Bái phục lão nông làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát, thu 3 tỷ đồng/năm
Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) đã gây dựng thành công trang trại quy mô trên vùng cát ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TT-Huế), cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.
Ông Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà
Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thuận dựa vào sản xuất lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Luôn trăn trở để tìm hướng phát triển sản xuất nhằm làm giàu cho gia đình và đóng góp xã hội, cuối năm 2006 ông cùng vợ làm đơn, phác thảo dự án rồi xin huyện cấp đất xây dựng trang trại ở xã Quảng Vinh.
Vùng đất nơi gia đình ông đến lập nghiệp thời gian đó chỉ toàn sỏi và cát, nắng nóng khắc nghiệt. Để bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu, ông dùng số vốn eo hẹp đầu tư nuôi khoảng vài trăm con gà, mấy con heo và trồng thêm nấm rơm.
“Cuối năm 2006 tôi chuyển vào Rú Cát xây chòi để ở và chăn nuôi. Lúc ấy có đồng nào tôi đầu tư đồng đó, nuôi khoảng 500 con gà, vài con heo. Thời điểm đó tôi cũng chưa có nhiều kiến thức cần thiết về sản xuất theo hướng trang trại nên việc phát triển mô hình gặp khó khăn. Ngoài ra do cây trồng và vật nuôi không chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt nên bị thua lỗ nặng”, ông Thuận tâm sự.
Sau thất bại đó, ông được đi tập huấn và tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu những mô hình trang trại hiệu quả. Trở về nhà, ông bắt tay cải tạo môi trường vùng cát bằng việc trồng cây xanh, phát triển trang trại theo hướng đa ngành nghề, phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.
Năm 2012 trang trại của ông đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Thuận đã chủ động liên kết với Cty CP Greenfeed nuôi lợn theo công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Ngoài nuôi gà, heo ông còn nuôi 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm.
Theo ông Thuận, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học. Nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đên khâu chăm sóc. Đặc biệt, chủ động ổn định nhiệt độ trong khu chuồng trại để tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.
Lão nông chia sẻ: “So với mặt bằng chung trong nông nghiệp thì chăn nuôi mang lại nguồn kinh tế cao, doanh thu trung bình năm trên 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tính ra mỗi năm có lãi khoảng 1 tỷ. Làm trang trại phải có đam mê, năng động, chịu khó thì thành công sẽ đến, khi thấy lỗ đừng nản mà phải chủ động tìm giải pháp”.
Hơn 10 năm lao động vất vả trên vùng đất cát khô nóng, ông Thuận đã miệt mài không ngừng để có được trang trại quy mô, hiện đại như hiện nay. Nhờ trang trại mà 5 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang và tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trang trại của ông hằng năm còn nhận sinh viên vào thực tập, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, chế độ ăn uống của gà, heo...
Vừa qua, ông Nguyễn Thuận được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc và tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, ông Thuận dự tính sẽ trồng thêm cây lưu niên để tăng thu nhập.
Related news
Với giá bán 1,4 triệu đồng/kg thương phẩm, 10 triệu đồng/cặp giống, trại nuôi chồn hương hơn 100 con của anh Phan Thanh Long cho thu lãi đều đặn 300 triệu đồng
Có những người táo bạo bỏ hàng chục tỷ đầu tư trồng gấc, sachi, cà gai leo. Trường hợp của anh Trần Sỹ Út ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn là ví dụ điển hình.
Mạnh dạn đầu tư trang thiết bị cũng như sáng tạo, áp dụng kỹ thuật mới trong chăm sóc chim bồ câu, gia đình chị Nguyễn Thị Phú ở thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện