Ấp trứng vịt nở ra nhà tầng
Kiếm bạc triệu mỗi ngày
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, đẹp đẽ với nội thất sang trọng, ông Việt phấn khởi khoe: “Ngoài ngôi nhà 2 tầng này, mới đây tôi còn đầu tư xây thêm 22 phòng trọ cho thuê với giá dao động từ 700.000 – 900.000 đồng/tháng.
Giờ “ngồi chơi xơi nước”, hàng tháng cũng có chục triệu tiền cho thuê phòng”.
Ông Việt bảo, có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ cả vào nghề ấp trứng vịt lộn.
Trước đây, nguồn thu nhập chính của vợ chồng ông Việt chỉ là vài sào ruộng, lại phải nuôi đàn con 5 đứa đang tuổi ăn học nên rất khó khăn.
Năm 1988, trong 1 lần đi thăm người bạn cùng đơn vị chiến đấu cũ, tình cờ ông Việt biết đến mô hình ấp trứng vịt lộn của bạn.
“Tìm hiểu kỹ, thấy đây là nghề cho thu nhập cao tôi mê luôn.
Về nhà bàn với vợ, rồi đi vay tiền để xây lò ấp trứng.
Khi ấy, tôi là người đầu tiên ở huyện thực hiện mô hình này” - ông Việt kể.
"Để ấp trứng vịt thành công, những quả trứng phải được chọn lựa kỹ càng, quả to đều; không bẩn, vỏ không bị sần sùi hay rạn nứt… Nhiệt độ trong lò ấp phải đảm bảo từ 37,2 – 37,5 độ C.
Lựa chọn thời gian ấp trứng rất quan trọng.
Sau ấp 17 ngày, trứng vịt lộn có cùi dừa nhỏ, ôm tròn, không bị sáp rất được người tiêu dùng ưa thích”.
Thời gian đầu, ông Việt gặp vô vàn khó khăn do không chủ động được con giống, trứng nhập về phôi kém, dẫn đến tỷ lệ ấp hỏng nhiều, rồi những khi sơ ý bị chuột cắn đứt dây điện máy ấp có ngày phải bỏ đi cả 2.000 – 3.000 trứng...
Đứng trước bao khó khăn như vậy, nhưng chưa một lần ông Việt nghĩ đến bỏ cuộc.
Ông Việt bảo, vấp ở đâu đứng lên ở đó.
Sau thất bại ông đã nghĩ ngay đến việc phải đầu tư nuôi vịt đẻ.
Hiện trang trại của ông thường xuyên duy trì gần 3.000 vịt đẻ và hậu bị.
Điều đặc biệt, gần 30 năm nuôi vịt nhưng chưa lần nào ông Việt để xảy ra dịch bệnh.
“Để có đàn vịt khỏe mạnh, cho sản lượng trứng cao gia đình tôi đặc biệt tuân thủ công tác tiêm vaccine theo định kỳ, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Ngoài ra, cứ theo chu kỳ 2 năm, tôi lại thay lứa vịt khác, như thế thì trứng mới đẹp, không quá dài, không bị méo, mỏng” - ông Việt thổ lộ.
Từ 1 lò ấp trứng ban đầu, đến nay ông đã mở rộng quy mô lên 3 lò, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2.000 trứng vịt lộn, với giá 4.000 đồng/quả, thu về hơn 8 triệu đồng/ngày.
Xây dựng nhóm liên kết
Theo ông Việt, những năm gần đây trên địa bàn huyện Quế Võ, các khu công nghiệp mọc lên như nấm, việc tiêu thụ trứng vịt lộn của gia đình ông cho các bếp ăn công nghiệp khá thuận lợi.
Có thời điểm, trứng vịt lộn của gia đình ông cung không đủ cầu.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc mở rộng quy mô nuôi vịt và lò ấp trứng, ông Việt còn chủ động xây dựng nhóm liên kết cùng nuôi vịt đẻ.
Theo đó, ông Việt sẽ chuyển giao giống, công nghệ chăn nuôi và cam kết tiêu thụ toàn bộ trứng vịt cho gần 10 trang trại ở huyện Quế Võ.
Một năm trở lại đây gia đình ông Việt còn mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Hộ nào khó khăn về giống, thức ăn… ông Việt sẽ hỗ trợ theo phương thức bán trả chậm (không tính lãi) đến khi bán trứng vịt mới phải trả tiền.
Nhận xét về hội viên của mình, ông Nguyễn Đình Dụ – Chủ tịch Hội ND xã Phượng Mao cho biết: “Ông Việt là một trong những hội viên xuất sắc của Hội ND xã.
Từ khi thành công với mô hình ấp trứng vịt lộn, ông Việt đã hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm làm giàu cho nhiều hội viên ND trong xã.
Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi vịt đẻ không tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, ông Việt đã tới tận gia đình để thu mua, giúp người chăn nuôi không bị thua lỗ”.
Related news
Nhiều hộ dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đang rơi cảnh điêu đứng vì giống mắc ca họ trồng mặc dù tươi tốt nhưng lại không cho quả. Nguyên nhân do người dân mua phải giống trôi nổi trên thị trường.
Trứng gà Ai Cập lông trắng có màu trắng, trứng gà Ai Cập lông vằn có màu trắng ngà hơi sậm, dùng hai loại trứng này trộn với nhau sẽ ra loại trứng giống hệt trứng gà ta xịn mà đến người có kinh nghiệm trong nghề nhìn vào cũng khó phân biệt đâu là trứng gà ta, đâu là trứng gà Ai Cập.
“Đạt danh hiệu nông thôn mới, vậy cuộc sống người dân có tốt lên không, thu nhập có tăng không?”. Đó là câu hỏi của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt ra trong buổi làm việc với huyện Bình Chánh chiều 23.8.