Bàn chuyện giảm giá thành nuôi tôm
Nhiều ý kiến cho rằng giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh cũng như sự bền vững của ngành tôm Việt Nam. Giảm giá thành nuôi tôm đang là vấn đề cấp bách. Song câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hiệu quả tối ưu?
Cần tôm giống tốt và thức ăn an toàn
Ngành tôm ngày càng có những đóng góp quan trọng trong xuất khẩu cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập; phát triển ồ ạt, tự phát, khó kiểm soát dẫn đến khủng hoảng thừa/thiếu nguyên liệu; nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng; giá thành sản xuất còn ở mức cao…
Nhiều chuyên gia cho rằng, có 4 yếu tố quan trọng đang tác động đến giá thành tôm nuôi của Việt Nam hiện nay, gồm: Chất lượng con giống; thức ăn nuôi tôm; thuốc thú y thủy sản - các loại chế phẩm; tâm lý và nhận thức của người nuôi.
TS. Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu Ngành hàng Empyreal, Cargill Inc, chia sẻ, chiến lược cạnh tranh ngành tôm Việt Nam hiện nay là phải nâng được tỷ lệ ao nuôi thành công và giảm giá thành sản xuất. Đây là bài toán vô cùng hóc búa vì rõ ràng không thể giảm chi phí mua tôm giống bằng cách mua giống rẻ mà đòi chất lượng cao; không thể giảm thức ăn vì tôm phải ăn để lớn; không thể giảm chi phí điện vì ôxy hòa tan là yếu tố vô cùng quan trọng cho con tôm và cho chất lượng nước ao; cũng không thể giảm chi phí nhân công nếu muốn công nhân và kỹ thuật viên có trách nhiệm và kinh nghiệm...
Nói tóm lại, để giảm chi phí, người dân cần tập trung vào việc nuôi tôm nhiều giai đoạn để tạo cỡ lớn. Còn đối với cơ quản quản lý, cần xây dựng chiến lược và chính sách để nâng tỷ lệ thành công số ao nuôi, số người nuôi bằng việc thúc đẩy các công ty sản xuất giống tốt, dẹp bỏ các trại giống kém chất lượng. Xây dựng khung luật để thúc đẩy các nhà máy sản xuất thức ăn an toàn, giảm nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt bệnh đường ruột như phân trắng và vi bào tử trùng. Một số luật định thông qua ASC hay GAP họ yêu cầu thức ăn phải <20% bột cá để đảm bảo bền vững môi trường, đồng thời giảm bột cá cũng giảm rủi ro tiềm ẩn các bệnh đường ruột do Salmonela và E.coli, bào tử ký sinh... Nhà máy thức ăn tôm cần hướng tới sản xuất thức ăn an toàn bằng cách sử dụng đạm lên men thực vật bổ sung thêm cholesterol, muối mật... Đạm lên men chứa axit hữu cơ tự nhiên, peptides chức năng, nucleotides và khoáng hữu dụng sinh học... gia tăng sức khỏe và tỷ lệ sống, sự kháng bệnh cho tôm.
"Có tôm giống tốt và thức ăn an toàn thì mới nâng được tỷ lệ thành công nghề nuôi ở tầm quốc gia; còn vấn đề giải pháp kỹ thuật thì người nuôi tôm đủ sức làm”, TS. Hòa nhấn mạnh.
Giải pháp về công nghệ
TS. Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, nói giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực là đánh giá chung, còn chúng ta phải xem xét dựa trên từng mô hình sản xuất cụ thể. Có những mô hình nuôi tôm hiện nay chi phí chỉ khoảng 50% trong cơ cấu giá thành. Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ; nguồn giống, vật tư phục vụ trong quá trình nuôi không được kiểm soát chất lượng và mua qua nhiều khâu trung gian… thì có thể chi phí giá thành cao lên. Trái lại, đa phần những mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện nay thì giá thành không thể nói cao được, ví dụ sản xuất 50.000 - 55.000 đồng/kg mà bán với giá 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu tính trên tổng thể diện tích nhỏ lẻ, một số vùng còn thiệt hại do địa phương quản lý chưa tốt, hạ tầng thiếu, nằm khu vực xa, chưa có điện hoặc sử dụng điện không phù hợp… thể dẫn đến chi phí sản xuất bị tăng lên.
“Biến đổi khí hậu khó lường, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm từ các thị trường nhập khẩu cao thì việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm là xu thế tất yếu. Khi đó sẽ giúp chúng ta nâng cao năng suất, quản lý tốt chất lượng sản phẩm, và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý để giảm chi phí vận hành. Tuy nhiên, tùy tình hình và khả năng đầu tư để có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học một cách phù hợp nhằm sản xuất hiệu quả nhất”, TS. Trần Đình Luân chia sẻ thêm.
Trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng tôm nuôi Việt Nam không ngừng tăng. Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, năm 2018 cả nước thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 736.000 ha, sản lượng đạt 762.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD.
Related news
Thiết bị máy thu hoạch ngao được ra đời từ sự sáng tạo và dày công tìm hiểu, nghiên cứu của anh Trần Ngọc Phương sau hơn 1 năm.
Chuyển đổi diện tích đất chua trũng cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc là kỹ thuật mới, tương đối phức tạp. Anh Trần Đức Thuận đã thành công và là người đầu tiên đưa kỹ thuật tiên tiến này áp dụng