Ánh sáng với ương tôm càng xanh theo công nghệ biofloc
Nghiên cứu mới đây của Dương Thiên Kiều và cộng sự 2018 nhằm tìm ra ảnh hưởng của cường độ ánh sáng lên tăng trưởng và tỷ lệ sống trong ương giống tôm càng xanh theo công nghệ biofloc.
Tôm càng xanh giống . Ảnh minh họa: Feed Navigator
Công nghệ biofloc hiện nay được ứng dụng phổ biến để ương nuôi các đối tượng thủy sản nhằm mang lại hiệu quả trong việc loại bỏ đạm dư thừa, bên cạnh đó duy trì được dinh dưỡng và chất lượng nước ở mức an toàn cho tôm ương nuôi. Để hình thành hạt biofloc ngoài nguồn bổ sung carbohydrate, tỉ lệ C/N, độ mặn,... thì ánh sáng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sinh vật, sự hình thành biofloc và sự phát triển của tôm.
John (2013) nghiên cứu hệ thống biofloc trong nuôi trồng thủy sản cho rằng cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo và tảo cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành biofloc. Cường độ ánh sáng là yếu tố quyết định đến khả năng quang hợp của tảo và các hoạt động sống của các nhóm sinh vật quang tự dưỡng nên cường độ ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến sinh khối sơ cấp và quá trình hình thành biofloc của bể nuôi (Avnimelech, 2015).
Theo Lê Quốc Việt và ctv. (2016), khi che tối hoàn toàn, hạt biofloc có kích cỡ nhỏ, mật độ vi khuẩn tổng thấp hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức có ánh sáng. Với cường độ ánh sáng 6.266-6.312 lux để nuôi tôm thẻ chân trắng, tốc độ tăng trưởng (4,03 %/ngày), tỷ lệ sống (58,9%), sinh khối của tôm nuôi đạt kết quả cao nhất (1,8 kg/m3) và ngược lại ở nghiệm thức che tối hoàn toàn thì tôm thẻ sẽ có tỷ lệ sống và tăng trưởng thấp nhất.
Nghiên cứu này của Dương Thiên Kiều, Trần Ngọc Hải, Châu Tài Tảo và Phạm Văn Đầy, 2018 được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ nhằm tìm ra vai trò của cường độ ánh sáng đến tăng trưởng của tôm càng xanh giống ương trong hệ thông biofloc.
Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức với các mức che lưới khác nhau (1) không che lưới, (2) che một lớp lưới, (3) che hai lớp lưới và (4) che ba lớp lưới. Bể ương tôm có thể tích 500 lít, tôm giống có khối lượng 0,006 g/con, mật độ 1.000 con/m3, độ mặn 5‰, sử dụng bột gạo để tạo biofloc với tỷ lệ C/N=15.
Kết quả
Kết quả phân tích thống kê cho thấy mật độ vi khuẩn tổng và Vibrio ở nghiệm thức không che lưới cao nhất lần lượt là 111±16,3x103 CFU/mL, 0,82±0,05x103 CFU/mL và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức có che lưới. Mật độ vi khuẩn tổng (13,3±1,63x103 CFU/mL) và Vibrio (0,11±0,01x103 CFU/mL) ở nghiệm thức che ba lớp lưới là thấp nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Kết quả phân tích thống kê cho thấy tỷ lệ sống trung bình của tôm càng xanh sau 30 ngày ương dao động từ 39,8-97,3%, trong đó, tỷ lệ sống trung bình ở nghiệm thức không che lưới (91,5±5,33%) là cao nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với các nghiệm thức có che lưới và thấp nhất là nghiệm thức che 3 lớp lưới (47,9±7,04%).
Các yếu tố môi trường trong thí nghiệm dao động trong khoảng thích hợp cho sự phát triển trong ương tôm giống. Cường độ ánh sánh khác nhau giữa các nghiệm thức có ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống trong ương tôm giống.
Với cường độ ánh sáng trung bình (7.575±514 lux), dao động 246 - 18.570 (lux) , nghiệm thức không che lưới cho tốc độ tăng trưởng chiều dài tương đối (3,37±0,18 %/ngày), tăng trưởng khối lượng tương đối (11,4±0,62 %/ngày) và tỷ lệ sống (91,5±5,33%) là tốt nhất so với các nghiệm thức có che lưới.
Ương giống tôm càng xanh theo công nghệ biofloc ở độ mặn 5‰ với cường độ ánh sáng trung bình là 7.575±514 lux (không che lưới) và mật độ 1.000 con/m3 có thể ứng dụng vào thực tế sản xuất. Nghiên cứu này nên được mở rộng trong điều kiện thực tế ở các quy mô nông hộ.
Trích dẫn: Dương Thiên Kiều, Trần Ngọc Hải, Châu Tài Tảo và Phạm Văn Đầy, 2018. Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) giống ương theo công nghệ biofloc. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.
Related news
Người nuôi phải nắm kỹ quy trình kỹ thuật nuôi, nhất là kỹ thuật cho tôm ăn và quản lý thức ăn sao cho đạt hiệu quả, vì chi phí thức ăn trong nuôi tôm chiếm
Tôm cành xanh lớn lên qua các lần lột vỏ. Tôm chậm lột vỏ hoặc không lột vỏ thì giảm tăng trưởng, dễ bị bệnh, còi cọc, giảm năng suất nuôi.
Tôm càng xanh là loài sống và phát triển chủ yếu trong môi trường nước ngọt, có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích thước cá thể lớn, thịt thơm ngon