Bà Rịa Vũng Tàu Chuyển Hướng Dùng Cây Sống Làm Trụ Tiêu
Hiện nay, việc dùng các loại cây sống như điều, mủ trôm, mức… làm trụ tiêu đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, tiêu là cây trồng rất khó tính, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu và khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây sống làm trụ cho cây tiêu.
Dân vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Theo ông Trần Xuân Thắng, một hộ trồng tiêu tại xã Cù Bị (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), mỗi cây trụ sống có đặc điểm và thế mạnh khác nhau. Như cây muồng đen thì lớn nhanh, chỉ cần 2 năm là đã cho tiêu bám được, lá rụng xuống nhanh mục, ít cạnh tranh thức ăn với cây tiêu, nhưng cây này hay bị bệnh xì mủ.
Còn cây mức thì tiêu dễ bám, ít bị bệnh, nhưng lại chậm lớn và hay bị bọ xít phá hoại. Cây mủ trôm mới được bà con nông dân trồng thử khoảng 2 năm trở lại đây, tuy nhiên loại cây này hay bị nhiễm bệnh sâu xanh phá hoại…
Ông Nguyễn Tấn Phú, ấp Tân Giao, xã Láng Lớn (huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết: “Hiện tại, nông dân còn dùng nhiều cây trụ sống khác để trồng tiêu như điều, mít... Ở đâu có mô hình trồng trụ sống là tôi lại tìm đến để học hỏi và áp dụng vào canh tác. Vì vậy, ngay trên một địa bàn nhỏ, mỗi hộ lựa chọn một cây trồng khác nhau làm trụ cho tiêu leo và chúng tôi cũng chưa biết được loại nào hay nhất, hiệu quả nhất”.
Một số hộ nông dân ở xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) trước tình hình giá cao su giảm mạnh, cũng đã có “sáng kiến” tỉa cành cây cao su để làm trụ tiêu sống thay vì chặt bỏ để trồng cây khác.
Ông Trần Đình Phước, ấp 4, xã Hòa Hội cho biết, gia đình ông có hơn 1,2ha cao su. Trước đó ông có trồng vài bụi tiêu dưới gốc cao su. Thấy tiêu vẫn phát triển tốt nên khi giá mủ sụt giảm, ông đã lấy cây cao su làm trụ sống trồng tiêu.
Ông Phước cho rằng, trong việc chuyển đổi cây trồng như hiện nay dùng cây cao su làm trụ cho tiêu là hợp lý và có nhiều ưu điểm: Cây cao su thẳng, tiêu dễ bám, so với các loại khác như gòn, lồng mức thì cây cao su ít đổ gãy hơn. “Nếu như sau này vườn tiêu bị hư hại thì chỉ mất 2 năm để phục hồi, cây cao su lại cho mủ bình thường, nên tôi tính toán kỹ trước khi dùng cao su làm trụ tiêu” - ông Phước nói.
Cán bộ Hội nông dân xã Hòa Hội cũng xác nhận, qua 2 năm trồng và chăm sóc, vườn tiêu của gia đình ông Phước phát triển tốt. Xã Hòa Hội có hơn 440ha cao su, trước tình hình giá mủ cao su giảm và nhận thấy cây tiêu phát triển tốt khi dùng cao su làm trụ sống, trong mùa mưa này nhiều hộ đã rong tỉa cành để trồng tiêu dưới gốc cao su.
Ngành chức năng chỉ “khuyến cáo”
Theo Sở NN-PTNT, trước đây người trồng tiêu dùng các trụ gạch bê tông, gỗ, cây tiêu bám các loại trụ này thường cho năng suất cao, nhưng kéo theo đó là cây tiêu dễ bị suy kiệt do ra trái quá độ và nhiều loại bệnh làm hủy diệt vườn tiêu. Thời gian gần đây nhiều nông dân đã chuyển qua các loại trụ cây sống như mức, muồng đen, gòn...
Trồng tiêu trên trụ cây sống đang được coi là phương pháp canh tác bền vững, giảm được chi phí đầu tư ban đầu. Kinh nghiệm của bà con nông dân trồng tiêu trên trụ cây sống cho thấy, sử dụng các trụ cây sống cho tiêu bám rất thích hợp bởi các trụ cây sống có bóng che tạo thuận lợi cho cây tiêu sinh trưởng tốt, năng suất cao.
Tuy nhiên, đến nay người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể lựa chọn một giống cây trồng nào làm trụ phù hợp với thổ nhưỡng và không gây hại cho tiêu.
Cũng theo ngành nông nghiệp, hiện chưa có công trình khoa học nào đánh giá bài bản về việc sử dụng một loài cây làm trụ sống cho tiêu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của BR-VT và làm cho cây tiêu có hiệu quả cao. Người dân đang trồng nhiều loài cây làm trụ tiêu phần lớn là tự phát.
Vậy nên, theo ngành nông nghiệp, trồng tiêu trên cây trụ sống là một giải pháp hiệu quả đã được nông dân áp dụng từ khoảng 5 năm trở lại đây. Với giải pháp này, nông dân đang từng bước thay thế các trụ tiêu bằng cọc gỗ, bê tông bằng những trụ cây sống.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, để bảo đảm vườn tiêu trồng trên trụ cây sống sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, trước khi triển khai đại trà, các hộ dân trồng tiêu cần chờ ý kiến chuyên môn chính thức từ các nhà khoa học về giống cây làm trụ sống, lắng nghe và ghi nhận để ứng dụng phù hợp các giải pháp khoa học kỹ thuật về thời gian trồng, khoảng cách giữa các cây trụ sống, cách chăm sóc để vườn tiêu đạt hiệu quả.
Related news
Những năm qua, một số mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn toàn cầu đã thuyết phục được nhiều nông dân làm theo, nhưng khó khăn về đầu ra khiến nông dân e ngại. Dù vậy, đây vẫn là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới trong giai đoạn hội nhập.
Tháng 1-5 âm lịch hàng năm là mùa cá “đoàn” - cách mà ngư dân đặt cho những loại cá nhỏ đi theo bầy và thường hay vướng vào lưới. Để rồi sau mỗi phiên biển, khi cập về bờ, chủ tàu phải huy động tất cả thuyền viên, thậm chí thuê thêm người mới giũ sạch được lưới...
Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.
Ban đầu do chưa biết kỹ thuật nuôi nên ông đã mày mò tìm hiểu từ sách báo, và dần dà ông cũng biết cách chăn nuôi. Vì vậy, chỉ 6 tháng sau, gà đã cho lợi nhuận từ trứng hàng ngày. Thấy có thể thoát nghèo từ nuôi gà, ông mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay 100 triệu đồng về xây chuồng trại và nhân đàn gà lên 2000 con.
Khi đánh giá về tác động sản xuất vụ đông, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê thẳng thắn trao đổi: Quá trình sản xuất nhiều năm cho thấy, diễn biến thời tiết sản xuất vụ đông thường phức tạp.