Ấp Trứng Bằng Năng Lượng Mặt Trời

Sau hơn nửa năm vật lộn với công trình nghiên cứu, Lê Tấn Phúc (SV năm thứ 3, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đã chế tạo thành công và cho “ra lò” máy ấp trứng đầu tiên chạy bằng năng lượng mặt trời. Ưu điểm vượt trội của loại máy ấp trứng này là giá thành rẻ, bền và tỉ lệ nở cao.
Chúng tôi tìm gặp tác giả của chiếc máy ấp trứng này đúng lúc Lê Tấn Phúc vừa kết thúc giờ thực hành trên lớp. Phúc cho hay, Ths.Lê Văn Bạn, Trưởng Bộ môn Tự động, Khoa Cơ khí - Công nghệ, ĐH Nông Lâm TP.HCM vừa là thầy giáo đồng thời cũng chính là ba ruột của Phúc đang trực tiếp hướng dẫn giảng dạy tại trường.
Ngay từ nhỏ cậu bé Phúc đã theo ba vào trường tiếp xúc với các máy ấp trứng chạy bằng năng lượng điện. Đồng thời, những bài giảng của ba về các giống cây, giống con...trong ngành nông nghiệp đã in sâu trong ký ức Phúc. Đặc biệt là câu chuyện về người chăn nuôi bị thiệt hại hàng chục triệu đồng chỉ vì bị cúp điện đúng lúc ấp trứng khiến Phúc không nguôi day dứt.
Học xong phổ thông trung học, Phúc quyết định chọn thi vào ngành Điều khiển tự động (Trường ĐH Nông Lâm) và bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu. Lần đầu tiên, ý tưởng về máy ấp trứng chạy bằng năng lượng mặt trời do Phúc đề xuất đã được ba tán thưởng và trực tiếp hướng dẫn “cậu học trò cưng” thực hiện đề tài này. Tuy nhiên, công việc nghiên cứu cửa Phúc bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải kiếm được thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời để chuyển quang năng thành điện năng.
Tranh thủ ngoài giờ học trên lớp, Phúc tìm lên chợ Nhật Tảo (Q.10) để tìm mua pin. Phúc tâm sự: “Một tấm pin hấp thu năng lượng mặt trời 5V, công suất 10W đã có giá 200.000 đồng. Trong khi đó, mình phải dùng tới tấm pin 15V, công suất 75W nên giá thành khá cao. Do vậy mình phải chạy khắp các cửa hàng điện tử chỉ để tìm mua lại tấm pin cũ. Sau nửa tháng mình mới tìm được tấm pin như ý ở một cửa hàng điện tử”.
Theo Phúc giới thiệu, máy ấp trứng được thiết kế gồm 3 phần chính: Máy nước nóng năng lượng mặt trời; pin năng lượng mặt trời và máy ấp trứng. Pin hấp thu năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho bộ điều khiển nhiệt độ hoạt động; máy nước nóng năng lượng mặt trời để cấp nhiệt cho máy ấp trứng thông qua nước nóng; máy ấp trứng gồm buồng ấp tự đảo chiều và bộ bộ điều khiển nhiệt độ. Máy sử dụng năng lượng mặt trời bằng 2 phương pháp pin mặt trời và máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời.
Bắt đầu hoạt động, pin sẽ cung cấp điện năng cho bộ điều khiển nhiệt độ và quạt thông gió hoạt động. Khi nhiệt độ bên trong buồng ấp trứng thấp hơn 37,5oC, bộ điều khiển sẽ đóng mạch điện để bơm nước nóng vào buồng ấp trứng làm tăng nhiệt độ buồng ấp lên. Cho đến lúc đủ nhiệt độ thì bơm nước sẽ ngắt điện, ngừng cung cấp nhiệt vào buồng ấp.
Để giữ nhiệt độ trong buồng ấp ổn định, Phúc dùng một mạch sạc tự chế. Mạch sạc này cấu tạo bởi điện trở, IC và transistor. Mạch sạc ổn định điện áp, nhiệt độ trong buồng ấp trứng và ngắt nguồn điện khi ắc quy đầy. Lúc chạy thử máy, ban đêm nhiệt độ không nâng đủ 40oC để trứng nở con, Phúc phải mắc nối tiếp thêm bộ trao đổi nhiệt để nâng cao hiệu suất trao đổi nhiệt giữa máy nước nóng năng lượng mặt trời và buồng ấp.
Vừa chế tạo được máy, Phúc phóng xe đi mua 50 quả trứng gà có phôi về ấp thử nghiệm. Sau 21 ngày được ấp trong máy, kiểm tra có 38 chú gà con cực kỳ dễ thương ra đời. Mừng hơn nhặt được vàng, Phúc thầm nghĩ mình đã thành công. “Năng suất của máy ấp trứng cho tỉ lệ nở con khoảng 85% vẫn cao hơn các máy khác ngoài thị trường (chỉ cho tỉ lệ nở khoảng 80%). Tuy nhiên, việc nở nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chất lượng trứng và phôi”- Phúc cho hay.
“Trước thực trạng thường xuyên bị cúp điện vào mùa khô gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất thì máy ấp trứng bằng năng lượng mặt trời chính là giải pháp hữu ích nhất. Hơn nữa, dùng năng lượng mặt trời sẽ giúp cho các cơ sở, DN không phải tốn chi phí tiền điện. Đối với những cơ sở chăn nuôi đang sử dụng máy ấp trứng bằng điện lưới nếu có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cách lắp đặt thêm hệ thống dùng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện hiệu quả! ”
Theo tính toán, tổng chi phí máy ấp trứng do Phúc chế tạo chỉ khoảng hơn chục triệu đồng/chiếc, với qui mô ấp được 300 quả trứng/mẻ. Hiện trên thị trường cũng có nhiều loại máy ấp trứng nhưng giá thành cao hơn nhiều so với máy ấp trứng của Phúc. Cũng theo suy nghĩ của Phúc, trong mùa khô, tình trạng cúp điện thưởng xảy ra liên miên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc ấp trứng của các hộ chăn nuôi. Nếu ứng dụng máy ấp trứng bằng năng lượng mặt trời sẽ giải quyết được nỗi lo cúp điện. Hơn nữa, loại máy này còn “ấp” được cả ở những nơi chưa có điện!
Trao đổi với chúng tôi, Ths.Lê Văn Bạn cho biết: “Khoảng 10 năm qua, Khoa Cơ khí (ĐH Nông Lâm TPHCM) đã cung cấp ra thị trường cả ngàn chiếc máy ấp trứng sử dụng năng lượng điện lưới. Tuy nhiên, đến nay khi máy ấp trứng bằng năng lượng mặt trời vừa “ra lò” sẽ giúp cho các hộ chăn nuôi ứng dụng tiết kiệm điện rất hiệu quả chỉ mất khoảng 30-40 kw giờ điện/mẻ (21 ngày). Hiện đã có nhiều cơ sở và trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm liên hệ “đặt hàng” mua loại máy này về sử dụng. Đặc biệt, có cơ sở mới đây đã đặt mua máy ấp trứng có quy mô ấp 500 trứng/mẻ”.
Cũng theo Ths.Ban, đề tài “Máy ấp trứng bằng năng lượng mặt trời” của Lê Tấn Phúc đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka lần thứ 12” do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức. Số giờ nắng ở nước ta khá lớn: Miền Bắc khoảng 1.500 – 1.700 giờ, trong khi đó ở miền Nam con số này đạt 2.200 – 2.600 giờ/năm. Vì vậy, sử dụng máy ấp trứng bằng năng lượng mặt trời là điều hoàn toàn khả thi
Related news

Mấy năm trở lại đây, thị trường máy GĐLH ở ĐBSCL đã có sự soán ngôi giữa máy chất lượng thấp (giá rẻ) và máy chất lượng cao. Nhiều thương hiệu máy Trung Quốc và máy SX trong nước đang mất dần thị phần do không cạnh tranh nổi với máy Hàn Quốc, Nhật Bản (chủ yếu là của hãng Kubota).

Máy được ông độ chế từ máy xe gắn máy, lắp đặt thêm hệ thống nhông chuyền giảm tốc, hình dáng giống máy cày nhưng gọn nhẹ hơn, điều khiển bằng tay. Theo ông Tấn, trong 8 tiếng máy có thể xới cỏ hoặc lấp phân được khoảng 7-8 sào mía (1 sào bằng 500 m2), tiêu hao 4 lít xăng

Đó là anh Lâm Văn Mười, sinh năm 1972, ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Kiểm tra hàm lượng NO2 trong môi trường nước (ao nuôi trồng thuỷ sản). Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước máy trước và sau mỗi lần kiểm tra. Lắc đều chai thuốc thử trước khi sử dụng

Trong những điều bất cập, chưa bền vững về SX lúa ở ĐBSCL, PGS.TS Mai Thành Phụng, phụ trách Bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam nhấn mạnh đến năng suất lao động còn thấp do chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa.