Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh
Vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân và cả những người trực tiếp nuôi tôm; khi môi trường ô nhiễm, tôm nuôi dễ nhiễm bệnh và hiệu quả nuôi trồng không cao.
Nước thải nuôi tôm không được xử lý, xả thẳng ra môi trường Ảnh: Nguyễn Hải
Môi trường bị tác động
Theo chia sẻ của nhiều hộ nuôi tôm trên cát tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, quy trình nuôi tôm hiện nay là thu nước mặn từ biển, nước ngọt từ mạch ngầm rồi nước thải cũng về những vị trí đó tạo nên vòng luẩn quẩn tồn tại nhiều năm nay. Nhưng, do nguồn nước ô nhiễm, nhiều người nuôi tôm thiệt hại mấy vụ liên tiếp; nhiều khu vực nuôi, hồ tôm bỏ hoang bởi họ cho rằng nơi đó nguồn nước không tốt. Còn đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, nhiều hộ nuôi tôm trên cát bây giờ vẫn lơ là đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chưa bàn đến vấn đề môi trường thì ngay chính họ là người bị ảnh hưởng, thiệt hại đầu tiên. Muốn “cải tổ” nguồn nước nuôi tôm trước hết phải có hệ thống xử lý nước thải đủ tốt; hạn chế sử dụng hóa chất sẽ giúp nguồn nước được duy trì ổn định.
Bức xúc về vấn đề môi trường bị ô nhiễm do hoạt động nuôi tôm, giữa tháng 4/2020, nhiều hộ dân tại Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh phản ánh về việc môi trường sống, dòng kênh nước khe Hóc (khe núi Chùa) và bãi biển Đông Hồi đang bị ô nhiễm quá trầm trọng do một trang trại nuôi tôm xả thải. Theo các hộ dân, đã 3, 4 năm qua họ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Hàng ngày người dân và du khách đến bãi tắm Đông Hồi đều phải hứng chịu dòng nước thải đen sì và mùi hôi thối nồng nặc.
Còn tại tỉnh Bình Định, theo phản ánh của người dân, các hộ nuôi tôm tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đã dùng ống nhựa nối vào hồ nuôi để xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường biển Đề Gi. Những ống nhựa này được lắp đặt bằng phương pháp thủ công đơn giản, lộ thiên rất dễ nhìn thấy. Hành động này là hủy hoại môi trường biển mà biển là nơi cần phải được bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển.
Tăng cường giải pháp quản lý
Ngày 13/5/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; trong đó dự án đầu tư xây dựng cơ sở NTTS có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án đi vào hoạt động chính thức; các dự án có quy mô diện tích mặt nước từ 5 ha đến dưới 10 ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Với quy định trên thì các dự án nuôi tôm công nghiệp phải đảm bảo việc xử lý ô nhiễm môi trường thì mới được phép đi vào hoạt động.
Ngày 12/3/2019, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND về điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Theo đó đối với nuôi tôm siêu thâm canh, việc xử lý nước thải, chất thải chỉ được xả ra môi trường khi bảo đảm các thông số kỹ thuật theo quy định hiện hành. Tùy theo diện tích của cơ sở nuôi có thể xử lý nước thải theo một trong 3 phương pháp: Phương pháp sinh học, nước từ ao nuôi xả vào ao chứa nước thải; trong ao chứa nước thải nuôi cá rô phi, cá đối, trồng cây cỏ thủy sinh… kết hợp với xử lý vi sinh để lọc sinh học, áp dụng phương pháp tuần hoàn nước, tái sử dụng lại cho ao nuôi. Phương pháp hóa học, nước từ ao nuôi tôm xả vào ao chứa nước thải, sử dụng chất diệt khuẩn (thuốc tím, Chlorine…) để tiêu diệt các vi sinh vật gây hại và làm giảm các thông số ô nhiễm hữu cơ. Lưu giữ nước trong ao chứa tối thiểu 7 ngày mới được tái sử dụng lại cho ao nuôi. Phương pháp cơ học là sử dụng cát, than hoạt tính… để lọc cơ học, sau đó tái sử dụng lại cho ao nuôi.
Về xử lý chất thải, khuyến khích cơ sở nuôi xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas; đối với chất thải như vỏ tôm, phân tôm, thức ăn dư thừa… được xiphong đưa vào hố gas; vỏ tôm được thu gom và phải có nơi để xử lý hoặc làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón cho cây trồng; phân tôm, thức ăn dư thừa được đưa vào hầm ủ biogas để tạo khí đốt. Nước thải từ hầm ủ biogas chảy tràn qua hệ thống ống dẫn nước đưa vào ao lắng xử lý sinh học trước khi thải ra bên ngoài hoặc tuần hoàn cấp vào ao nuôi, chất lượng nước đầu ra phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Bùn thải trong quá trình nuôi phải thu gom, để đúng nơi quy định và xử lý tránh gây ô nhiễm cho vùng nuôi. phải giữ vệ sinh chung trong và ngoài khu vực ao nuôi. Rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được thu gom cho vào thùng chứa có nắp đậy, thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa, lắng.
Theo các chuyên gia, một “hệ sinh thái” hay chuỗi thức ăn trong nuôi cũng được xem là giải pháp làm sạch nguồn nước. Cùng đó, lồng ghép các loại thủy sản phù hợp sẽ giúp người nuôi giải quyết bài toán này; từ đó, nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường nuôi tôm hiệu quả.
Related news
Những mẹo này là ý tưởng của ba chuyên gia thủy sản: Erik Vis - tổng giám đốc bộ phận cá vây của Tổng công ty Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia (NAQUA) ở Ả Rập Xê Út
Việc kiểm soát và cải thiện môi trường là trong suốt quá trình nuôi rất cần thiết. Hiện nay, áp dụng khoa học công nghệ cao đang được đánh giá là giải pháp
Nuôi thâm canh đã trở nên phổ biến đối với tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) ở nhiều nước trên thế giới và nhiều mô hình nuôi tôm