Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam đã xuất hiện rải rác hiện tượng sâu bệnh trên thanh long, được bà con gọi là bệnh “lạ”. Trước thực tế này, đại diện 24 hộ dân thuộc Tổ hợp tác thanh long VietGAP Cẩm Hang (thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, nhờ tìm cách điều trị bệnh…
Không phải bệnh “lạ”
Theo đơn đề nghị của Tổ hợp tác thanh long VietGAP Cẩm Hang, tổ hợp tác có 24 hộ, với tổng diện tích 24,7 ha. Từ mùa mưa năm 2010, vườn thanh long của một số tổ viên xuất hiện bệnh “lạ” trên cành non và trái, làm hư toàn bộ chồi non và trái thanh long. Năm 2011 và đầu mùa mưa 2012, bệnh này đã lan ra toàn bộ diện tích thanh long của tổ hợp tác, làm hư hỏng hàng chục tấn trái, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Sau khi đã xịt nhiều loại thuốc điều trị nấm và vi khuẩn nhưng không có hiệu quả, nông dân đành nhờ đến sự giúp sức của cơ quan chức năng. Trả lời về vấn đề này, Ông Trần Minh Tiến - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh khẳng định: Trước hết, đây không phải là bệnh “lạ”, mà nên gọi là bệnh “đốm trắng cành và quả thanh long”. Thực tế, hiện tượng này đã xuất hiện từ năm 2009 - 2010 và chỉ xuất hiện rải rác, cục bộ tại một số vườn thanh long ở Hàm Thuận Bắc. Gần đây, hiện tượng này lại xuất hiện rải rác thêm ở một số xã khác trên địa bàn Hàm Thuận Nam.
Bón phân, chăm sóc tốt để thanh long đủ sức vượt qua các yếu tố biến đổi của thời tiết. Ảnh: N.L
Sau khi kiểm tra thực tế tại Cẩm Hang (xã Hàm Hiệp) và một số vườn ở Hàm Thuận Nam, Chi cục BVTV Bình Thuận đưa ra nhận định, hiện tượng bệnh đốm trắng trên thanh long chỉ xảy ra vào đầu mùa mưa. Đồng thời xuất hiện ở những vườn cỏ nhiều, chăm sóc kém, độ pH trong gốc thanh long thấp, bộ rễ kém phát triển. Đầu tiên, những đốm chấm trắng xuất hiện trên cành non, trái gần chín và trái chín. Trên cành non sau khi xuất hiện vết chấm thì 7 - 10 ngày lớp biểu bì sẽ chết, nấm và vi khuẩn xâm nhập vào gây thối, cháy cành. Do đó, có thể đây là một bệnh do sinh lý thực vật gây ra, tác nhân chủ yếu do chế độ canh tác (thâm canh kém, chong đèn quá mức…).
Những giải pháp khắc phục
Thực tế, từ khi xuất hiện bệnh đốm trắng trên thanh long (năm 2010 - 2011), Chi cục BVTV đã thu mẫu gửi đi giám định ở Viện cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (thuộc Cục BVTV). Tuy vậy, kết quả phân tích đều không tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh. Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục thu mẫu và cành, quả để gửi đi phân tích ở Trung tâm nghiên cứu sinh học của Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh và Viện Cây ăn quả Miền Nam, nhưng chưa có kết quả.
Theo ông Trần Minh Tiến, trong khi chờ kết quả giám định nguyên nhân, Chi cục BVTV đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục đối với một số vườn đang có hiện tượng sâu bệnh trên. Cụ thể, bà con cần vệ sinh sạch cỏ dại, thu gom trái, cành bị hư hỏng ra khỏi vườn; phun vệ sinh vườn khoảng 2 lần, cách nhau 1 tuần/lần bằng các loại thuốc BVTV như Agri-life, Actinovate…; tiếp tục bón phân chăm sóc gốc thanh long bằng các loại phân (Humix, lân phosphoprite…) để cây có bộ rễ mới, khỏe. Đặc biệt, giai đoạn từ nụ nhỏ đến nở hoa, quả non, quả chín phải phòng trừ bằng các biện pháp tổng hợp như quy trình thanh long VietGAP; lưu ý giảm bớt thuốc kích thích sinh trưởng. Bên cạnh đó, phun bổ sung thêm các loại phân bón lá. Chi cục BVTV khuyến cáo bà con không nên hoang mang. Đồng thời tập trung thâm canh, bón phân cân đối, khai thác vừa phải và không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng. Đây là những điều kiện cần thiết nhằm giúp cây thanh long đủ sức vượt qua các yếu tố biến đổi của thời tiết.