Bắc Mê (Hà Giang) đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản
Hiện nay, diện tích NTTS của huyện Bắc Mê có trên 150 ha và đang không ngừng tăng về diện tích mặt nước ao, đầm; sản lượng cá bình quân mỗi năm ước đạt trên 130 tấn, góp phần không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản của huyện.
Nhận thấy những tiềm năng về NTTS, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã thực hiện quy hoạch và phát triển vùng NTTS phù hợp với điều kiện của từng vùng; trong đó, tập trung vào các xã có diện tích mặt nước lớn như: Thượng Tân, Minh Ngọc, Lạc Nông, Yên Phong, thị trấn Yên Phú.
Cùng với việc quy hoạch vùng NTTS, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy sản, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động NTTS, thực hiện các mô hình khuyến ngư, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; thông tin tuyên truyền, quản lý nguồn giống, mở rộng diện tích nuôi trồng các giống mới có năng suất, giá trị cao kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thượng Tân là xã chịu ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài của khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Hiện nay, toàn xã có trên 29 ha diện tích mặt nước hiện đang tiến hành NTTS. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, chú trọng đến việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô NTTS; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện có liên quan đến việc phát triển, NTTS; chú trọng tập huấn kiến thức NTTS để giúp người dân trên địa bàn xã tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển NTTS theo hướng bền vững và có hiệu quả.
Có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt và nuôi thả cá, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Bách Sơn, xã Thượng Tân từ nhiều năm nay đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, và coi đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình.
Anh Toàn cho biết: Từ kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy nhiều năm nay, anh thả xen canh nhiều loại cá như: chép, trắm cỏ, bỗng, lăng, nheo... cùng với việc tận dụng các loại thức ăn trong tự nhiên như: cỏ voi, lá chuối, lá sắn; đánh các loại cá nhỏ trong lòng hồ để tiết kiệm chi phí về thức ăn chăn nuôi. Hàng năm gia đình anh thu hoạch 2 lứa cá, đạt năng suất 5 – 6 tạ/lứa; trừ đi chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, tại nhiều xã trên địa bàn huyện, người dân còn tích cực tận dụng những diện tích ao của gia đình để nuôi những loại cá bản địa có giá trị kinh tế cao. Ở các thôn Nà Pồng (xã Giáp Trung), Bản Nghè (xã Yên Cường) đã hình thành những nhóm chăn nuôi cùng sở thích, trong đó tập trung vào việc nuôi trồng và nhân giống loài cá bỗng sông Gâm.
Gia đình chị Bồn Thị Sàng, thôn Nà Pồng cho biết: Hiện nay giá cá bỗng loại từ 2 – 3kg là 180 nghìn đồng/1kg; vì thế nhu cầu con giống để chăn nuôi là rất lớn, nhưng nguồn cung ứng giống lại rất khan hiếm. Hiện nay, cá bỗng trong ao đã sinh sản tự nhiên, tuy nhiên gia đình vẫn chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo để nhân rộng việc ươm giống loài cá này.
Có thể thấy được rõ ràng tiềm năng và hiệu quả kinh tế của việc NTTS trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên việc phát triển của ngành NTTS trong thời gian qua vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.
Tập quán NTTS của người dân còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ươm nuôi giống, phát triển nuôi thâm canh, nghiên cứu khoa học, dịch vụ phục vụ phát triển thủy sản còn yếu và thiếu đồng bộ.
Vì vậy, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn cần có những biện pháp thiết thực để có thể đưa ngành NTTS trên địa bàn huyện trở thành một trong những ngành mũi nhọn trong việc phát triển KT – XH trên địa bàn.
Related news
Nếu không có hóa chất xử lý, người dân tự ý xả nước thải hồ tôm chết ra môi trường tự nhiên thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất lớn.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có thêm nguồn thu nhập khá từ nuôi cá bống tượng. Ðây là thế mạnh trong sản xuất đa cây, con, giúp người dân đa dạng hoá nguồn thu trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, sản xuất khó khăn như hiện nay.
Hiện nay, diện tích thả nuôi cá sặc rằn trong toàn huyện hiện có trên 200ha thả nuôi, tăng 60ha so với năm 2015.