Bắc Giang gỡ khó để nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ
Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ
Nhằm phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy những lợi thế của địa phương, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, ngày 22/11/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025”.
Xác định nguồn vốn là nhân tố quan trọng quyết định đến sự phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Bắc Giang đã phân bổ gần 12 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 70% chi phí mua phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học; phân bón qua lá. Riêng với cây cam, bưởi, hỗ trợ 70% chi phí mua túi bao quả ngoài các nội dung hỗ trợ chung. Đối với mô hình chăn nuôi hữu cơ, tỉnh thực hiện hỗ trợ 40% chi phí mua con giống, 30% chi phí mua thức ăn, vắc-xin phòng bệnh, thuốc thú y, chất sát trùng cho mô hình lợn thịt, gà thịt.
Ngay sau khi Đề án được triển khai, một số địa phương đã dần chuyển đổi và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình cam, bưởi hữu cơ quy mô 1ha tại huyện Lục Ngạn; mô hình sản xuất rau hữu cơ quy mô 1ha tại huyện Việt Yên; mô hình sản xuất chè hữu cơ với quy mô 1ha tại huyện Yên Thế; mô hình lợn thịt hữu cơ có quy mô tối thiểu 300 con tại các huyện Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng; mô hình gà thịt hữu cơ quy mô tối thiểu 3.000 con/2 lứa/năm tại huyện Yên Thế.
Đến năm 2021, Bắc Giang có 1ha rau được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017; 2 mô hình chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ, trong đó có 1 mô hình gà với quy mô 3.000 con/2 lứa/năm, 1 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 300 con. Năm 2022, có 2 tổ chức sản xuất đang xin cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là HTX cây ăn quả Lục Ngạn chứng nhận bưởi hữu cơ quy mô 1ha; HTX Thân Trường chứng nhận chè hữu cơ quy mô 1ha tại huyện Yên Thế.
Theo chị Hoàng Thị Thắng (bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế), thành viên HTX Thân Trường, để canh tác hữu cơ, yếu tố cốt lõi là phải thực sự kiên trì vì cần có thời gian cải tạo lại đất, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất… Do vậy, trong 1 - 2 năm đầu, năng suất chè có thể giảm 20 - 30%. Tuy nhiên, từ các năm tiếp, khi đất được bổ sung đủ chất dịnh dưỡng, sẽ trở nên tơi xốp, nhiều mùn, cải thiện hệ vi sinh vật trong đất, giúp bộ rễ của cây phát triển khỏe mạnh, khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn… Nhờ đó, năng suất chè được phục hồi, những diện tích canh tác tốt năng suất có thể tăng thêm khoảng 10%, phiến lá chè dày hơn, búp chè mập và non lâu, khi chế biến có độ dính cao, chu kỳ khai thác của cây được kéo dài hơn…
Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020- 2025”, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mô hình chăn nuôi lợn được cấp Giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ; một số mô hình rau, bưởi đang trong giai đoạn hỗ trợ triển khai.
Cần chính sách đặc thù
Hiện nay, Bắc Giang có các vùng sản xuất rau, quả tập trung quy mô lớn; quy mô đàn lợn, đàn gà luôn trong nhóm các tỉnh có sản lượng lớn nhất nước. Người sản xuất có nhiều kinh nghiệm, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi. Đây là điều kiện rất quan trọng để phát triển các sản phẩm nông sản cao cấp, trong đó có nông sản hữu cơ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ở Bắc Giang đã hình thành nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, hiện nguồn lực đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế; chưa có danh mục giống, vật tư đầu vào đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11041: 2017 để phục vụ sản xuất. Mặt khác, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp và chưa chủ động… nên quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh vẫn thấp, chưa thu hút được các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân tham gia.
Để thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; mở rộng diện tích vùng chăn nuôi chuyên canh, thâm canh thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã tổ chức mở lớp đào tạo cho cán bộ kỹ thuật, quản lý các cơ quan cấp tỉnh và huyện, tổ chức các lớp tập huấn và học tập thực tế cho 240 đại diện doanh nghiệp, xã viên HTX tham gia mô hình về sản xuất hữu cơ. Qua đó, trang bị kiến thức chuyên sâu về canh tác hữu cơ cho người sản xuất, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ và mô hình trồng trọt, chăn nuôi về hữu cơ.
Năm 2022, Bắc Giang dành khoảng 885 triệu đồng để hỗ trợ các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung triển khai các cơ chế, chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng phát triển. Mặt khác, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về giải pháp lâu dài, Bắc Giang xác định tiếp tục có những chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ; đồng thời huy động doanh nghiệp tham tham vào chuỗi sản xuất hữu cơ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân hạn chế và dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định... Quan tâm đào tạo, nâng cao hiểu biết, trình độ kiến thức, chuyên môn về nông nghiệp công nghệ cao cho người nông dân. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn dồi dào để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Related news
Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,79 triệu tấn gạo, dự kiến 4 tháng còn lại xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn.
Hiện nay, hầu như trong chăn nuôi gia cầm ở nông hộ, người dân thường sẽ cho gà ăn theo phương thức cho ăn tự do và liên tục.
Điều này có được là nhờ nhiều năm qua, Gia Lai đã chú trọng xây dựng, mở rộng những vùng nguyên liệu sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn được chứng nhận.