Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Giang Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản

Bắc Giang Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản
Publish date: Thursday. October 31st, 2013

Diện tích nuôi thả, năng suất và sản lượng tăng đáng kể, vượt các mục tiêu đề ra là kết quả nổi bật trong sản xuất thuỷ sản những năm gần đây. Nhờ đó, Bắc Giang trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc trong lĩnh vực này.

Biến khó khăn thành lợi thế

Tỉnh Bắc Giang được bao bọc bởi ba con sông gồm: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và một số sông suối nhỏ khác. Đặc điểm địa hình đó làm cho đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều vùng trũng. Diện tích này trước đây nông dân thường bỏ hoang hoặc cấy một vụ lúa/năm nhưng năng suất thấp vì hay bị ngập úng, những năm mưa bão nhiều có thể mất trắng. Thế nhưng, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những diện tích khó canh tác đó lại trở thành lợi thế trong nuôi trồng thuỷ sản.

Với sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của chính quyền, ngành chức năng, phần lớn đất vùng trũng hoang hoá, cấy lúa một vụ không ăn chắc đã được chuyển đổi sang nuôi thả cá chuyên canh hoặc mô hình lúa-cá kết hợp (một vụ lúa, một vụ cá) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Triển khai cách đây hơn chục năm, đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 4,5 nghìn ha đất vùng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi thả cá, tập trung ở các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hoà và TP Bắc Giang.

Xã Nghĩa Trung (Việt Yên) là một trong những địa phương điển hình trong phát triển thuỷ sản. Diện tích nuôi thả cá ở đây phần lớn được hình thành từ khu vực đồng trũng do ngòi Cầu Sim và ngòi Cầu Quận chảy qua địa bàn. Theo ông Nguyễn Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã, cách đây khoảng chục năm, phong trào chuyển dịch đất vùng trũng sang nuôi thả cá ở địa phương phát triển mạnh, tỉnh lại hỗ trợ xây dựng dự án thuỷ sản tập trung quy mô lớn nên những khu vực cấy lúa một vụ trước đây đều được chuyển đổi sang nuôi thả cá với tổng diện tích 126 ha.

Nghĩa Trung đã hình thành những vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại thôn Tĩnh Lộc (30 ha), Nghĩa Hạ (25 ha), Nghĩa Xuân (15 ha)... Nhờ tích cực đầu tư thâm canh, gối vụ nên năng suất thủy sản của xã trung bình đạt khoảng 8 tấn/ha/năm (cá biệt có hộ đạt năng suất 13-14 tấn/ha/năm), sản lượng hàng năm đạt hơn 1 nghìn tấn cá các loại.

Không chỉ khai thác hiệu quả đất vùng trũng, diện tích mặt nước ao hồ tự nhiên cũng từng bước được đưa vào nuôi thả cá hoặc con đặc sản. Nhiều công trình thuỷ lợi trước đây chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp nay đã kết hợp thêm nuôi thả cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt hơn 12 nghìn ha, tăng hơn 170 ha so với cách đây 5 năm.

"Cú hích" từ cơ chế chính sách

Nhận thức rõ thế mạnh của sản xuất thuỷ sản so với các ngành sản xuất khác trong nông nghiệp, những năm qua, chính quyền các cấp đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích lĩnh vực này phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020.

Từ các nguồn vốn này, tỉnh Bắc Giang được đầu tư dự án cơ sở hạ tầng tại xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng với tổng kinh phí thực hiện 35,5 tỷ đồng và dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng Trung tâm giống thuỷ sản cấp I, kinh phí 39 tỷ đồng từ các nguồn vốn này. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều chương trình, đề án "kích cầu" sản xuất như đề án "Nâng cao chất lượng giống thủy sản giai đoạn 2012-2015”, đề án "Phát triển trang trại nuôi thủy sản thâm canh cao giai đoạn 2011-2015”.

Theo đó, hai năm qua, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các đề án này, giúp người nuôi thả cá thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng những mô hình điểm từ đó nhân ra diện rộng. Ông Thân Văn Chuyển, thôn Thanh Mai, xã Đa Mai (TP Bắc Giang) cho biết: "Tôi bắt đầu nuôi cá cách đây khoảng 15 năm nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Nhờ được tham gia các chương trình dự án hỗ trợ phát triển thuỷ sản của tỉnh, TP nên tôi đã biết xác định mật độ nuôi hợp lý, phòng trừ các bệnh thường gặp, do đó năng suất từ 6-7 tấn/ha/năm, nay đã đạt hơn 10 tấn/ha/năm, lợi nhuận cũng tăng đáng kể".

Nhiều huyện, TP cũng có sự hỗ trợ sản xuất thuỷ sản kịp thời cho nông dân. Đơn cử như TP Bắc Giang, huyện Tân Yên hỗ trợ nuôi cá chép V1; huyện Yên Dũng xây dựng mô hình nuôi thâm canh rô phi đơn tính, mô hình lúa-cá; huyện Lục Nam hỗ trợ chuyển đổi ruộng trũng với mức kinh phí 15 triệu đồng/ha…

Đi đôi với các cơ chế chính sách trên, công tác khoa học công nghệ, khuyến ngư cũng được đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Đề tài khoa học cấp tỉnh do Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ nhiệm: "Nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh liên cầu khuẩn ở cá rô phi đơn tính trên địa bàn tỉnh” được thực hiện với các nội dung đã tiến hành như xây dựng thuyết minh, điều tra, lấy mẫu môi trường nước ao và mẫu cá rô phi ở ao nuôi có cá bị bệnh và ao khác làm đối chứng, xây dựng mô hình phòng trị bệnh...

Kết quả đã xây dựng được phác đồ điều trị và các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, được ứng dụng rộng rãi trong quá trình nuôi thả loài cá này. Ba năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai hàng chục mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, trắm đen, chép lai V1, chim trắng theo hướng VietGAHP từ nguồn kinh phí của T.Ư và của tỉnh.

Nhìn chung, các mô hình đều được triển khai tốt, bước đầu đem lại hiệu quả cho người nuôi, giúp nông dân học tập và làm theo kỹ thuật sản xuất mới hạn chế dịch bệnh. Từ năm 2011 đến nay, ngành chức năng còn tổ chức tập huấn 65 lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản và tuyên truyền Luật Thuỷ sản, các văn bản có liên quan theo các chương trình của Bộ, Khuyến ngư T.Ư, các huyện, TP, xã, các tổ chức đoàn thể... với hơn 3,2 nghìn lượt người tham gia.

Vị thế mới

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của chính quyền, ngành chức năng, người dân cũng nhanh nhạy nắm bắt thị trường, đầu tư khai thác hiệu quả diện tích mặt nước. Gia đình anh Nguyễn Văn Sáng, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) nhận đấu thầu hồ 40 của xã với diện tích mặt nước 25 ha. Mấy năm gần đây, cùng với các loài cá truyền thống, anh còn đưa vào nuôi thả khoảng 30 vạn con cá diêu hồng/năm. Với sản lượng trên dưới 200 tấn (chưa kể khoảng 50 tấn cá truyền thống), giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg, hàng năm anh Sáng thu lãi cả tỷ đồng.

Các yếu tố thuận lợi khác như thời tiết, giá bán thuỷ sản khá ổn định, thị trường tiêu thụ mở rộng, dịch bệnh hầu như không xảy ra nên sản xuất thuỷ sản những năm gần đây có bước phát triển mạnh. Tính đến hết tháng 9 năm nay, diện tích nuôi cá thâm canh ước đạt hơn 1 nghìn ha, diện tích nuôi bán thâm canh ước đạt hơn 2,1 nghìn ha, tăng đáng kể so với năm 2009 và đạt tương ứng 89,2% và 92,6% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra tới năm 2015.

Sản lượng thuỷ sản năm 2012 ước đạt gần 27,2 nghìn tấn, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến năm 2015, trong đó sản lượng cá nuôi 25,5 nghìn tấn, sản lượng cá khai thác tự nhiên gần 1,7 nghìn tấn. 9 tháng năm nay, sản lượng thuỷ sản đạt hơn 22,1 nghìn tấn, bằng 76,3% kế hoạch năm và tăng 6 % so với cùng kỳ. Tại hội nghị giao ban tình hình nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc năm qua, Tổng cục Thuỷ sản đánh giá tỉnh Bắc Giang đứng thứ nhất trong 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về sản lượng và diện tích nuôi trồng thủy sản (trước đây Bắc Giang thường đứng ở vị trí thứ 4-5 trong khu vực).

Kết quả và sự ghi nhận đó tạo động lực mạnh mẽ cho ngành chức năng, chính quyền địa phương và người sản xuất tích cực đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa của thủy sản.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và PTNT trên cùng một diện tích đất vùng trũng nếu nuôi thả cá hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn 4-5 lần so với cấy lúa một vụ. Ngoài ra còn có thể kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả đối với những khu vực nuôi thả cá có bờ bao lớn, chắc chắn.


Related news

Hậu họa từ tồn dư carbendazim trong hồ tiêu Hậu họa từ tồn dư carbendazim trong hồ tiêu

Hiện thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chủ yếu là Mỹ, EU - những thị trường khó tính. Vì vậy, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) luôn khuyến cáo, cảnh báo người trồng tiêu, tiểu thương và doanh nghiệp (DN) phải sản xuất, thu mua, bảo quản, xuất khẩu hồ tiêu theo chuỗi giá trị bền vững để giữ uy tín với bạn hàng.

Friday. May 8th, 2015
Đắc Lắc có hơn 100 ha mắc ca nhưng không hiệu quả Đắc Lắc có hơn 100 ha mắc ca nhưng không hiệu quả

Nhiều vườn mắc ca ở tỉnh Đắc Lắc trồng cách đây cả chục năm nhưng không mang lại hiệu quả. Từ thực tế nhiều vườn mắc ca trong tỉnh, trồng cách đây cả chục năm nhưng không mang lại hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Lắc đã yêu cầu các huyện trong tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế trồng loại cây này.

Friday. May 8th, 2015
Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học

Lâu nay, chúng ta thường nghe thuật ngữ “trái cây sạch”, “rau sạch”… nhưng gần đây ở Thành Phố Hồ Chí Minh ta đã và đang xuất hiện thêm mô hình “chăn nuôi heo sạch” còn gọi là chăn nuôi 4 không trên nền đệm lót sinh học.

Friday. May 8th, 2015
Triển vọng mô hình nuôi dê Triển vọng mô hình nuôi dê

Hiện tại, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có 5 hộ dân ở xã Vị Đông và Vĩnh Tường đang thực hiện mô hình nuôi dê, với số lượng 44 con. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với mỗi con dê trưởng thành có giá hơn 3 triệu đồng, quy mô nuôi 4 dê cái và 1 con dê đực là gần 20 triệu đồng.

Friday. May 8th, 2015
Hướng chuyển dịch kinh tế hộ và trang trại Hướng chuyển dịch kinh tế hộ và trang trại

Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 mà Bộ NN&PTNT đã phê duyệt, trang trại là một hướng phát triển được quan tâm để đảm bảo cho sản xuất, chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Friday. May 8th, 2015