Bài Toán Thức Ăn Chăn Nuôi
Trước tình trạng hầu hết nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng phi mã, các nhà khoa học đã đưa ra một số nguyên liệu như thóc, gạo, sắn… thay thế để giảm chi phí đầu vào.
Trong khi đó, để tự "cứu", một số trang trại (TT) chăn nuôi đã tự phối trộn thức ăn nhưng không hiệu quả bởi mức độ dinh dưỡng không phù hợp cho vật nuôi và một số nguyên liệu thay thế có giá cao hơn so với thức ăn của các công ty.
Muốn thay đổi nhưng khó khăn
Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, trung bình một năm cả nước sản xuất được 15,3 triệu tấn thức ăn gia súc, gia cầm (GSGC) và thủy sản. Hiện, cả nước có trên 200 doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn với 57 nhà máy nhưng DN nước ngoài chiếm thị phần tới 60-70%. Trong khi đó, các DN trong nước ngày một lép vế. Hiện, đã có 40 DN/200 DN phá sản và chỉ có 30 DN sản xuất được 200 nghìn tấn thức ăn/năm, còn lại chỉ sản xuất được 5-10 tấn/năm.
Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Lê Bá Lịch cho biết, để cứu ngành sản xuất TĂCN trong nước, các nhà khoa học đã nghiên cứu đưa vào một số nguyên liệu như thóc, gạo… để thay thế nguyên liệu nhập khẩu ngô, lúa mỳ… nhưng thực tế khi triển khai ở các TT chăn nuôi, hiệu quả không cao. Thậm chí, giá thành phẩm của một số nguyên liệu còn cao hơn so với thức ăn đậm đặc của các DN nước ngoài.
Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT), về việc một số TT chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố đã tìm cách tự phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào, do không có kinh phí đầu tư công nghệ nên đa số chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ, chế độ dinh dưỡng không cao, chỉ áp dụng cho vật nuôi gần đến kỳ xuất chuồng cần hàm lượng dinh dưỡng thấp. Riêng nuôi con giống và vật nuôi nhỏ thì không thể chỉ sử dụng thức ăn tự phối trộn bởi không đủ dinh dưỡng, vật nuôi sẽ tăng trưởng chậm.
Anh Nguyễn Văn Hải - chủ TT chăn nuôi GSGC ở xã Hữu Văn (Chương Mỹ), cho biết hiện TT nuôi khoảng 5 vạn con gà, 3.000 lợn thịt. Hơn một năm nay, giá thực phẩm xuống thấp, giá TĂCN lại tăng với tốc độ phi mã nên TT đã tìm cách mua các nguyên liệu như ngô, cám gạo, đầu cá… ở trong dân về tự trộn bằng tay.
Nhìn chung, cách này giúp giá rẻ hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với thức ăn mua của các công ty nhưng hàm lượng dinh dưỡng thấp, chỉ dùng cho nuôi lợn sắp xuất chuồng, còn lợn mới nhập đàn phải dùng cám của các công ty sản xuất TĂCN mới bảo đảm dinh dưỡng. Vì vậy, nhiều thời điểm, dù biết bị DN nước ngoài làm giá nhưng TT vẫn buộc phải mua cám của họ.
Hỗ trợ hay vẫn nhập khẩu?
Theo các chuyên gia, muốn dùng nguyên liệu trong nước làm thức ăn chăn nuôi thay vì nhập khẩu, cần tăng cường mối liên doanh, liên kết giữa nhà máy sản xuất TĂCN và người nông dân để bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Bằng cách này, DN có thể trực tiếp bán TĂCN cho nông dân mà không cần qua các khâu trung gian, như vậy giá thành sẽ giảm hơn.
Ông Lê Bá Lịch cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, Bộ NN&PTNT cũng nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng ngô để phục vụ cho ngành sản xuất TĂCN.
Cơ quan nghiên cứu của các bộ cần nghiên cứu các loại thức ăn phụ gia, vitamin để sản xuất trong nước, tiến tới không còn tình trạng mua nguyên liệu TĂCN của nước ngoài 100%. "Nếu không có những chính sách hỗ trợ các DN sản xuất thức ăn trong nước và người nông dân để họ tự chủ động nguyên liệu tại chỗ thì đến vài chục năm nữa, Việt Nam vẫn phải đi nhập khẩu TĂCN" - ông Lịch nhận định!
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, hiện các chủ TT chăn nuôi tự phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào nhưng số lượng không nhiều vì chăn nuôi trong nước đa phần nhỏ lẻ nên các hộ không có kinh phí để đầu tư máy móc, công nghệ.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ một phần vốn để mua trang thiết bị, các hộ chăn nuôi cần được tập huấn kỹ thuật để sản xuất ra thức ăn bảo đảm dinh dưỡng… Về lâu dài, việc sử dụng TĂCN của các công ty vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các DN trong nước về vốn để duy trì sản xuất.
Related news
Các nhà sản xuất đang quan tâm tới việc đảm bảo thực phẩm họ sử dụng được thu mua đúng đắn với các tiêu chí như thực phẩm có xuất xứ tại địa phương, có thể truy xuất được và bền vững. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất đồng trong việc xác định thế nào là thu mua “đúng đắn”.
Từ một chương trình chứng nhận “non trẻ”, nhãn sinh thái của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đang phát triển nhanh chóng và tăng trường đều đặn. Thông tin này được Tổng Giám đốc Điều hành của ASC, Chris Ninnes công bố tại buổi cập nhật thường niên tại Hội chợ Thủy sản Toàn cầu 2014 tại Brussels, Bỉ.
Việc suy giảm nguồn lợi là do hoạt động giám sát nghề cá lỏng lẻo. Loài cá chình Nhật Bản hiện đang nằm trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Hội đồng Quản lý Biển (MSC) hiện đang tiến hành nốt các công việc xem xét lại các tiêu chuẩn thủy sản của mình trong 2 tháng cuối cùng của quy trình đánh giá 2 năm một lần.
Các nhà nghiên cứu Thái Lan mới phát triển một phương pháp mới nhằm phát hiện vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hay còn gọi là hội chứng chết sớm (EMS).