Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bảy Ngàn phát triển mô hình nuôi heo thương phẩm

Bảy Ngàn phát triển mô hình nuôi heo thương phẩm
Author: Kim Điều
Publish date: Thursday. August 18th, 2016

Theo ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, thông tin: Những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích mở rộng quy mô nuôi heo đối với các hộ gia đình, thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn heo, không để xảy ra dịch bệnh, kể cả định hướng cho người dân thực hiện theo mô hình vườn - ao - chuồng, chăn nuôi an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí tiêm phòng, giúp bà con yên tâm tăng đàn, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Thu nhập khá

Một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi heo tại ấp 4B, thị trấn Bảy Ngàn phải kể đến bà Trần Thị Thu Tư, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hiệp Hà.

Hơn 15 năm gắn bó với mô hình nuôi heo, từ hộ nghèo có sổ, gia đình bà Tư đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo bà Tư, từ trồng lúa cho thu nhập thấp, gia đình bà mạnh dạn chăn nuôi thêm heo nái.

Sau vài tháng nuôi, đàn heo con đầu tiên được xuất bán.

Có nguồn vốn ban đầu, bà tiếp tục xây thêm chuồng.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, bà phát triển đàn lên đến 15 con heo nái.

Cứ 3-4 tháng, bà xuất bán heo con một lần.

Bà Thu Tư tâm sự: “Nhờ mô hình này, tôi đã đủ khả năng chăm lo tốt cho các con và tích cóp tiền bạc đầu tư thêm ruộng đất của gia đình.

Chỉ tính riêng nuôi heo, hàng năm tôi có thể thu lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng.

Tôi vừa mở rộng thêm 5 chuồng để nuôi heo tơ, vì nguồn con giống sẵn có nên có thể giảm một phần chi phí”.

Tương tự, hộ ông Lâm Thái Hà, ở ấp 4B, xác định gắn bó lâu dài với nghề chăn nuôi heo nên ông quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng mở rộng chuồng trại để chuyển từ hình thức nuôi nhỏ lẻ sang hướng nuôi thương phẩm.

Hiện gia đình ông đã gầy dựng tổng đàn lên gần 100 con, trong đó có 12 con heo nái.

Ông Hà chia sẻ: “Khi mới làm quen với công việc chăn nuôi heo, tôi gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn con giống, thức ăn, cách phòng bệnh.

Vì vậy, tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức, học hỏi kinh nghiệm những hộ chăn nuôi thành công, tìm kiếm thức ăn phù hợp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ”.

Do đó, khi trong đàn heo có 1, 2 con bị tiêu chảy, bỏ ăn ông đều tìm hiểu nguyên nhân, tách đàn để chăm sóc, ngăn chặn sự lây lan.

Với sự cố gắng của gia đình, đến nay mỗi đợt, hộ ông Hà có thể xuất chuồng khoảng 10-20 con heo thịt.

Nhưng vẫn lo

Trên thực tế, việc đầu tư chuồng trại đạt chất lượng để nuôi heo hướng thương phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh đang được nhiều hộ dân ở địa phương, trong đó có hộ ông Hà đặc biệt quan tâm.

Ông Hà cho biết thêm: “Tôi đã được tham quan một số mô hình trang trại heo tiên tiến của Bình Dương, từ đó nhận thấy gia đình mình nuôi theo kiểu truyền thống nên chưa thể chuyển ngay sang quy mô lớn được.

Dù có nhiều kinh nghiệm thì rủi ro vẫn còn cao, do đó, tôi và một số hộ trong ấp đang nghiên cứu nâng cấp chuồng trại, sử dụng đệm lót sinh học, xây chuồng heo giống riêng biệt...

Điều này sẽ giúp người nuôi tiết giảm chi phí đáng kể”.

Cũng theo ông Hà, nhờ trải qua hơn 15 năm nuôi heo nên gia đình ông xây dựng được uy tín và liên kết được các mối quen mua thức ăn và cung ứng heo giống.

Tuy vậy, việc bán heo thịt vẫn còn gặp không ít khó khăn, vì chưa tìm được đơn vị thu mua ổn định, hầu hết phải thông qua thương lái.

“Mỗi lần xuất bán, tôi chỉ gọi cho các lái quen.

Tuy nhiên, nếu xuất chuồng nhiều quá, lái tiêu thụ không hết thì phải nhờ cò tìm lái từ Cần Thơ đến thu mua.

Người nuôi heo cần nhất là có công ty tiêu thụ ổn định để giảm bớt lo lắng mỗi khi heo đến lứa bán”, ông Hà bày tỏ.

Hiện HTX chăn nuôi Hiệp Hà, ở ấp 4B, được kỳ vọng sẽ là nơi liên kết người chăn nuôi với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra ổn định.

Thế nhưng, hầu hết 7 thành viên của HTX đang cảm thấy băn khoăn rằng, dù thu nhập từ chăn nuôi heo khá cao nhưng chưa tương xứng với vốn đầu tư ban đầu.

Bởi theo bà Trần Thị Thu Tư, đa phần người nuôi còn mua thức ăn từ đại lý, chi phí đội lên nhiều lần, trong khi giá cả thị trường heo hơi rất bấp bênh nên khó mở rộng quy mô sản xuất hoặc nâng cấp chuồng trại.

Chưa kể là đã tham gia vào HTX nhưng lại không đảm bảo điều kiện vay vốn để tăng đàn.

Do đó, bà con đang cần được tiếp sức để phát triển và duy trì mô hình nuôi heo theo hướng hàng hóa đầy tiềm năng này.


Related news

Tiết giảm chi phí nhờ trồng mía lưu gốc Tiết giảm chi phí nhờ trồng mía lưu gốc

Bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất mía thì hiện nay nhiều nông hộ trồng mía ở huyện Phụng Hiệp còn áp dụng hình thức trồng mía lưu gốc, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác.

Thursday. August 18th, 2016
Quyết tâm đạt tiêu chí môi trường Quyết tâm đạt tiêu chí môi trường

Xác định việc thực hiện và hoàn thiện tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó khăn nhất của quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, đã và đang tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cùng nhau quyết tâm thực hiện để hoàn thành tiêu chí này vào cuối năm nay.

Thursday. August 18th, 2016
Giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới Giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới

Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đang tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí đạt được để giữ vững danh hiệu nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Thursday. August 18th, 2016