Bắc Mê phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi
Toàn huyện hiện có 164 CTTL được đầu tư xây dựng kiên cố, tổng chiều dài các tuyến kênh mương là trên 88km; trong đó, gần 90% tuyến kênh mương kiên cố đang hoạt động tốt, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khoảng trên 2.765 ha diện tích đất canh tác cả 2 vụ sản xuất; hơn 10% tuyến kênh mương còn lại được xây dựng và đưa vào sử dụng trong nhiều năm nên đã xuống cấp và hư hỏng.
Thực hiện tiêu chí về thủy lợi trong xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, UBND huyện Bắc Mê đã hỗ trợ xi - măng và một phần kinh phí thực hiện, chỉ đạo tuyên tuyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, vật liệu... nạo vét, sửa chữa xong 10 công trình chống hạn và các tuyến kênh mương xuống cấp, đảm bảo phục vụ cho công tác tưới tiêu.
Có dịp thăm cánh đồng dưa thôn Nà Vuồng (xã Yên Phong) đang vào mùa thu hoạch, thành quả hôm nay ngoài sự cần cù, chịu khó của người nông dân là sự góp sức từ công trình kênh mương dẫn nước. Ông Hoàng Văn Pía, Trưởng thôn Nà Vuồng chia sẻ: “Có kênh mương dẫn nước, chủ động tưới tiêu, cánh đồng thôn Nà Vuồng mấy năm nay đã chuyển đổi được mùa vụ, tăng hệ số sử dụng đất, cây lúa, cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất.
Việc nạo vét, sửa chữa và bảo vệ tuyến kênh mương này được bà con rất nhiệt tình tham gia, người dân xây cả bể chứa nước trên cánh đồng để dự trữ nước, vào thời kỳ cây trồng sinh trưởng cần nước hay mùa khô hạn thì tuyến kênh này thực sự phát huy hiệu quả”.
Các CTTL trên địa bàn huyện đều được các HTX hay Tổ thủy lợi quản lý và khai thác, mặc dù còn gặp nhiều hạn chế về năng lực quản lý và kỹ thuật chuyên môn do chưa được đào tạo sâu; tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao, các CTTL được các HTX, Tổ thủy lợi vận hành và sử dụng hiệu quả, chủ động và tiết kiệm tối đa nguồn nước phục vụ tưới tiêu.
Bên cạnh những CTTL kiên cố hóa phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất tập trung ở những “vựa lúa” của huyện, hay những xã điểm NTM... tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các cánh đồng mẫu lớn, thì trên địa bàn huyện Bắc Mê vẫn còn phần lớn diện tích đất khai hoang nằm trên các sườn núi, nơi không có nguồn nước... đang thiếu các CTTL hoặc phải sử dụng các tuyến kênh đất do người dân tự làm, không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Vì vậy, nhu cầu về bố trí nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện vẫn còn rất lớn.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Đặng Văn Thủy cho biết: “Bắc Mê chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp, nhưng địa bàn bị chia cắt mạnh, diện tích đất canh tác không tập trung, nhiều diện tích đất sản xuất không chủ động về nước đã phải chuyển qua trồng các loại cây trồng khác năng suất cao hơn; vì vậy, việc chủ động đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng luôn là việc làm cấp thiết và được huyện rất quan tâm.
Nhu cầu về các CTTL phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện còn lớn, trong khi chờ đầu tư, xây dựng, huyện tiếp tục huy động sức dân, trích nguồn kinh phí hỗ trợ người dân tu sửa, nạo vét, bảo dưỡng các CTTL, tập huấn công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước cộng đồng cho người dân; phát huy tối đa hiệu quả các CTTL để chống hạn, đảm bảo năng suất cho cây trồng”.
Mùa này, khi những cơn mưa trở nên khan hiếm, lượng nước đầu nguồn giảm sút, việc chống hạn cho cây trồng gặp nhiều khó khăn nên vai trò của các tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng càng vô cùng quan trọng. Với cách làm hiệu quả trong công tác quản lý và khai thác công trình sau đầu tư, các công trình thủy lợi ở Bắc Mê đang góp phần mang về cho người dân những mùa vàng no ấm.
Related news
Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất phổ biến, tại Việt Nam từ năm 2018 các địa phương giáp biển đều áp dụng
Đây là mô hình có tiềm năng phát triển theo hướng bền vững, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Giống chanh tứ thời đang được trồng nhiều ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bởi đây là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao 100 - 130 triệu đồng/ha
Cùng với cây cam sành, cây chanh tứ mùa giúp nhiều hộ nông dân ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) “hái ra tiền”.
Với nguồn thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm từ sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp, ông Đạo Thanh Thích được tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc