Bệnh thối gốc rễ cây bơ
Bơ là loại trái cây có thành phần dinh dưỡng có giá trị cao, rất có lợi cho sức khỏe con người, bởi vậy đã được nhiều người ưa chuộng.
Trồng bơ cũng đã đem lại những nguồn thu nhập lớn cho nông dân, cũng như đã góp phần làm phong phú thêm cho thương hiệu trái cây nhiệt đới của Việt Nam. Chính vì vậy, những năm gần đây, cây bơ đã được trồng với diện tích khá lớn tại các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, do đầu tư thâm canh cây bơ một cách tự phát, trên diện tích lớn, đã phát sinh nhiều loại dịch hại. Một trong những loại dịch hại nguy hiểm nhất đã làm chết cây hàng loạt, gây khó khăn cho sản xuất và làm tăng chi phí cho nhà nông, đó là bệnh thối gốc rễ cây bơ.
* Triệu chứng bệnh:
Khi bị bệnh, triệu chứng thường thấy nhất là cây suy nhược, lá cây bị vàng và rụng, đôi khi thấy chảy nhựa (xì mủ) ở thân chính vị trí sát gốc. Nếu đào xung quanh vùng gốc rễ, ta sẽ thấy các rễ bị thối. Khi bệnh nặng sẽ thấy phần gốc rễ chính bị thối đen và ướt. Vết bệnh sẽ lan rộng theo chiều ngang và dọc. Khi vết bệnh phát triển, ôm hết chu vi vỏ cây ở gốc hoặc ở các rễ chính thì cây sẽ rụng lá đồng loạt và bị chết.
* Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển
Bệnh thối gốc rễ cây bơ do nấm Phytophthora sp. gây ra.
Trong điều kiện trồng mật độ cao, đào hố sâu làm bồn, trồng thấp nên nước đọng ở gốc, bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, xum xuê, cành thấp chạm đất, vườn bị rợp bóng cây khác, tủ kín gốc trong mùa mưa, hệ thống tiêu nước kém… thì chắc chắn bệnh sẽ rất nặng.
* Những biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao:
Nguyên tắc là áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp có thể áp dụng được.
- Trồng cây với mật độ thích hợp.
- Làm luống theo hướng Đông Tây để mỗi cây có thể nhận được ánh nắng suốt ngày.
- Không đào hố sâu làm bồn để trồng, mà nên trồng cao, đắp cao gốc để đảm bảo gốc rễ được khô ráo sau mưa hay tưới. Nếu cần thì làm bồn nổi để trồng, xung quanh gốc vẫn cần đắp đất cho ráo nước. Nên quét vôi phần thân sát đất.
- Không tưới bằng hệ thống nhỏ giọt thẳng vào gốc cây, mà chỉ tưới vùng đất xung quanh tán cây để giữ gốc luôn được khô ráo.
- Không tủ kín gốc trong mùa mưa và cần có hệ thống thoát nước thật tốt.
- Cắt bỏ những cành quét đất, những cành sâu bệnh trong tán để vườn được thông thoáng.
- Bón phân hữu cơ hoai mục và được ủ với nấm đối kháng Trichoderma sp. càng tốt.
- Bón vôi hoặc CALCIUM NITRATE để đảm bảo cung cấp đầy đủ canxi cho cây, giúp tăng sức chống chịu của cây.
- Bón phân cân đối đầy đủ, không được dư đạm.
- Sử dụng phân TANO 601 để cung cấp vi lượng cần thiết cho cây.
- Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện cây bị bệnh nhằm cứu chữa kịp thời.
Khi phát hiện cây bị bệnh, nên kết hợp phun toàn cây và tưới gốc bằng MEXYL MZ 72WP hoặc TREPPACH BUL 607SL để phòng trừ. Kết hợp xử lý phòng ngừa cho các cây lân cận để tránh bị lây bệnh. Trong mùa mưa, nên chủ động phòng bệnh trước để giúp làm giảm chi phí phòng trừ.
Related news
Máy cuộn rơm được một số địa phương ở Thừa Thiên - Huế áp dụng, là giải pháp tối ưu giúp giải quyết được bài toán xử lý nguồn rơm rạ sau thu hoạch, bảo vệ
Xác định phương pháp trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài, anh Hội quyết định chọn trồng giống sầu riêng Monthong kết hợp với cam xoàn và hạnh
Tính đến nay anh Nguyễn Bửu Thanh đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chuồng nuôi, tổng cộng được 150 con bố mẹ, gồm 120 con trĩ xanh, đỏ và 30 con trĩ trắng.