Home / Cây công nghiệp / Cây keo

Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 2

Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 2
Author: Nguyên Huân
Publish date: Saturday. October 3rd, 2020

Đặc điểm sinh thái nấm Ceratocystis manginecans

Hình ảnh bệnh vàng lá. Ảnh: VAFS.

Ảnh hưởng của tuổi cây đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh

Tuổi cây có ảnh hưởng rõ đến khả năng bị nhiễm bệnh khi tỉa cành vào giữa mùa mưa, trong đó rừng keo ở cấp tuổi nhỏ có tỷ lệ bị bệnh và mức độ bị bệnh nặng hơn so với ở các cấp tuổi cao hơn. Mức độ bị bệnh và tỷ lệ bị bệnh trung bình tương ứng với Keo lá tràm ở giai đoạn < 3 năm tuổi là 12,71% và 16,20%; với keo lai là 18,63% và 22,59%. Ở giai đoạn > 5 năm tuổi, mức độ bị bệnh và tỷ lệ bị bệnh giảm rõ rệt, tương ứng chỉ là 6,19% và 8,43% với Keo lá tràm; 7,15% và 9,63% với keo lai.

Ảnh hưởng của lịch sử canh tác đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh

Khả năng rừng trồng các loài keo bị nấm gây bệnh xâm nhiễm mạnh nhất khi trồng liên tiếp hai luân kỳ keo trở lên và trồng xen canh cây nông nghiệp.

Ảnh hưởng của của lượng mưa đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh

Khả năng rừng trồng các loài keo bị nấm gây bệnh chết héo xâm nhiễm mạnh nhất khi trồng ở những nơi có lượng mưa trên 2.400mm/năm và ở giảm dầm ở các lập địa khô hạn hơn. Tuy nhiên, điều kiện rất khô hạn như ở Ninh Thuận và Bình Thuận, rừng trồng keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng vẫn bị bệnh chết héo. Qua đó cho thấy khả năng phát tán và gây bệnh cảu nấm Ceratocystis rất mạnh.

Kết quả nghiên cứu các biện pháp phòng chống bệnh chết héo cây keo

Biện pháp lâm sinh

+ Tỉa cành vào mùa khô tỉa đầu cành với cây dưới 1 năm tuổi, và tỉa đúng kỹ thuật, không làm tổn thương gốc cành đã hạn chế hiệu quả nấm gây bệnh xâm nhiễm vào cây. Tỷ lệ cây bị bệnh giảm giảm từ 70-75% so với đối chứng.

+ Phơi ải và bón vôi bột đã hạn chế hiệu quả nấm gây bệnh trong các hố đất trồng cây. Đặc biệt là các hố được bón vôi bột hoàn toàn không ghi nhận nấm gây bệnh chết héo sau 30 ngày xử lý.

Biện pháp sinh học

Đã xác định được thuốc sinh học Biobus 100WP và vi khuẩn Bacillus subtilis có hiệu lực ức chế mạnh đối với nấm C. manginecans, hiệu quả trừ nấm gây bệnh cao hơn 40-45% so với đối chứng. Hai loại thuốc sinh học này có khả năng phòng bệnh tốt nhưng yêu cầu thời gian dài.

Biện pháp hóa học

Đã xác định được bốn loại thuốc hóa học Ridomid gold 68WG, Carbenzim 500FL, Ao’Yo 300SC, Lanomyl 680WP có hiệu lực ức chế rất mạnh đối với nấm C. manginecans, hiệu quả trừ nấm gây bệnh cao hơn 75-80% so với đối chứng.

Mô hình trồng mới

+ Sử dụng giống đã được xác định có khả năng chống chịu bệnh chết héo gồm Keo lai AH7 (hom), Keo lá tràm AA9 (hom) và Keo tai tượng xuất xứ Úc (hạt).

+ Giải phóng đất trước 3 tháng; thu dọn tàn dư thực vật, tiêu hủy những cây keo đã bị bệnh chết héo; đào hố trồng trước khi trồng 1 tháng; bón vôi (0,5 kg/hố) và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố; phơi ải hố 2 tuần sau khi bón vôi. Mật độ trồng từ 1.660 cây/ha, bón lót 200g NPK/hố.

+ Bảo vệ khỏi tác động của gia xúc; tỉa cành vào mùa khô và tiến hành tỉa đầu cành khi cây đạt 5-6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2m; Tỉa cành bằng kéo và cưa, không gây tổn thương.

+ Chăm sóc, phát dọn thực bì 2 lần/năm. Tuyệt đối không làm tổn thương rễ khi xới gốc, chăm sóc.

+ Bón chế phẩm chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis vào đầu mùa mưa của năm thứ 2 sau khi trồng. Kết quả, hiệu quả trừ nấm gây bệnh đạt 90% so với đối chứng.

Mô hình phòng trừ tổng hợp trên rừng có sẵn

+ Bảo vệ các diện tích rừng trồng keo khỏi tác động của gia xúc.

+ Chăm sóc, phát dọn thực bì 2 lần/năm. Tuyệt đối không làm tổn thương rễ khi xới gốc, chăm sóc.

+ Thường xuyên kiểm tra và chặt, tiêu hủy những cây keo có triệu chứng bệnh chết héo gây hại nặng.

+ Tỉa cành vào mùa khô, tiến hành tỉa đầu cành khi cây đạt 5-6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2m; với các đợt tỉa cành sau sử dụng cưa hoặc kéo cắt cành để tỉa cành, tỉa sát thân với các cành có đường kính trên 1 cm, với cành nhỏ hơn 1 cm có thể tỉa cánh thân 10 cm, không chế gây tổn thương phần gốc cành.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis vào đầu mùa mưa.

+ Sử dụng thuốc trừ bệnh hóa học có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP) khi cây bị nhiễm bệnh nhẹ (cấp bệnh trung bình dưới 1) và tỷ lệ cây bị bệnh dưới 15%. Phun nhắc lại 2 lần, cách nhau 7-10 ngày.

- Kết quả: Hiệu quả trừ nấm gây bệnh đạt trên 75-80% so với đối chứng. Các cây mới bị nhiễm bệnh nhẹ đều có thể phục hồi.

Kết quả sàng lọc các giống keo có triển vọng tại vườn ươm bằng phương pháp nhiễm bệnh nhân tạo

+ Đã bước đầu xác định được 17 dòng Keo lai mới: BV584, BV523, BV434, BV350, BB055, BV105, BV265, BV330, BV355, BV372, BV389, BV430, BV474, BV466, BV511, BV547, BV566 có khả năng chống chịu. Trong đó, các giống BV584, BV523, BV434, BV350, BB055 đã được công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới năm 2019.

+ Đã chọn lọc được các dòng Keo lai đã được công nhận dòng gồm BV10, BV16, BV71, BV73, BV75 có khả năng chống chịu bệnh.

Kết quả khảo nghiệm dòng vô tính kết hợp nhiễm bệnh tự nhiên bằng phương pháp gây tạo vết thương trên thân cây

+ Bước đầu đã xác định được 9 dòng Keo lai có sinh trưởng nhanh và có tính chống chịu với bệnh chết héo: BV10, TB12, BV584, BV523, BV434, BV350, BB055, BV586, BV376.

+ Bước đầu xác định các dòng Keo lá tràm có khả năng chống chịu bệnh chết héo: CLT7, CLT18, CLT25, CLT26, CLT43, CLT57, CLT64, CLT98, CLT171, AA9.

Hình ảnh bệnh vàng lá. Ảnh: VAFS.

Kết quả chọn giống keo lá tràm có tính kháng bệnh chết héo

Đã xác định được 4 gia đình có khả năng kháng bệnh tốt nhất (100% cây không bị chết sau 3 lần gây nhiễm với 3 chủng nấm có độc lực): TH160, 143, 131 và TH62.

Trên cơ sở các kết quả và mô hình, đề tài đã nghiên cứu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đề xuất một số biện pháp, giải pháp phòng trừ bệnh chết héo cây keo, trong đó cần điều tra, đánh giá tình hình chết keo trên phạm vi toàn quốc và xác định nguyên nhân gây chết keo. Khuyến cáo áp dụng ngay quy trình tạm thời phòng chống bệnh chết héo keo. Chọn giống keo chống chịu bệnh chết héo.

Đối với bệnh vàng lá keo: Từ năm 2018, đã ghi bệnh vàng lá gây hại rừng trồng keo lai, keo tai tượng tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Sơ bộ ban đầu xác định nguyên nhân gây bệnh vàng lá do các loài nấm thuộc chi Phytophthora nhưng chưa xác định được loài và chưa xác định được cơ chế gây bệnh, cơ chế lây nhiễm, do vậy cũng chưa có biện pháp phòng chống.

Bệnh vàng lá xuất hiện ở cả vườn ươm, vườn cấp hom và rừng trồng ở giai đoạn 1-2 năm tuổi. Cây bị bệnh có triệu chứng vàng lá, nhiều chồi, không hình thành thân chính.

Đề xuất: Xác định loài nấm gây bệnh vàng lá keo, xác định cơ chế lây lan và truyền bệnh, nghiên cứu giải pháp tổng hợp quản lý bệnh vàng lá, chọn giống kháng bệnh vàng lá.


Related news

Kỹ thuật trồng Keo lai Kỹ thuật trồng Keo lai

Cây gỗ nhỡ, cao tới 25-30m, đường kính tới 30-40cm, cao và to hơn Keo tai tượng và Keo lá tràm, các đặc tính khác có dạng trung gian giữa 2 loài bố mẹ.

Monday. June 18th, 2018
Trồng giống keo thân thiện môi trường Trồng giống keo thân thiện môi trường

Theo đó, đã có gần 566 ngàn cây keo giống thân thiện với môi trường được cấp cho người dân để trồng 221 ha rừng gỗ lớn, hướng đến chứng nhận FSC.

Thursday. April 25th, 2019
Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 1 Bệnh chết héo cây keo - Nguyên nhân và biện pháp phòng chống | Phần 1

Bệnh chết héo cây keo là vấn đề được ông Nguyễn Văn Thành (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) và nhiều bạn đọc quan tâm và hỏi về biện pháp phòng tránh.

Saturday. October 3rd, 2020