Home / Cây ăn trái / Táo

Bả Diệt Ruồi Chữa Bệnh Cho Táo

Bả Diệt Ruồi Chữa Bệnh Cho Táo
Publish date: Tuesday. July 30th, 2013

Táo là cây đặc sản cho thu nhập cao, dễ tiêu thụ và dễ chăm sóc, được trồng ở tỉnh ta cách đây hơn 20 năm và phát triển mạnh từ năm 2005 đến nay.

Diện tích trồng táo toàn tỉnh hiện có trên 790 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 580 ha, sản lượng đạt gần 15.700 tấn. Ở nhiều nơi trong tỉnh, cây táo đã được chọn là đối tượng cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thậm chí đã thay thế hẳn cây nho tại một số vùng trồng nho truyền thống.

Tuy hiệu quả kinh tế là vậy, song canh tác táo còn nhiều rủi ro, năng suất và chất lượng táo chưa đạt như mong muốn bởi lẽ so với tiềm năng (táo có thể cho năng suất trong khoảng 25-35 tấn/ha) thì năng suất táo ở tỉnh ta còn thấp, chỉ đạt bình quân 19,8 tấn/ha.

Nguyên nhân do đa số các hộ nông dân trồng táo quản lý sâu bệnh chưa hiệu quả và còn phải phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Trong các loài sâu bệnh gây hại có ruồi hại trái táo là đối tượng nguy hiểm nhất và là đối tượng kiểm dịch của nhiều nước, thường xuất hiện trong mùa mưa tại tỉnh ta.

Trái táo bị hại sẽ có tỷ lệ thối rụng không thể ăn được lên đến 25-30%. Lâu nay, nông dân trồng táo chủ yếu dựa vào thuốc hóa học để phun định kỳ phòng trừ là chính, nhưng chỉ diệt được con ruồi đực mà lại không diệt hoàn toàn nên ruồi cái vẫn thụ tinh, tiếp tục châm và đẻ trứng vào trái, gây nên thối rụng. Đã thế, vết ruồi châm sần sùi làm trái táo xấu ảnh hưởng tới giá bán.

Nhằm giảm bớt những thiệt hại do ruồi đục trái gây ra, giảm chi phí do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc, bảo vệ được môi trường sinh thái, sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sử dụng bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi táo (thuộc tiểu hợp phần A1: Nghiên cứu và phát triển công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh).

Mục đích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của táo trồng, đồng thời nâng cao hiểu biết về ruồi hại trái và biện pháp phòng trừ hiệu quả cho cán bộ kỹ thuật và nông dân trồng táo.

Theo anh Nguyễn Văn Luận, cán bộ Ban quản lý Dự án, bả sinh học là chất dẫn dụ ruồi dạng sinh học được hình thành từ Ento-Pro, thức ăn ưa thích cho ruồi đực, ruồi cái và một số côn trùng khác ở giai đoạn trưởng thành. Ento-Pro được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ Úc, không gây độc cho nông sản, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người.

Khi sử dụng cần kết hợp với thuốc trừ sâu Rigell vì ruồi ăn bả sau 2-3 ngày mới chết, trong thời gian này ruồi đi giao phối sẽ gây nhiễm chết những con khác (bả Ento-Pro tiêu diệt cả ruồi đực và ruồi cái) nên tác dụng diệt ruồi cao trên 90%; được mệnh danh là “thần diệt ruồi hại trái”.

Việc sử dụng bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi táo là một tiến bộ kỹ thuật mới nên nông dân chưa quen áp dụng. Để giúp nông dân tiếp cận, từ đầu tháng 11-2011, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh đã triển khai chuyển giao 6 mô hình trình diễn sử dụng bả Ento-Pro phòng trừ ruồi đục trái táo ở các xã Phước Sơn, Phước Hậu (Ninh Phước), mỗi xã có 3 mô hình, mỗi mô hình có diện tích khoảng 10 ha với 10 hộ tham gia. Dự kiến thời gian thực hiện là 10 tháng, kết thúc vào đầu tháng 9 năm 2012.

Vùng được chọn là vùng có điều kiện tự nhiên, môi trường đáp ứng những nhu cầu thực hiện mô hình trình diễn, có diện tích trồng táo tập trung hoặc có táo trồng trong giai đoạn kinh doanh, có đường giao thông thuận tiên cho việc tham quan, học tập chuyển giao. Các hộ trồng táo được chọn tham gia mô hình có diện tích trồng ít nhất từ 1 ha trở lên, có ý thức áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật mới và kỹ năng truyền đạt cho bà con nông dân.

Qua thực hiện mô hình, thời gian tuy còn ngắn nhưng tại vườn táo của ông Lê Xuân Hoan (Phước Sơn) được đánh giá có khả năng giảm tỷ lệ ruồi hại trái táo 50%, nâng cao năng suất táo lên 15-20% và nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất táo lên 20% so với hiện tại.

Dùng bả ruồi chữa bệnh sâu đục trái là một phương pháp khoa học đầy sáng tạo, lần đầu tiên thử nghiệm trên các vườn trồng táo ở nông thôn tỉnh ta. Điều dễ nhận ra là sử dụng bả Ento-Pro có chi phi rẻ, hiệu quả lại cao hơn so với dùng các loại bẫy bả khác vốn chỉ diệt được con ruồi đực.

Qua các mô hình đang thực hiện, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh có cơ sở để tiến hành đào tạo cán bộ kỹ thuật, tổ chức các hội nghị tham quan đầu bờ, các lớp tập huấn trực quan để chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Mục đích không gì khác hơn nhằm nâng cao năng suất, giảm bớt thiệt hại do ruồi đục trái táo, đồng thời bảo đảm cho sản xuất táo tại tỉnh ta an toàn, bền vững, nâng tính cạnh tranh trên thị trường.


Related news

Kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà cho quả sai, trái ngọt quanh năm Kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà cho quả sai, trái ngọt quanh năm

Kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà cho quả sai trĩu cành không phải đơn giản bởi đây là cây trồng khá khó tính đối với thời tiết tại Việt Nam.

Saturday. October 7th, 2017
Hướng dẫn trồng và chăm sóc táo ta cho quả sai trĩu Hướng dẫn trồng và chăm sóc táo ta cho quả sai trĩu

Táo ta (táo chua) là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng. Nó có khả năng chống oxy hóa, chữa chứng suy giảm trí nhớ, đề phòng bệnh cảm lạnh, nuôi dưỡng tóc

Saturday. October 7th, 2017
Kỹ thuật trồng táo mèo cho năng suất cao Kỹ thuật trồng táo mèo cho năng suất cao

Để trồng được cây táo mèo cho năng suất cao, người trồng cần chú ý tới các khâu đất trồng, chăm bón, tỉa cảnh, trừ sâu bệnh hại.

Thursday. January 4th, 2018
Táo đại Sơn La ngọt giòn hút khách miền xuôi Táo đại Sơn La ngọt giòn hút khách miền xuôi

Mỗi quả táo nặng đến 85-130g, hương vị ngọt giòn, được gắn tem mác truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên được nhiều thực khách yêu thích.

Wednesday. March 7th, 2018
Giống táo Đào vàng Giống táo Đào vàng

Giống táo Đào vàng do GS.TS Vũ Tuyên Hoàng và cộng sự Viện Cây lương thực - cây thực phẩm chọn tạo, được công nhận là giống quốc gia từ năm 1998...

Monday. March 26th, 2018