Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Áo giáp sắt chống sâu keo mùa thu

Áo giáp sắt chống sâu keo mùa thu
Author: Lê Bền
Publish date: Tuesday. April 13th, 2021

Với cách trộn để xử lý hạt giống, thuốc xử lý hạt giống trừ sâu Fortenza Duo giúp phòng chống sâu keo mùa thu cho cây ngô suốt giai đoạn cây non (15-21 ngày).

Các diện tích ngô non vụ xuân tại vùng trồng ngô xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) có tỉ lệ sâu keo mùa thu gây hại khá lớn (vị trí cắm cờ đỏ). Ảnh: Lê Bền.

Kẻ “phá bĩnh” người trồng ngô

Sâu keo mùa thu (Fall Armyworm) là loài có khả năng di trú xa (khi vũ hóa có thể di chuyển xa hàng trăm km nhờ gió). Thức 'khoái khẩu' nhất của sâu keo mùa thu là cây ngô (nhất là ngô ngọt, ngô nếp).

Với sự sinh sản nhanh, khả năng phá hại lớn, kể từ khi được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2018, sâu keo mùa thu (sau đây viết tắt là SKMT) đã từng gây hại, cục bộ gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.

Những năm qua, nhiều giải pháp phòng, trừ SKMT đã được triển khai. Trong đó, một số loại thuốc BVTV đã được sử dụng phun trừ có hiệu quả cao đối với SKMT. Nhờ đó, tình hình SKMT gây hại đã được khống chế.

Biện pháp sử dụng thuốc BVTV cũng là giải pháp mà đại đa số nông dân hiện nay áp dụng để diệt trừ loài sâu hại này. Mặc dù vậy, việc sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ SKMT cũng có nhiều khó khăn.

Tại vựa ngô tỉnh Sơn La, đến nay, SKMT hàng năm vẫn xuất hiện, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống, tốn kém chi phí, công phun trừ và ảnh hưởng tới môi trường.

Tại huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La), mặc dù những năm qua, phong trào chuyển đổi đất trồng ngô sang cây ăn quả diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, toàn huyện hiện vẫn còn hơn 10 nghìn ha trồng ngô (trong tổng số 30 nghìn ha đất nông nghiệp).

Cây ngô vẫn là cây trồng chủ lực của bà con các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các khu vực đất dốc, vùng cao, chưa thể (hoặc không thể) chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Ở xã Lóng Phiêng (huyện Yên Châu), hiện các vùng thấp, đất bằng phẳng đã được bà con chuyển đa số sang cây ăn quả. Tuy nhiên với đa số đồng bào vùng cao người Mông, Thái, Xinh Mun… hiện cây ngô vẫn là cây trồng chủ lực.

Anh Điêu Chính Xuân, bản Quỳnh Phiêng (xã Lóng Phiêng) cho biết: Gia đình anh thuê thầu, hàng năm gieo trồng khoảng 30kg ngô giống (khoảng gần 2ha). Từ vụ ngô năm 2018, SKMT bắt đầu xuất hiện. Một số gia đình phun trừ muộn thậm chí bị mất trắng, đa số các hộ bị thiệt hại từ 30 - 40%.

Nhờ được ngành BVTV địa phương hướng dẫn phun trừ, nên 2 năm trở lại đây, cây ngô không còn bị thiệt hại nặng, tuy nhiên do SKMT hàng năm vẫn đều đặn xuất hiện, khiến bà con rất vất, tốn kém trong phòng trừ.

Anh Xuân bảo, cứ tầm tháng 4 hàng năm, khi cây ngô gieo được tầm 15 - 20cm, mọc cao cỡ 15 - 20cm thì sâu non bắt đầu xuất hiện. Kinh nghiệm của bà con, cứ khi nào thấy lá ngô xuất hiện những chấm trắng nhỏ li ti, thì đó là sâu non đã xuất hiện, bắt đầu gây hại và đẻ trứng.

Nếu không phát hiện, phun trừ sớm thì chỉ vài ba ngày, chúng đã phá nát đồi ngô. Vì vậy, bà con thường phải phun lần đầu để tiêu diệt SKMT ở giai đoạn còn sâu non (lúc ngô cao khoảng 15 - 20cm, sau gieo tầm 20 ngày).

Tới giai đoạn cây ngô cao tầm ngang thắt lưng, nếu SKMT vẫn còn phá hại, sẽ phải phun thêm một lần nữa. Cá biệt có những năm, mãi tới khi cây ngô ra bắp, trỗ cờ rồi, sâu vẫn phá, chui cả vào đầu bắp ngô non để cắn hạt non.

Anh Hà Văn Nhọt, hộ trồng hơn 2ha ngô cùng ở bản Quỳnh Phiêng (xã Lóng Phiêng) kêu trời: SMKT vừa phàm ăn, vừa rất 'khôn ăn'. Chúng chọn những lá non trên đọt non, sau đó chui vào nõn ngô để ăn.

Do đó, bà con không thể dùng các loại máy phun thuốc cỡ lớn, phun loa tràn lan như phòng trừ các loại sâu khác, mà phải dùng bình phun loại nhỏ đeo lưng.

Khi phun, phải vặn bép thật nhỏ, dí thẳng đứng vào từng đọt cây ngô mới có thể tiêu diệt hiệu quả. Do sâu này thường thích đi ăn vào lúc chiều tối, nên phải phun lúc cuối chiều, lúc chúng đã bò ra khỏi nõn ngô.

"Ngô trồng chót vót trên nương rẫy, bà con phải gùi từng bình phun lên đồi mệt hết hơi. Nhà tôi, mỗi lần phun tốn hết 400 - 500 nghìn đồng tiền thuốc trừ sâu, phun liền 2 - 3 ngày mới xong. Nếu khi ngô cao quá bụng mà vẫn bị sâu phá, thì đành bó tay, vì không thể phun vào nõn ngô được", anh Hà Văn Nhọt than thở.

Hết lo sâu keo mùa thu

Thời điểm này, ngô vụ xuân của bà con xã Lóng Phiêng đã gieo được tầm 15 - 20 ngày, cây cao 15 - 20cm. "Đến hẹn lại lên", SKMT lại bắt đầu xuất hiện, cắn phá ngô non lỗ chỗ.

Tuy nhiên, tại các diện tích thử nghiệm sử dụng thuốc xử lý hạt giống trừ sâu Fortenza Duo 480 FS (viết tắt là Fortenza Duo) ở bản Quỳnh Phiêng, các ruộng ngô sinh trưởng, phát triển với chiều cao cây vượt trội, thân lá xanh mướt, cây đều tăm tắp, không hề có bóng dáng của sâu keo mùa thu.

Đây là lần đầu tiên, thuốc xử lý hạt giống trừ sâu Fortenza Duo được đưa vào áp dụng nhằm phòng chống SKMT tại vựa ngô tỉnh Sơn La.

Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, đơn vị độc quyền đăng ký (Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Bắc Giang phân phối) sản phẩm thuốc xử lý hạt giống trừ sâu Fortenza Duo cho biết: Fortenza Duo là sản phẩm được Tập đoàn Syngenta nghiên cứu sản xuất từ năm 2017, có tác dụng phòng trừ rất hiệu đối với SKMT trên cây ngô.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết: Fortenza Duo là sản phẩm được kết hợp từ 2 hoạt chất phòng trừ côn trùng chích hút và côn trùng miệng nhai.

Thuốc đặc biệt phòng trừ hiệu quả đối với SKMT thông qua biện pháp xử lý hạt giống ngay từ trước khi ngô được gieo trồng.

Theo đó, ngô giống trước khi gieo, chỉ cần trộn đều với thuốc Fortenza Duo (theo liều lượng 1 chai 12ml cho 2kg ngô giống). Sau đó, có thể tiến hành gieo ngô như bình thường.

Với cơ chế hoạt chất BVTV của Fortenza Duo được lưu dẫn vào hạt ngô giống, hạt ngô ngay khi gieo, đã có khả năng phòng chống đối với một số đối tượng côn trùng gây hại từ trong đất như sùng đất, kiến…

Tới khi cây ngô mọc mầm, lớn lên khỏi mặt đất, hoạt chất của thuốc Fortenza Duo có mặt trong cây ngô sẽ có tác dụng phòng trừ SKMT trong giai đoạn từ 15 - 21 ngày sau khi gieo.

Hoạt chất của thuốc Fortenza Duo có trong cây ngô ở giai đoạn này sẽ khiến SKMT khi ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây ngô (rễ, thân, lá) đều sẽ khiến chúng tê liệt, chán ăn, đói ăn, dần dần suy kiệt và chết.

Theo Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, cây ngô ở giai đoạn non (dưới 25 ngày tuổi) là giai đoạn rất quan trọng. Khi bị SKMT tấn công, có thể gây tổn thương thân, lá, đặc biệt chúng phá hại đọt và đỉnh sinh trưởng, nên nhiều diện tích thậm chí phải gieo lại nhiều lần.

Những cây ngô bị phá hại ngay từ giai đoạn nhỏ, nếu được phun trừ, vẫn có thể tổn thương, chậm phát triển, ảnh hưởng tới năng suất, độ đồng đều của ruộng ngô…

Quy trình xử lý hạt giống ngô bằng thuốc Fortenza Duo rất đơn giản, tiện dụng. Đồ họa: Syngenta.

Với thuốc xử lý hạt giống trừ sâu Fortenza Duo, nông dân chỉ cần một lần xử lý hạt giống rất đơn giản ngay trước khi gieo là có thể tạo ra một chiếc “áo giáp sắt” phòng trừ SKMT, bảo vệ cây ngô cho cả giai đoạn ngô non mà không cần phải vất vả phun trừ rất tốn công, tốn kém chi phí và ảnh hưởng tới môi trường.

Fortenza Duo phòng trừ hiệu quả đối với SKMT, nhưng không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái (không tiêu diệt hệ thiên địch có ích cũng như ảnh hưởng tới cây trồng khác).

Nhờ tiêu diệt được SKMT ngay từ giai đoạn ngô non, nên sẽ hạn chế được tối đa các lứa sâu, tuổi sâu bùng phát ở các giai đoạn sau này của cây ngô.

Fortenza Duo còn giúp cây ngô được xử lý hạt giống có thể tăng cường sức đề kháng với dịch hại, tăng cường sức sống, tăng khả năng chịu hạn…, giúp cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt hơn để vượt qua được giai đoạn cây con.

Việc áp dụng giải pháp phòng trừ sâu hại bằng phương pháp xử lý hạt giống, được xem là giải pháp bền vững, hạn chế hàng trăm lần lượng thuốc BVTV sử dụng so với phương pháp phun trừ tràn lan như truyền thống. Đây cũng là xu thế tất yếu để áp dụng cho tương lai, bảo vệ thiên địch, môi trường, an toàn cho người sử dụng…

(Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Syngenta Việt Nam)


Related news

Ngô công nghệ sinh học chiếm 10% diện tích tại Việt Nam Ngô công nghệ sinh học chiếm 10% diện tích tại Việt Nam

Việt Nam là một trong ba nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng ngô công nghệ sinh học nhanh ở mức hai con số cùng với Philippines và Colombia...

Monday. April 12th, 2021
Măng tây công nghệ cao trên vùng đất nắng gió Măng tây công nghệ cao trên vùng đất nắng gió

Ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận, cây măng tây phát triển mạnh, cho năng suất cao và mở ra cơ hội về nguồn nông sản sạch để xuất khẩu.

Monday. April 12th, 2021
Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu xoài Việt Nam Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu xoài Việt Nam

Xoài Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng mạnh trong năm 2020 và Việt Nam đang đứng thứ 4 trong những thị trường cung cấp xoài cho nước này.

Tuesday. April 13th, 2021