Anh hùng Hồ Giáo người chăn bò vĩ đại về với cỏ xanh
Sáng 15.10, khi phóng viên tìm đến căn nhà của ông Hồ Giáo nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Quảng Ngãi) cũng là lúc người thân, bà con xa gần...đang chuẩn bị tang lễ cho ông.
Anh hùng Hồ Giáo ở tại trang trại trâu xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành.
7 năm chẳng là bao so với sự vô tận của thời gian, thế nhưng với anh Trịnh Lương Thơm - cán bộ của Trung tâm giống, cây trồng, vật nuôi (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi) là những tháng ngày đầy ắp kỉ niệm với người anh hùng mang tên Hồ Giáo.
Là cán bộ chăn nuôi nên từ năm 1994-2010, theo sự phân công, anh Thơm tham gia vào việc chăm sóc đàn trâu của ông Giáo ở trại nuôi tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành.
Anh chia sẻ cảm nhận về ông Hồ Giáo: “Ngoài cách sống giản dị, chân tình và gần như chưa bao giờ "to tiếng” với ai khi nào, thì ấn tượng và để lại trong tôi nhiều nhất đó là tình cảm mà ông Giáo dành cho đàn trâu của mình”.
Theo đó, ngoại trừ lúc ăn và ngủ thì gần như thời gian còn lại ông Giáo đều dành cho việc chăm sóc đàn trâu.
Không riêng gì anh Thơm hay người quen thân mà với cả những ai từng một lần nhìn thấy sự chăm sóc của ông Giáo đối với đàn trâu của mình đều có chung một nhận xét: Nếu trên đời này có cái gọi là bất biến, thì tình cảm mà Anh hùng Hồ Giáo dành cho đàn trâu và những đồng cỏ xanh sẽ là một trong số đó.
Nhà báo Trần Đăng - một trong số bạn chí cốt của ông Giáo trầm ngâm kể lại: “Có lần ông tâm sự chăn bò không chỉ đơn thuần là lùa nó ra khỏi chuồng, cho nó ăn cỏ rồi hàng ngày vắt sữa, mà phải thật hiểu biết tâm tính từng con, gắn bó và yêu thương nó.
Lúc ông nói với tôi điều đó thì có một đàn trâu nghé bốn con ùa tới vây lấy ông.
Con thì rúc đầu vào người, con thì giật gấu quần, níu áo ông, trông như một đàn trẻ con ngộ nghĩnh.
Nhìn khuôn mặt Hồ Giáo lúc ấy, tôi như thấy có bao nhiêu hạnh phúc ở đời này đều đọng lại nơi ông.
Danh hiệu Anh hùng mà Nhà nước phong tặng cho ông vào năm 1966 không hẳn là do ông nuôi nhiều bò, mà cái chính là nghệ thuật thuần dưỡng này”.
Vào năm 2010, khi ông Giáo đã bước sang tuổi 80, thấy sức khỏe của ông đã yếu nên sau khi họp bàn, UBND tỉnh đề nghị ông Giáo "nghỉ hưu".
Với một thời gian dài gắn bó và dành nhiều tình cảm cho đàn trâu như vậy, nhiều người cứ tưởng rằng ông Giáo sẽ có phản ứng.
Tuy nhiên sau một vài hôm trầm ngâm, ông Giáo nhẹ nhàng "ừ, thì nghỉ cũng được", anh Thơm kể.
“Dù miệng nói là đồng ý, thế nhưng trong thâm tâm của bác Hai chưa bao giờ thôi nghĩ về đàn trâu” - anh Hồ Ngọc Tâm - người cháu của ông Giáo tâm sự.
Nhiều hôm khi đi ăn sáng ở quán đầu ngõ, lúc trở về ông cứ đi thẳng về phía trại trâu của mình, để rồi khi người thân gọi với theo, ông Giáo mới giật mình và quay trở lại.
Chị Hồ Thị Tuyết Minh - con gái ông Giáo kể: “Năm 2013, khi nghe ba nói muốn về quê ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh sinh sống, dù lo lắng cho sức khỏe và muốn ba ở lại để vợ chồng tiện việc trông nom, thế nhưng biết ba nhớ đồng cỏ, nhớ trâu nên hai vợ chồng đành xây căn nhà nhỏ ở tại quê để ba và mẹ về ở”.
Tuy nhiên đến đầu năm 2014, khi vợ là bà Huỳnh Thị Thành (69 tuổi) lại bệnh phải điều trị một thời gian dài, ông Giáo mới chịu quay về sống với vợ chồng chị Minh ở tại TP Quảng Ngãi cho đến khi mất.
Nhắc về đàn trâu của ông Giáo hôm nào, anh Thơm cho biết: Trong số 8 con trâu còn lại lúc giải thể trại trâu vào năm 2013, thì 2 con quá già nên bán thanh lý.
Còn lại 6 con gồm 3 đực và 3 cái thì chia cho người dân nuôi.
Riêng số trâu đực thì hiện được số người nuôi cho phối giống với trâu ta, tạo nên số trâu lai khá đông và hiện phát triển rất tốt.
Giờ thì Anh hùng Hồ Giáo đã về với đất mẹ.
Và ở nơi thật xa ấy, không biết ông Giáo có tiếp tục cặm cụi với công việc trên những cánh đồng cỏ non cùng đàn trâu của mình, như đã từng gắn bó ở cõi hồng trần.
15 giờ 30 ngày 14.10, Anh hùng Lao động Hồ Giáo, một trong những nông dân nổi tiếng nhất thời hiện đại đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 86 tại quê nhà- xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi sau một thời gian lâm trọng bệnh.
Ông Hồ Giáo sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông có một tuổi thơ hết sức cơ cực.
Lên tuổi 13, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ cho nhiều gia đình địa chủ trong vùng.
Năm 17 tuổi ông trốn nhà lên đường theo cách mạng.
Ông được phiên vào lực lượng chủ lực của Tỉnh đội Quảng Ngãi, rồi sau đó là ở nhiều đơn vị khác.
Hồ Giáo phục vụ quân đội cho tới năm 1960 thì chuyển ngành.
Nông trường bò sữa Ba Vì là nơi đã làm nên tên tuổi ông.
Năm 1966 ông được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động.
Năm 1978, Hồ Giáo được điều vào Sông Bé để tạo dựng Trung tâm Trâu sữa.
Ngay sau giải phóng miền Nam, Chính phủ Ấn Độ tặng ta 500 con trâu Mura.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã gọi ông lên giao nhiệm vụ cho ông về Nông trường Sông Bé- nơi được phân về mấy chục con trâu Mura.
Từ những con trâu này ông đã đưa đàn trâu có lúc lên đến hàng ngàn con.
Chính vì vậy, năm 1986 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2.
Năm 1991, ở tuổi 61, Hồ Giáo nhận sổ hưu.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau khi nghỉ hưu, ông Hồ Giáo lại được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi ra Hà Nội, giao nhiệm vụ cho ông: “Về Quảng Ngãi tiếp tục nuôi trâu!”.
Số là Chính phủ Ấn Độ vừa tặng thêm Thủ tướng 15 con trâu Mura.
Số trâu này Thủ tướng tặng lại đồng bào Quảng Ngãi.
Trại trâu sữa Mura ở Hành Thuận (Quảng Ngãi) ra đời, Hồ Giáo lại tiếp tục nghề chăn trâu.
Mãi tới năm 2010, ở tuổi 80 ông mới chính thức nghỉ ngơi.
Năm 1982, Hồ Giáo mới lập gia đình.
50 năm, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, với chỉ mỗi một công việc là nuôi trâu-bò.
Đây là kỷ lục có một không hai trong lịch sử ngành chăn nuôi.
Chính vì vậy, người đời đã gọi ông bằng cái tên trìu mến: “Người chăn bò vĩ đại”.
Hình ảnh Hồ Giáo được in đậm nét trong nhiều tiểu thuyết, bài hát và hàng ngàn bài báo.
Related news
Cũng như các địa bàn nông thôn khác, hầu hết người dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng “một nắng hai sương” trên mảnh đất kém phì nhiêu ở xứ nắng Ninh Thuận. Thế nên, ít ai nghĩ nghiệp nông ở vùng đất này lại có thể khởi sắc, đặc biệt là từ cây bắp lai, một loại cây lương thực không quá nổi trội tại địa phương.
Những năm gần đây, nghề nuôi chim cút phát triển khá mạnh ở Quảng Nam, trong đó Điện Bàn là địa phương có nhiều hộ tham gia nhất. Để nghề này phát triển bền vững, Hội ND đã vận động, hướng dẫn các hộ nuôi chim liên kết, hợp tác với nhau.
Thức ăn của cừu đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, rau muống, cám bột xay. Anh Khánh cho biết, chi phí nuôi cừu thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, dễ bán, giá cao. Hiện xã Phước Thái có thêm 20 hộ nuôi cừu vỗ béo, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.
Giống như tình trạng chung của cả nước, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn do thua lỗ, heo gà quá lứa không tiêu thụ được.
Là nông dân tiên phong trong sản xuất lúa giống, anh Trần Ngọc Minh, 36 tuổi, thôn La Chữ, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) vươn lên làm giàu từ cây lúa.