Home / Tin tức / Tin thủy sản

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sản xuất lươn giống bán nhân tạo cho thu nhập ổn định

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sản xuất lươn giống bán nhân tạo cho thu nhập ổn định
Author: Trọng Hoàng
Publish date: Friday. October 26th, 2018

Từ sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thực tế, đến nay cơ sở của anh Nguyễn Thanh Phương, sinh năm 1979 cư ngụ tại ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ có trên 4.000 con lươn bố mẹ tham gia sinh sản. Mỗi tháng thu lời cả trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Thanh Phương đã xây dựng được 10 ao nhân tạo với tổng diện tích hơn 200 m2 

Thành công từ đam mê

Cách đây 3 năm, anh Phương từ Trà Vinh đến Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, thu nhập bấp bênh nên anh Phương luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp với khả năng để ổn định cuộc sống. Sau khi tìm hiểu thị trường, thấy giá lươn thịt luôn ở mức cao và dễ tiêu thụ, anh quyết định đầu tư nuôi lươn.

Được sự ủng hộ của người thân, năm 2015 anh Phương đến huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh tìm mua con giống về thả nuôi. Do chưa nắm được yêu cầu kỹ thuật về chọn giống như kích thước, màu sắc, các yếu tố môi trường, điều kiện thổ nhưỡng, đàn lươn anh nuôi phát triển không đều, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp. Đợt nuôi đó anh bị lỗ cả vốn lẫn công chăm sóc. Anh nhận ra nguyên nhân thất bại này là do lươn giống không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc. “Khó nuôi nhất là lươn giống bắt ngoài tự nhiên, do tập tính lươn còn hoang dã nên chưa thích nghi môi trường bể nuôi. Kích cỡ, trọng lượng giống không đồng đều. Lươn giống đánh bắt bằng nhiều cách, trong đó có cả bằng xung điện, tỷ lệ hao hụt lớn, khó chăm sóc, hiệu quả nuôi không cao”, anh Phương chia sẻ.

Từ những kinh nghiệm có được và lòng đam mê, anh chuyển hướng nghiên cứu, làm bể nhân tạo sản xuất lươn giống. Mất nhiều thời gian tìm hiểu và tham khảo thực tế, anh tìm được  mua 5.000 con giống tốt về tiếp tục thả nuôi. Sau hơn 10 tháng, từ nguồn lươn thương phẩm, anh Phương tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm lươn bố mẹ nuôi thành thục sinh sản. Sau 6 tháng, lươn bố mẹ đã làm ổ và đẻ trứng trong bể nhân tạo.Trứng sau khi đẻ anh Phương vớt vào các chậu nhựa và cho ấp nở. Lươn con được ương dưỡng khoảng 20 ngày rồi mới cho ra bể xi măng ương tiếp lên thành lươn giống.

Từ thành công ban đầu, anh Phương tiếp tục nghiên cứu thực nghiệm quy trình cho lươn đẻ. Qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, anh Phương tiến hành thiết kế bể nuôi bằng bạt hình chữ nhật kích thước 2x10 m, sử dụng đất sét thịt để làm nơi ẩn nấp và làm tổ đẻ của lươn bố mẹ. Tuy nhiên khác với lần trước, lần này, khi lươn đẻ trứng xong, anh Phương cho trứng nở tự nhiên tại ổ đẻ và thu lươn giống trong giá thể đã treo. “Với cách làm này, con giống thu được khỏe hơn, ương nuôi nhanh lớn và đặc biệt là giảm được công chăm sóc ấp trứng”, anh Phương cho biết.

Với quy trình thu lươn giống ở giá thể anh Phương đã thành công và cho tỷ lệ con giống cao hơn nhiều so với thu và ấp trứng riêng. Lươn giống thu được anh cho ương tại bể xi măng, thức ăn chủ yếu là trùn chỉ, sau 20 ngày tập cho lươn ăn thức ăn cám viên. Nuôi 2 tháng lươn đạt kích cỡ 500 con/kg là có thể xuất bán.

Bán lươn qua Facebook

Quy trình nuôi ổn định, con giống sản xuất ra hàng tháng, để quảng bá thương hiệu và để người dân dễ tiếp cận với lươn giống của cơ sở, anh Phương lập địa chỉ Lươn giống Vũng Tàu giới thiệu qua trang Facebook nhằm trao đổi kinh nghiệm và bán lươn giống. “Hiện, khoảng 70% lươn giống của tôi được bán ở các tỉnh như Nam Định, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nhờ kết nối bạn qua Facebook, số còn lại bán trực tiếp cho bà con nuôi trong tỉnh. Những thành công ban đầu này sẽ tạo động lực cho tôi hướng đến việc thành lập công ty Lươn giống Vũng Tàu”, anh Phương cho biết.

Theo ghi nhận của một số hộ dân, bên cạnh việc sản xuất lươn giống theo quy trình bán nhân tạo, anh Phương còn chuyển giao công nghệ nuôi lươn thương phẩm cho bà con. Những hộ nuôi lươn trong tỉnh mua con giống tại cơ sở của anh Phương được bảo đảm về tỷ lệ sống và bao tiêu đầu ra. Cơ sở sản xuất lươn giống của anh Nguyễn Thanh Phương với quy trình bán nhân tạo có thể nói là mô hình mới nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

>> Đến nay, cơ sở của anh Nguyễn Thanh Phương đã xây dựng được 10 ao nhân tạo với tổng diện tích hơn 200 m2, trong đó, có hơn 4.000 con lươn bố mẹ, cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 - 25.000 con giống/tháng. Với giá bán 5.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí cho thu lời khoảng 100 triệu đồng.


Related news

Cà Mau: Phát huy thế mạnh tôm sinh thái Cà Mau: Phát huy thế mạnh tôm sinh thái

Có truyền thống nuôi tôm rừng lâu nhất và hiệu quả nhất. Đây là tiềm năng to lớn để tỉnh phát triển sản xuất tôm sinh thái, trong đó tôm - rừng

Thursday. October 25th, 2018
Kinh nghiệm của ngươi nuôi hàu Thái Bình Dương thành công Kinh nghiệm của ngươi nuôi hàu Thái Bình Dương thành công

Hàu sử dụng thức ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ trong nước, làm sạch môi trường, lại phát triển nhanh. Để nuôi 500 dây hàu người nuôi phải làm bè bằng tre

Friday. October 26th, 2018
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản

Chế phẩm sinh học (probiotics) đã được nghiên cứu, sử dụng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Friday. October 26th, 2018