Bệnh Vàng Đầu Trên Cam Sành Hệ Lụy Của Phong Trào Sản Xuất Tự Phát?
Gần 20% trong tổng số diện tích cam sành trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang có nguy cơ bị xóa sổ vì bệnh vàng đầu, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) như hồi chuông cảnh báo trước thực trạng người dân sản xuất còn chạy theo phong trào, phá vỡ định hướng quy hoạch của các cơ quan chuyên môn.
Những năm gần đây, người dân ở các huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy đã ồ ạt lên liếp từ đất trồng lúa, mía hoặc phá bỏ vườn cây ăn trái khác, thậm chí là bưởi Năm Roi chuyển sang trồng cam sành.
Đơn giản là vì loại trái cây có múi này đã giúp cho không ít nhà vườn nơi đây vươn lên làm giàu nhanh chóng chỉ sau vài năm chăm sóc. Theo đánh giá của ngành chuyên môn các địa phương, bình quân mỗi héc-ta cam sành vào giai đoạn cho trái rộ có thể giúp cho nhà vườn thu nhập 700-800 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ lên đến 1 tỉ đồng/năm.
Phát triển quá nóng
Diện tích vườn cam sành của 2 huyện, thị xã đầu nguồn của tỉnh vì thế mà đã gia tăng đột biến lên trên 7.000ha chỉ trong thời gian ngắn. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Trần Quang Hành cho rằng: Tình hình dịch bệnh trên cây có múi, nhất là cam sành đang diễn biến hết sức phức tạp.
Hiện Châu Thành có hơn 4.700ha vườn cam sành, trong đó có khoảng 1.100ha đang bị dịch bệnh vàng đầu và vàng lá thối rễ uy hiếp nhưng chưa có giải pháp phòng trị hữu hiệu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân không tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật xử lý đất, lên mô, nhất là mua phải nguồn giống đã mang mầm bệnh trước đó về trồng.
Ghi nhận của ngành chuyên môn tỉnh cho thấy, Hậu Giang hiện có khoảng 1.500ha diện tích cam sành bị nhiễm bệnh, chủ yếu ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, chiếm gần 20% diện tích cam sành trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, lý giải: “Do việc phát triển quá nóng diện tích cam sành, kéo theo nhu cầu nguồn cây giống lớn, nhưng hệ thống cung cấp cây giống sạch bệnh trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 30-40%.
Từ đó, nông dân chủ yếu sử dụng nguồn giống trôi nổi bên ngoài là chính, nên tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, trong khi ngành chức năng gặp khó trong công tác kiểm soát”.
Từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Văn Sáu, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy “đứng ngồi không yên”. Khi mà 2,2ha vườn cam sành đang cho trái (vốn được chuyển đổi từ đất trồng xoài kém hiệu quả), sắp thu hoạch những lứa trái đầu tiên có nguy cơ bị “lây” bệnh vàng đầu. Bởi 3 công cam sành 4 năm tuổi được trồng ở khu vực phía trước nhà đã bị bệnh vàng đầu tàn phá gần hết.
Ông Sáu thừa nhận: “Trước đây, trên địa bàn xã chưa có cơ sở cung ứng giống, nên hầu hết người dân, kể cả gia đình tôi khi chuyển sang trồng cam sành buộc phải mua giống trôi nổi bên ngoài. Biết rằng nguồn giống không rõ nguồn gốc, nhưng không mua thì lấy giống đâu mà trồng”.
“Trắng tay” như chơi
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh, các nhà khoa học thuộc các viện, trường đã đến nghiên cứu nguyên nhân và khẳng định phần lớn vườn cam sành bị bệnh vàng đầu đều do vi-rút. Song, biện pháp phòng trị rất khó, bởi nhà vườn đã tích cực dùng nhiều loại thuốc hóa học nhưng kết quả không cao.
Cách đây mấy tháng, anh Lê Văn Tuấn, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành buộc phải chặt bỏ 3 công cam sành gần 2 năm tuổi, ước thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Anh Tuấn kể: “Ban đầu chỉ vài cây cam trong vườn bị bệnh. Tưởng đâu mua thuốc về phun xịt, tưới, xử lý đất sẽ hết nhưng trái lại bệnh càng lan nhanh ra hết vườn”.
Xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy hiện có khoảng 1.325ha cam sành, chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Trong số đó, có khoảng 300ha đang bị bệnh vàng đầu tấn công, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10-70% nhưng vẫn chưa có giải pháp khống chế.
Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, khẳng định: “Nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh vàng đầu trên cây cam sành luôn đặt lên hàng đầu. Nếu không có biện pháp khống chế kịp thời thì có khả năng gây ra nhiều hệ lụy đối với thành quả nông thôn mới tại địa phương, trước hết là ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập, giảm nghèo”.
Ông Nguyễn Văn Đồng thông tin thêm: Ngành cũng đang tính đến kế hoạch công bố dịch bệnh trên cây cam sành để có thể áp dụng những chính sách hỗ trợ cho nông dân có điều kiện phục hồi lại diện tích đã bị thiệt hại. “Nông dân phải quan tâm và đặt vấn đề sử dụng nguồn giống chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng lên hàng đầu.
Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ, bà con có thể sử dụng nấm Trichoderma để xử lý, đồng thời kết hợp nâng mô, khai thông cống rãnh thoát nước, chống ngập úng. Riêng những diện tích bị nhiễm nặng thì nhà vườn nên đốn bỏ để tái tạo lại”, ông Đồng khuyến cáo.
Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để chấn chỉnh tình trạng mua bán giống cam sành hiện nay của các thương lái trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hơn ai hết, người dân phải ý thức tác hại của phong trào sản xuất tự phát, tránh mua phải nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc về trồng. Để rồi tiền mất, vườn cam cũng không còn.
Nhà vườn “tiếp tay” cho thương lái cung cấp cây giống nhiễm bệnh
Ông Trần Quang Hành cho biết: Thời gian qua, trên định bàn huyện Châu Thành xuất hiện tình trạng thương lái ở các tỉnh trong khu vực đến thu mua cam nhánh đã nhiễm bệnh của nhà vườn về lấy bo ghép vào gốc cam mật.
Với mức giá dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg nhánh cam đã bị bệnh, thương lái dễ dàng ghép được khoảng 500 gốc cam sành giống. Sau đó cung cấp lại cho thị trường ở mức giá rất thấp, chưa đến 50% so với mức giá tại các cơ sở nhân giống có uy tín.
Chính vì thế mà ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên vì cái lợi trước mắt mà bán nhánh cây bị bệnh cho thương lái, cũng như đừng ham giá rẻ mà mua phải cây giống nhiễm mầm bệnh về trồng.
Related news
Sóc Trăng hiện có tổng đàn bò hơn 26.500 con, trong đó có 6.400 con bò sữa và hơn 90% được nuôi ở mô hình nông hộ; Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm đặc biệt, yếu tố chất lượng chính là đòi hỏi bắt buộc.
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Liễu Đô (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Nông dân Hoàng Văn Cát là một trong những người như thế.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP được mở rộng, hiệu quả sản xuất chăn nuôi được nâng cao. Đó là kết quả quan trọng của Chương trình phối hợp về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phía Bắc.
Ngày 22/4/2015, tại UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), ông Kim Ngọc Thái, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành tỉnh đã nghe lãnh đạo 04 huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành báo cáo về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vùng nước mặn - lợ.
Mặc dù lịch thời vụ đã qua hơn 1 tháng, nhưng hầu hết hồ nuôi tôm ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đang bị “bỏ giá”.