Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Băn Khoăn Trước Vụ Sò Mới

Băn Khoăn Trước Vụ Sò Mới
Publish date: Saturday. February 15th, 2014

Sò thịt kích cỡ 100 con/kg giá 60.000 đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng người nuôi sò ở ba huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú (Bến Tre) không có sò thu hoạch bán. Nguyên nhân do nguồn sò giống thiên nhiên tại địa phương khan hiếm dần. Đến các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau mua sò giống về nuôi, tỷ lệ chết lên đến 85%. Nhiều hộ nuôi sò chấp nhận “treo” sân.

Sau Tết Nguyên đán năm 2014, gió biển hoạt động khá mạnh. Độ mặn của nước biển tăng cao. Hộ dân ở các xã ven biển Đông đã khởi động chuyến ra khơi, vụ nuôi trồng thủy sản mới. Riêng các hộ dân nuôi sò băn khoăn: đầu tư mua sò giống của các tỉnh về nuôi hay tiếp tục để “treo” sân.

Ông Nguyễn Văn Trừ ở xã Thừa Đức (Bình Đại) nhâm nhi tách trà nóng, mắt hướng về con rạch cạnh nhà, cũng là sân sò của gia đình trăn trở: Sò thịt loại kích cỡ 100 con/kg, giá 60.000 đồng là cao nhất từ trước đến nay. Ấp Thừa Thạnh có hơn 500 hộ nuôi sò, trung bình mỗi hộ nuôi diện tích từ 1-8 công. Năm 2013, 70% hộ dân bỏ sân trống. 30% hộ nuôi, tỷ lệ chết lên đến 85% nhưng vẫn còn lãi do giá sò thịt cao. Ông Trừ nói: Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ở vùng biển diễn ra ngày càng rõ nét và theo chiều hướng bất lợi.

Nguồn sò giống thiên nhiên tại địa phương khan hiếm dần. Mua sò giống nơi khác về thả nuôi, điều kiện môi trường nuôi đã khác, cộng với nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch rất cao, vật nuôi thích nghi không kịp. Ông Trừ nhớ lại: Những năm trước đây, vào mùa, sò giống sinh sôi nẩy nở trù phú. Những hộ dân có ghe đi cào về thả nuôi, còn dư bán cho các hộ khác nuôi.

Nhân dân vùng biển tận dụng diện tích đất sông ngòi, kênh rạch, dùng cây cắm trụ và dựng lưới mùng từ mặt đất lên cao khoảng 50cm là thả sò giống xuống nuôi. Sò nuôi khoảng 18 tháng thu hoạch, không tốn chi phí thức ăn, chỉ tốn công canh giữ. Mỗi công đất nuôi sò, thu hoạch trung bình từ 5-6 tấn, giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, thu lợi nhuận cao. Không ít hộ dân thoát nghèo, có điều kiện lo cho con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang nhờ nuôi sò. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước.

Khoảng 4 năm trở lại đây, sò giống thiên nhiên tại địa phương không còn trù phú nữa. Năm 2013, chỉ có 30% hộ dân đầu tư nuôi sò nhưng việc tìm mua sò giống cũng không thuận lợi. Ông Lê Văn Hưởng cùng 2 hộ dân khác nắm thông tin ở huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang xuất hiện sò giống. Cả 3 hộ gom góp 30 triệu đồng mua sò giống về thả nuôi. Qua một con nước, sò giống phát triển rất khả quan.

Thấy vậy, 3 hộ này hùn vốn 30 triệu đồng sang mua sò giống về tiếp tục thả nuôi. Sò nuôi phát triển kích cỡ bằng đầu ngón tay út rồi không lớn nữa và mất dần trong sân nuôi. Theo các hộ dân cho biết, sò đực nuôi một thời gian không lớn và di chuyển đi nơi khác. Chưa dừng lại, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2014, thời tiết lạnh kéo dài, sò chết với số lượng khá lớn.

Bà Nguyễn Thị Ánh cho biết, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 3 sân nuôi sò (diện tích mỗi sân 3.000m2) nên không thể bỏ trống sân. 4 năm trở lại đây, gia đình bà phải mua sò giống từ các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau về nuôi. Để giảm thiệt hại, gia đình bà Ánh không mua sò giống vừa cào ở sông lên mà chỉ mua sò đã qua thuần dưỡng.

Giá cả tuy có cao nhưng giảm được rủi ro. Bà Ánh nói: Trước đây, sò giống thiên nhiên tại địa phương mua về thả xuống sân nuôi, không cần chăm sóc đến thu hoạch vẫn thu được lãi cao.

Có năm, bà đầu tư mua sò giống thả nuôi 3 sân, với tổng số tiền 300 triệu đồng, đến thu hoạch bán được 600 triệu đồng. Nhưng từ khi mua sò giống của các tỉnh thì khác, phải tính toán thận trọng hơn. Năm 2013, bà mua sò giống, với số tiền 150 triệu đồng về thả 3 sân, nghĩa là mật độ nuôi giảm đáng kể, theo hướng thưa dần. Sò nuôi thả cạnh bờ, không ra giữa kênh rạch như trước đây để giảm ảnh hưởng dòng chảy của nước. Lịch thăm sò nuôi thường xuyên và đều đặn.

Trong vụ nuôi vẫn gặp trở ngại, bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Khi nước dâng lên ngập sân, con sò trồi lên mặt đất để tìm thức ăn (phù sa) và chui xuống mặt đất khi nước rút cạn. Nhưng gặp phải thời tiết thất thường, quá nóng hoặc quá lạnh, tỷ lệ sò chết rất cao.

Bù lại, giá sò cao nên bà Ánh thu hoạch bán được 400 triệu đồng. Cũng theo bà Ánh, do có nguồn sò giống thiên nhiên tại địa phương không phải mua sò giống của các tỉnh. Sò giống khai thác tại địa phương nuôi, tỷ lệ hao hụt cao nhất vẫn không quá 60%, còn sò mua nơi khác lên đến hơn 85%. Quan trọng hơn nữa vẫn là sò giống tại địa phương nuôi có chất lượng thịt ngon hơn sò mua từ các tỉnh. Bà Ánh lý giải: Sò giống tại địa phương nuôi vỏ dày, huyết nhiều và màu đỏ.

Còn sò các tỉnh, vỏ mỏng, huyết ít, màu đỏ nhạt. Chính vì thế mà hàng năm bà Ánh đều dành một phần diện tích đất để khi có sò giống địa phương là mua về thả nuôi. Khi đặt vấn đề nhập sò giống của các nước về nuôi, bà Ánh và nhiều hộ nuôi sò ở Thừa Đức lắc đầu: Trước đây, một số hộ đã mua sò giống nguồn gốc từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… về nuôi nhưng không lớn. Bây giờ, hiếm ai nhắc đến việc mua sò giống ngoại về nuôi.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức cho biết: Ở lĩnh vực thủy sản con sò được xác định là một trong những vật nuôi chủ lực của xã. Tổng diện tích đất nuôi sò hơn 93ha. Nhiều hộ dân tận dụng phần diện tích đất ở kênh, rạch để nuôi sò, tạo nguồn thu góp phần ổn định cuộc sống gia đình. Thời gian thả sò giống đến thu hoạch kéo dài từ 15-18 tháng. Phần lớn các hộ dân đều thả sò giống nuôi luân phiên trên phần diện tích đất hiện có để đảm bảo hàng năm đều có sò thịt thu hoạch bán.

Những năm gần đây, sò giống thiên nhiên tại địa phương khai thác không được nhiều. Năm 2013, rất nhiều hộ dân nuôi sò phải để “treo” sân, do ngại mua sò giống của các tỉnh, tỷ lệ chết lên đến 85%. Năm 2013, sản lượng sò nuôi thu hoạch được 1.008 tấn, giá trị 40,32 tỷ đồng, giảm 104 tấn so với năm 2012. Năm 2014, sản lượng sò thu hoạch dự báo sẽ tiếp tục giảm. Và nếu năm 2014, hộ dân tiếp tục “treo” sân thì sản lượng thu hoạch những năm tiếp theo sẽ giảm.

Cũng theo bà Thơ, vấn đề địa phương đang quan tâm là làm thế nào để duy trì được nguồn sò giống thiên nhiên tại địa phương hoặc sản xuất sò giống đảm bảo thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu để người dân tiếp tục khai thác lợi thế tiềm năng của đất. Và ý nghĩa hơn là góp phần vào việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân vùng biển vốn còn lắm khó khăn.


Related news

Nigieria Có Thể Trở Thành Nước Cung Ứng Điều Thô Lớn Nhất Cho Việt Nam Nigieria Có Thể Trở Thành Nước Cung Ứng Điều Thô Lớn Nhất Cho Việt Nam

Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa 2 bên vẫn có một số trở ngại: hạt điều Nigieria có chất lượng còn khiêm tốn so với một số nước châu Phi khác như Ghana, Tanzania…; thanh toán giữa người mua và người bán còn khó khăn; chưa có cơ chế hợp tác để giải quyết các tranh chấp thương mại một cách công bằng và hiệu quả.

Saturday. February 7th, 2015
3 Ngư Dân Đầu Tiên Ở Tỉnh Bình Định Ký Hợp Đồng Đóng Tàu Cá Vỏ Thép 3 Ngư Dân Đầu Tiên Ở Tỉnh Bình Định Ký Hợp Đồng Đóng Tàu Cá Vỏ Thép

Theo hợp đồng đã ký kết, Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh chịu trách nhiệm đóng 3 tàu cá bằng vỏ thép cho 3 ngư dân, mỗi tàu dài 25 m, rộng 7,2m với công suất máy chính 880 CV nhãn hiệu Doosan của Hàn Quốc, tổng trị giá 14,835 tỉ đồng. Trong vòng 120 ngày, Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh sẽ hoàn thành và bàn giao tàu cá cho ngư dân.

Saturday. February 7th, 2015
Công Nhân Cty Cao Su Dầu Tiếng Thu Nhập 6,5 Triệu Đồng/tháng Công Nhân Cty Cao Su Dầu Tiếng Thu Nhập 6,5 Triệu Đồng/tháng

Cty cũng đã giải quyết chế độ chính sách, chăm lo đời sống công nhân chu đáo: Nộp BHXH, BHYT, BHTN trên 147 tỷ đồng; giải quyết gần 59 tỷ đồng tiền ăn giữa ca; chi trả chế độ chính sách lao động nữ 1,65 tỷ đồng; nâng bậc lương cho 798 người; phòng hộ lao động 11,37 tỷ đồng; bồi dưỡng độc hại gần 37 tỷ đồng.

Saturday. February 7th, 2015
Tiếp Tục Phát Huy Thế Mạnh Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Tiếp Tục Phát Huy Thế Mạnh Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Lâm Đồng là tỉnh đạt khá trong xây dựng NTM. Đáng lưu ý, Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về NNCNC, có thể nói là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về NNCNC hiện nay.

Saturday. February 7th, 2015
BDSTAR Mở Rộng Vùng Nguyên Liệu BDSTAR Mở Rộng Vùng Nguyên Liệu

Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, đơn vị hỗ trợ cho mượn mì giống, mượn vốn để SX; đến khi nông dân thu hoạch, Cty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý theo giá thị trường. BDSTAR cũng đã cam kết thực hiện ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Saturday. February 7th, 2015