Bấp bênh nghề chế biến sứa xuất khẩu sang Trung Quốc
Hải Phòng nằm ven vịnh Bắc bộ - vùng biển có trữ lượng sứa kinh tế lớn nhất nước ta, chiếm 88% tổng trữ lượng sứa nên có nhiều tàu thuyền khai thác và cơ sở chế biến sứa.
Anh Thành kiểm tra bể sứa muối
Tuy nhiên, phần lớn sản lượng sứa được xuất bán sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, hầu hết rác thải, nước thải của quá trình chế biến thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.
Xuất đi Trung Quốc phải thuê kỹ thuật người Trung Quốc
Anh Lưu Đình Thành, chủ cơ sở Thành Hải tại khu vực bến cá số 3, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn cho biết, cơ sở của anh cũng như hầu hết các cơ sở chế biến sứa tại Hải Phòng chỉ sơ chế sứa rồi xuất bán chứ không chế biến sứa ăn liền.
Quy trình sơ chế cũng khá đơn giản. Sứa tươi thu mua về được cắt riêng các bộ phận chân tay, óc, bìa rồi cho vào bể quay nhớt, quay trong 10 giờ đồng hồ để tách dịch nhớt khỏi con sứa. Sau đó, xả hết nước, cho nước ngọt vào quay trong 1 giờ nữa để làm sạch rồi đưa sứa ra bể muối. Sứa được ngâm muối, phèn, độ mặn khoảng 23‰ trong khoảng 1 tuần. Khi nào nước ngâm sứa trở nên trong thì sứa “chín”. Sứa thành phẩm được đóng vào các thùng gỗ, mỗi thùng 9kg, là có thể xuất bán.
Quy trình không phức tạp nhưng anh Thành vẫn phải thuê một người Trung Quốc đảm nhận khâu kỹ thuật, ăn ở tại xưởng trong suốt mùa sứa, với mức lương 60 triệu đồng/tháng. “Hiện ở Đồ Sơn có 8 xưởng, xưởng nào cũng thuê 1 - 2 người Trung Quốc làm kỹ thuật. Nếu mình không thuê, sản phẩm của mình đẹp đến mấy, bạn hàng bên Trung Quốc cũng vẫn chê, không chịu mua”, anh Thành cho hay.
Các cơ sở chế biến sứa tại Đồ Sơn đều phải thuê kỹ thuật viên người Trung Quốc. Trong ảnh, kỹ thuật viên tại cơ sở Thành Hải cho muối vào bể sứa
Mùa sứa năm nay, sản lượng khai thác và giá cả đều kém hơn năm ngoái. Vì thế, nếu như mọi năm, cơ sở của anh Thành thu mua, chế biến được 6 - 7 vạn con sứa thì năm nay chỉ được khoảng 5 vạn con. Năm ngoái, giá sứa thu mua từ thuyền đánh bắt là 12 - 15 nghìn đồng/con, năm nay chỉ 10 nghìn đồng. Giá nguyên liệu đầu vào giảm thì giá sứa chế biến cũng giảm theo.
Theo anh Thành, hiện cơ sở của anh bán các sản phẩm chế biến với giá bìa (thân) sứa 150 nghìn đồng/thùng 9kg, chân tay sứa 400 nghìn đồng/thùng 9kg. Hầu hết sản phẩm đều xuất bán sang Trung Quốc, giá thường không ổn định. Trong đó, sản phẩm chân tay sứa là những phần ngon nhất, nhiều giá trị dinh dưỡng nhất của con sứa đều bán cho Trung Quốc, còn bìa sứa bán nội địa là chính. Chỉ thời điểm đầu mùa và cuối mùa thường không có thương lái Trung Quốc thu mua thì cơ sở mới tiêu thụ trong nội địa.
Chế biến thô sơ, thiệt hại lớn
Thực tế chế biến sứa ở cơ sở của anh Thành cũng là hiện trạng chung của phần lớn các cơ sở chế biến sứa trên địa bàn Hải Phòng.
Bìa (thân) sứa bán nội địa là chính
Theo nghiên cứu mới đây của KS Trương Văn Tuân (Viện Nghiên cứu Hải sản), hiện Hải Phòng có 22 cơ sở chế biến sứa. Trong đó, có tới 21 cơ sở sơ chế sứa, chỉ có 1 cơ sở chế biến sứa ăn liền. Huyện Cát Hải có nhiều cơ sở nhất (13 cơ sở), quận Đồ Sơn 8 cơ sở, huyện Kiến Thụy 1 cơ sở. Sản lượng trung bình năm 2015 đạt gần 20 vạn đầu sứa/cơ sở, tổng khối lượng sản phẩm sứa chưa sơ chế là hơn 17 nghìn tấn. Hằng năm, mỗi cơ sở thu về 2 - 4 tỷ đồng, giải quyết nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho địa phương.
Hiện có tới 70 - 80% sản lượng sứa đã qua sơ chế của Hải Phòng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu chủ yếu qua đường biển tiểu ngạch và phải chịu chi phí rất lớn, số lượng hàng xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ nhỏ trong cán cân xuất khẩu. Hàng xuất khẩu chủ yếu là chân tay và óc sứa.
Chân tay sứa - phần ngon, bổ nhất của con sứa - đều được xuất bán sang Trung Quốc
Nhìn chung, các xưởng chế biến mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ, công trình xây dựng đều thuộc loại công trình cấp 4. Khi đóng thùng, sản phẩm có thể làm ngay ngoài trời hoặc căng bạt tạm bợ. Các bể ngâm sứa bằng gạch được xây nổi, cố định, có mái che. Mỗi xưởng có từ 30 - 80 bể, dung tích 1 - 4m3/bể. Một số hộ có trang bị bể tròn bằng PVC, dung tích từ 1 - 3m3/bể. Ngoài ra, các thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến sứa cũng rất thô sơ và thủ công.
Theo khảo sát của KS Trương Văn Tuân và cộng sự, hầu hết các sản phẩm phế thải, nước thải của quá trình sản xuất sứa tại các cơ sở (khối lượng sứa dư thừa, phèn chua, muối, dịch nhớt sứa…) đều thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong số 22 cơ sở chế biến sứa có đến 13 cơ sở không có hệ thống xử lý sơ bộ hoặc hệ thống thu gom nước thải. 9 cơ sở còn lại thì chỉ có hệ thống xử lý sơ bộ (bể lắng cơ học) , không kết hợp với biện pháp xử lý nào khác. Tất cả các cơ sở không quan trắc định kỳ nước thải, không thống kê, lưu trữ số liệu về chất thải rắn, nước thải; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận.
Related news
Sau nhiều năm nuôi tôm thành công lẫn thất bại, những mô hình hợp tác nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên đã rút ra được kinh nghiệm: đó là muốn nuôi tôm thành công
Sau hai năm triển khai thực hiện, Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi bộc lộ nhiều điểm yếu
Người tôm tôm hùm ở xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, TX Sông Cầu (Phú Yên) đang “méo mặt” vì tôm nuôi bỗng dưng chết đột ngột, gây thiệt hại nặng.