Bắc Ninh Khống Chế Hiện Tượng Vàng Lá Lúa
Hiện tượng vàng lá lúa thường xuất hiện vào vụ mùa ngay từ giai đoạn mạ, tiếp tục phát triển ở giai đoạn sau cấy 20 ngày cho đến khi thu hoạch và gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến năng suất lúa. Hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến trên địa bàn, song đến nay vẫn không có thuốc trị đặc hiệu.
Góp phần giúp nông dân hạn chế thiệt hại, được sự giúp đỡ của Sở KH và CN, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá đã triển khai đề tài “nghiên cứu nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá lúa” tại tỉnh Bắc Ninh.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng vàng lá lúa là do cây bị thiếu hụt Mg. Sự thiếu hụt này có thể do nhiều nguyên nhân như: Hàm lượng Mg trao đổi trong đất thấp, do đối kháng giữa K và Mg, giữa Ca và Mg. Sự thiếu hụt này dẫn đến làm giảm khả năng ôxy hoá của hệ rễ, hậu quả là làm tăng nồng độ chất khử, đặc biệt là Fe ở dạng khử xung quanh rễ, làm cây lúa bị ngộ độc Fe.
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm thổ nhưỡng của các vùng canh tác tại các địa phương trong tỉnh, tác giả đưa ra những biện pháp khống chế hiện tượng vàng lá lúa.
Khuyến cáo các địa phương căn cứ vào một số chỉ tiêu hoá học trong đất của các vùng có nguy cơ bị vàng lá lúa để xác định rõ hiện trạng một số nguyên tố như: Hàm lượng Mg trao đổi, Ca trao đổi, K hữu cơ trực tiếp và Fe trao đổi, đặc biệt là Fe ở dạng khử (Fe2+) để có định hướng về chủng loại, mức độ và phương pháp bón các loại phân sao cho không xảy ra hiện tượng thiếu Mg trong cả trường hợp thiếu tuyệt đối và thiếu tương đối do bị các dinh dưỡng khác cạnh tranh.
Trong trường hợp thiếu Mg đơn thuần không có sự ảnh hưởng của các nguyên tố dinh dưỡng như: K, Ca và Fe, có thể bón 20- 30 kg MgO vào thời kỳ bón lót hoặc bón thúc giai đoạn I, nếu thiếu quá nhiều có thể bón cả 2 lần. Cũng có thể dùng 60- 90 kg/ha Tecmo photphat (phân lân Văn Điển) bón lót, kết hợp với bón 20-30 kg MgO ở giai đoạn bón thúc I. Hoặc bón kết hợp giữa Tecmo photphat với supe lân Lâm Thao theo tỷ lệ 1:1.
Đối với trường hợp thiếu Mg có sự đối kháng của K hữu cơ trực tiếp trong đất, cần giảm lượng bón K ở thời kỳ đầu, tùy theo mức độ có thể giảm hẳn hoặc chỉ bón vào thời kỳ lúa đã có đòng và cũng không cần bón nhiều. Trường hợp có đối kháng Ca không nên dùng supe lân mà thay thế hoàn toàn bằng phân lân Văn Điển.
Không nên dùng NPK vì rất khó xác định bản chất của loại phân này, dễ sinh tác động phụ gây tác hại trở lại. Trong trường hợp có tác động của Fe ở dạng khử (hàm lượng lớn), cần bón tăng cường P ở dạng Tecmo và Mg, kết hợp giữa bón lót và bón thúc lần I sẽ hạn chế sự ảnh hưởng gây ngộ độc rễ lúa của Fe. ở những vùng thường xuyên xảy ra hiện tượng vàng lá lúa không nên sử dụng những giống lúa mẫn cảm như tẻ thơm và các giống có cấu hình tương tự.
Tuy nhiên cũng theo khuyến cáo của tác giả, những biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá lúa trên đây mới dựa trên kết quả nghiên cứu trong 2 năm 2005, 2006 nên có thể chưa thật đầy đủ. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục triển khai nghiên cứu và xây dựng thêm một số mô hình để hoàn thiện quy trình khống chế hiện tượng vàng lá lúa trên địa bàn tỉnh.
Related news
Nhiễm lúa cỏ hiện nay rất phổ biến, đây là nguyên nhân làm cho ruộng lúa không bằng phẳng, có nhiều tầng và năng suất giảm đáng kể so với ruộng không bị nhiễm
Với tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7- 10%, cục bộ 20 - 30%. Nhóm giống bị bệnh rơi vào trà xuân sớm và xuân trung, bao gồm: IR1820, XT28, Xi23, NX30
Cày ải sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, thời gian cách ly giữa 2 vụ từ 3 - 4 tuần để cho đất phục hồi, giảm ngộ độc hữu cơ.
Lúa cỏ là một loại dịch hại nguy hiểm, làm thất thu năng suất, lây lan rất nhanh và rất khó phòng trừ vì lúa cỏ cũng có đặc tính giống lúa trồng.