Băn khoăn thịt gia cầm ngoại
Giá 1USD/ký
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 54 triệu USD thịt gà các loại. Trong đó, thịt gà Mỹ nhập khẩu chiếm tới 65% giá trị nhập khẩu. Và giá trung bình của gà Mỹ cũng rất rẻ so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Cụ thể, mặt hàng cánh gà đông lạnh của Mỹ chỉ có 1 USD/kg (hơn 21.000 đồng), đùi gà Mỹ cũng chỉ 0,9 USD/kg. Theo ghi nhận ở địa bàn Nam bộ, giá bán đùi, cánh gà Mỹ nhập khẩu chỉ từ 19.000 - 20.000 đồng/kg. Thịt gà đông lạnh Hàn Quốc nhập khẩu cũng có giá tương đối thấp, giá đùi gà 40.000 - 42.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg, chân gà 50.000 đồng/kg.
Câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng gia cầm, thực phẩm trong nước vẫn giữ mức giá èo uột có phải do nguyên nhân từ lượng thực phẩm nhập khẩu? Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (thuộc Bộ NN-PTNT) khẳng định, giá gia cầm như hiện nay vẫn đang cân bằng, hài hòa có lợi cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. “Sở dĩ thịt gà đông lạnh của Mỹ, Hà Lan, Brazil… xuất sang Việt Nam với giá rẻ vì ở các nước đó người ta chỉ ăn phần thịt trắng, lườn ở dưới hai bên cánh chứ không ăn các loại cổ, cánh, đùi, nội tạng gia cầm và vì được coi là phụ phẩm nên có giá bán rẻ”, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu khoảng 80.000 tấn gia cầm và trong 6 tháng đầu năm 2015 đã nhập khẩu khoảng 40.000 tấn. Thịt gà vào Việt Nam chủ yếu nhập từ Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, Hà Lan…
Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong hội nghị “Đánh giá tái cơ cấu ngành chăn nuôi” vừa được tổ chức mới đây cũng cho rằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thịt ngoại khi giá gia cầm và thực phẩm trong nước sụt giảm vì mỗi năm lượng nhập khẩu cũng không phải lớn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng đề cập đến việc gia nhập thị trường chung của tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và các nước cũng sẽ là mối lo cho ngành chăn nuôi của Việt Nam. “Trong năm 2014, Thái Lan đã xuất khẩu tới 4 tỷ USD từ thịt gia cầm (gà) và sau vài tháng nữa, khi chúng ta tham gia vào tự do hóa thương mại thì thịt gà của Thái Lan sẽ bán ngay tại Hà Nội với giá không đắt hơn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng nói.
Nghi vấn thịt cận “date”
Trở lại câu chuyện thịt gia cầm ngoại đang tràn ngập thị trường nội địa dù chưa gia nhập TPP, hiện tại vào bất cứ siêu thị nào ở Hà Nội, TPHCM cũng có thể mua được thịt gà, thịt bò nhập. Trên các trang bán hàng online, thịt gà Mỹ, gà Hàn Quốc đang được rao xả hàng…
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, sở dĩ giá thịt gà Mỹ nhập về Việt Nam rẻ hơn cả nơi xuất khẩu là do giá chăn nuôi của họ giảm vì hầu hết nguồn nguyên liệu chăn nuôi như bắp, đậu nành đều giảm rất mạnh. Nhưng việc giá gà nhập khẩu về đến Việt Nam bán ra chưa đến 1 USD/kg đùi gà cũng rất khó chấp nhận và sẽ “bóp chết” ngành chăn nuôi trong nước. Bởi dù người chăn nuôi ở Mỹ có lợi thế ở vùng nguyên liệu nhưng họ phải chi phí lớn hơn Việt Nam, chưa kể phí vận chuyển và thuế nhập khẩu. Vì vậy, không loại trừ việc nhập khẩu có gian lận thương mại, tức nhà nhập khẩu mua hàng gần hết hạn sử dụng với giá rẻ rồi thay đổi nhãn mác bán cho người tiêu dùng.
Một nguyên nhân nữa là từ cuối năm 2014 đến nay, tại Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng hàng loạt nước ngưng nhập khẩu gà Mỹ. Do bị ngưng mua hàng, các công ty Mỹ sẽ tìm cách đẩy hàng tồn kho đi với giá rất rẻ và Việt Nam là một trong những điểm đến. Phải đến đầu tháng 5-2015, Việt Nam mới tạm dừng nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Mỹ. Nhưng các lô hàng đã ký từ trước đó vẫn tiếp tục được vận chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương nói rằng, cơ quan chức năng vẫn kiểm soát được việc nhập thịt đông lạnh cận “date” về bán giá rẻ. “Các lô hàng nhập khẩu về đều được kiểm tra, kiểm soát bởi lực lượng thú y, hải quan, đặc biệt đối với những lô hàng thực phẩm đông lạnh có hạn sử dụng ngắn càng được kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Dương nói.
Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định đã kiểm soát tốt việc nhập khẩu thịt đông lạnh từ các nước, nhưng với mức giá rẻ bất ngờ cùng sự yếu kém về hàng rào kỹ thuật như hiện nay, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng kẽ hở để tuồn những lô hàng thực phẩm “bẩn” về nước tiêu thụ. Bằng chứng là lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng chân gà đông lạnh nhập từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc trên thị trường, mặc dù theo cơ quan chức năng, Việt Nam không nhập chân, cánh gà Trung Quốc qua đường chính ngạch.
Related news
Chỉ dẫn địa lý (geographical Indication- GI) trên sản phẩm sẽ chỉ rõ một sản phẩm có nguồn gốc ở một vùng hoặc một địa danh cụ thể và gắn liền với những phương thức sản xuất truyền thống có danh tiếng.
Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho các loại bắp BĐG NK603 và MON 89034 của Công ty Dekalb VN; GA21 và MIR162 của Công ty Syngenta VN. Như vậy các quy trình cấp phép đã gần như hoàn tất và những giống bắp biến đổi gien có thể đưa vào sản xuất đại trà từ năm 2015.
Nhận biết được điều này, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô về khu vực TP Buôn Ma Thuột (khu vực đóng chân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên) để tìm mua cây giống.
Theo một số doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý, trong khó khăn, rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội để nâng tầm nông sản và cả phương thức mua bán của phía Việt Nam.
Không chỉ được hưởng lợi nhờ dịch vụ đầu vào sản xuất lúa có giá ưu đãi, hằng năm các “cổ đông nông dân” còn được chia cổ tức khá cao do hoạt động kinh doanh của HTX đạt lợi nhuận tốt.