũng gây nhiều khó khăn cho nông dân. Bởi lẽ, nông dân không có thu nhập khác ngoài kinh tế vườn, vì phải tạm ngưng thu nhập trong khoảng thời gian đầu tư kiến thiết lại vườn chừng 3- 4 năm sau đó. Do đó, để tiếp tục duy trì khai thác hiệu quả các vườn bưởi Năm Roi bị già cỗi, khuyến cáo nông dân thực hiện biện pháp kỹ thuật “trẻ hóa” hoặc trồng thay thế dần các vườn bưởi Năm Roi già cỗi.
“Cần thường xuyên thăm vườn để chăm sóc, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại cây và có biện pháp xử lý tốt nhất; xới đất, làm cỏ và đắp mô đất xung quanh gốc để tạo sự thông thoáng cho gốc cây, tránh làm nơi trú ngụ của sâu bệnh hại; trồng cây với mật độ phù hợp, không nên trồng quá dày khiến cho cây dễ bị bệnh vàng lá xâm nhập”- ông Liêm cho biết thêm.
Ông Liêm khuyến cáo: Giống và nguồn giống ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng do đó khi chọn giống bưởi Năm Roi phải đạt tiêu chuẩn giống sạch bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó, để cải thiện độ pH, phục hồi sức khỏe và độ phì cho đất trồng bưởi Năm Roi, cần bón thêm phân hữu cơ, bón phân hóa học một cách cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc, tuân thủ nguyên tắc thiết kế và quy hoạch vườn trồng bưởi.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Khi cây bưởi bị vàng lá sẽ làm giảm khả năng quang hợp, việc tích lũy chất khô để nuôi cây cũng ngày càng kém đi nên làm ảnh hưởng đến năng suất và sức khỏe của cây. Nếu không có biện pháp phòng và điều trị kịp thời thì sẽ khiến cây bị ảnh hưởng nặng có thể khiến cây bị chết, bắt buộc nông dân phải đốn bỏ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ngoài những nguyên nhân gây ra tình trạng cây bưởi bị vàng lá, còn có thể do tập quán canh tác, điều kiện môi trường, và do kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng đều có thể làm cho lá cây bưởi bị vàng lá và suy kiệt.
Related news
Trước khi chuyển sang trồng bưởi, chị Hưởng thuê máy xúc lật vùi tầng canh tác cũ xuống sâu hơn 1m, đưa lớp đất đáy lên phơi ải, cải tạo thành tầng canh tác mới
Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu trái cây chưng Tết rất lớn, trong đó bưởi là loại trái cây được ưa chuộng vì trái đep, ngon và bảo quản lâu.
Bưởi da xanh là một loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, làm cho cuộc sống của nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL khấm khá.