Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bắc Ninh phát triển chăn nuôi hàng hóa

Bắc Ninh phát triển chăn nuôi hàng hóa
Author: Trần Hồ - Dương Trường
Publish date: Monday. January 16th, 2017

Tập trung thành từng vùng, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đang là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Bắc Ninh.

Trong ảnh: Gia đình ông Minh thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm từ nuôi lợn công nghệ cao

Nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn lãi thu tiền tỷ từ chăn nuôi.

Hướng đi đúng đắn

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Ninh, năm 2016 tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh đạt 93.722,5 tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi theo giá so sánh 2010 ước đạt 3.439 tỷ đồng. Kết quả chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng hơn so với năm 2015, cụ thể đàn trâu bò 35.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.473 tấn; đàn lợn 418.278 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 74.023 tấn; đàn gia cầm 4,79 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 17.226,5 tấn; sản lượng trứng gia cầm 212 triệu quả.

Một thành công lớn khác mà tỉnh đạt được là vấn đề dịch bệnh. Nhờ chính sách hỗ trợ vắc-xin, thực hiện chương trình tiêm phòng, giám sát rất tốt nên đàn vật nuôi không xảy ra dịch lớn, nếu có thì nhỏ lẻ, không đáng kể.

Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng các loại vật tư phục vụ sản xuất, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống vật nuôi, thức ăn, các chất cấm và kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi, xử nghiêm những trường hợp vi phạm.

Kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các cơ sở chăn nuôi triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, các đề án, dự án về chăn nuôi, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến. Tiếp tục đôn đốc thành phố, các huyện, thị xã triển khai, thực hiên đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Ninh chia sẻ: “Ngành chăn nuôi của tỉnh đang phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ mà nhiều nông hộ, trang trại đi đầu đã thành công. Người dân đã nhìn thấy hiệu quả của kinh tế trang trại và làm theo”.

Giàu lên

Để “mắt thấy tai nghe” trước những đột phá, bước tiến trong chăn nuôi ở Bắc Ninh, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du).

Chị Thu có kinh nghiệm 20 năm trong nghề nuôi bò sữa. Được kế thừa kinh nghiệm, cơ ngơi của nhà chồng để lại, anh chị phất lên như diều gặp gió. Trang trại nhà chị Thu có diện tích 9.360m2, với 5.400m2 trồng cỏ thức ăn cho 12 con bò sữa (8 con đang cho sữa và 4 con bê). Hàng ngày gia đình chị cung cấp cho thị trường 1,5 tạ sữa.

Mô hình nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Thu

Chị Thu chia sẻ: “Tôi thấy nuôi bò sữa cho thu nhập rất đều. Có tháng giá sữa cao, gia đình chúng tôi có thể thu tới 30 - 40 triệu đồng tiền lãi, còn trung bình cũng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Nuôi bò sữa rất nhàn, vừa chơi vừa làm một người cũng có thể chăm được chục con bò”.

Theo chị Thu, chăn nuôi bò sữa không phải đầu tư nhiều, lại cho thu nhập đều, dễ chăm sóc. Thức ăn thì đơn giản chủ yếu là cỏ, có bổ sung thêm ngô và tinh bột. Thị trường thì ổn định, nhu cầu về sữa lớn.

Rời trang trại bò sữa của chị Thu, chúng tôi đến trang trại lợn của ông Lê Đắc Minh cũng ở trên địa bàn. Chúng tôi đến đúng lúc, ông Minh đang tất bật chăm sóc đàn lợn. Ông Minh đang nuôi 150 con lợn thịt, trong đó 10 con lợn nái. Trang trại có diện tích 1.900m2 với tổng chi phí đầu tư khoảng 700 triệu đồng áp dụng sản xuất công nghệ cao. Theo ông, làm theo hướng này chi phí cao nhưng xoay vòng vốn nhanh, qua 2 năm ông đã đã kiếm gần lại được tiền đầu tư rồi.

Trang trại của ông Minh xuất chuồng 2 lứa/năm, với sản lượng thịt hơi lên tới 10 tấn. Năm trước trừ mọi chi phí ông thu về trên 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Trượng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh đánh giá: “Những năm qua, nhờ có những chủ trương và định hướng phát triển chăn nuôi đúng, các chích sách hỗ trợ được ban hành kịp thời. Công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện tốt nên sản xuất chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động ở các vùng nông thôn, với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Nhiều trang trại chăn nuôi doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm và không ít hộ đã làm giàu”. 


Related news

Cảnh báo tình trạng phát triển “nóng” đàn lợn Cảnh báo tình trạng phát triển “nóng” đàn lợn

Cảnh báo về tình hình phát triển “nóng” đầu lợn cả nước khiến giá xuống quá thấp thời gian qua; đồng thời tăng thực hiện chuỗi liên kết

Saturday. January 14th, 2017
Sản xuất phân lân vi sinh từ vỏ cà phê Sản xuất phân lân vi sinh từ vỏ cà phê

Với điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển cây công nghiệp, huyện Hướng Hóa đã phát triển cây cà phê thành cây chủ lực của huyện.

Saturday. January 14th, 2017
Hoa Lily khoe sắc ở vùng Bắc Hướng Hóa Hoa Lily khoe sắc ở vùng Bắc Hướng Hóa

Mô hình trồng thử nghiệm hoa Lily thương phẩm. Hoa Lily được trồng trong nhà màng có diện tích 100 m2 và được cán bộ chuyên môn theo dõi, chăm sóc cẩn thận

Saturday. January 14th, 2017