Ấn Tượng CP
Bằng việc tự khẳng định, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Thừa Thiên Huế (có trụ sở đóng tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) đang làm cho nhiều người rất ấn tượng khi được tham quan quy trình sản xuất, khu nuôi trồng thủy sản của công ty tại Phong Điền.
Không ấn tượng sao được khi trên vùng đất cát trắng của Phong Điền mọc lên nhiều trang trại nuôi và một nhà máy đông lạnh chế biến tôm tầm cỡ khu vực châu Á thuộc tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp, mà mũi nhọn điển hình là sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi thủy sản, sản xuất thực phẩm chất lượng cao và an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Quy trình sạch từ ao nuôi đến bàn ăn
Cuối tháng 4 năm ngoái, chúng tôi có dịp ghé qua vùng đất này. Lúc đó, nhìn khu đất trống rộng mênh mông đang đóng chi chít cọc nhồi, tôi nghĩ chí ít nhà máy này phải xây dựng mất vài ba năm. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 8/2013, chúng tôi được ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền dẫn đến thăm thì hoàn toàn bất ngờ.
Một nhà máy nằm trên diện tích rộng 20ha với nhà xưởng, nhà làm việc và hàng trăm công nhân đang vận hành các hoạt động sản xuất tôm đông lạnh. Điều đặc biệt là, mặc dầu đã đi vào hoạt động cả tháng nhưng chỉ những người quan tâm đến nhà máy mới biết nó đã hoạt động bởi không có sự phô trương hình thức bởi các nghi lễ khánh thành.
Chúng tôi được đích thân Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui liên hệ và dẫn vào tham quan khu nuôi tôm công nghiệp rộng hơn 80ha ở Điền Hương (cách nhà máy chừng 10km). Vừa đến cổng, chúng tôi đã ấn tượng bởi quy trình nuôi ở đây khép kín, được bao bọc bởi tường rào và hệ thống lưới ngăn vật thể trung gian gây bệnh thâm nhập, nhất là chim. Chim là loài vật có thể mang mầm bệnh đến lan truyền trong ao tôm.
Các nhân viên phụ trách khu nuôi tận tình dẫn đoàn vào tham quan khu nuôi nhưng không quên trang bị cho mỗi người một đôi ủng để lội qua một ao thuốc tím khử khuẩn trước khi vào bên trong. Vừa đi, chúng tôi vừa được các kỹ thuật viên tận tình hướng dẫn, giới thiệu về quy trình nuôi sạch của công ty. Theo quy trình, tôm giống được chăm sóc trong ao ương khoảng 25 ngày với môi trường đảm bảo tôm sạch bệnh, tỷ lệ sống cao.
Thức ăn cho tôm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn (Global GAP), không chứa các chất cấm sử dụng theo quy định. Sử dụng hệ thống an toàn sinh học trong trại nuôi, như hệ thống xử lý ao, lưới ngăn dịch hại, hệ thống khử trùng tay chân người lao động trước khi vào ao nuôi… Với quy trình quản lý ao nuôi tốt, nên vụ đầu đã cho năng suất khá cao, không dịch bệnh.
Tôm sau khi được thu hoạch đều được chở về nhà máy đông lạnh ở thị trấn Phong Điền sản xuất. Một quản đốc cho biết, với việc áp dụng triệt để 4 yếu tố con giống, thức ăn, chương trình quản lý ao nuôi và hệ thống bảo vệ chống sự lây lan từ bên ngoài, chất lượng tôm ở đây rất đảm bảo, có thể đáp ứng được những thị trường khó tính ở châu Âu và châu Á.
Nhằm phát triển quy trình sản xuất, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư 24 triệu USD để xây dựng nhà máy, khu nuôi tôm nói trên với công suất chế biến 9.500 tấn tôm thành phẩm/năm. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ nhà máy, ngoài 3 khu nuôi tôm, với quy mô khoảng 230 ha tại các xã Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc, các nguồn nguyên liệu tôm từ Quảng Bình, Quảng Trị... cũng được nhập vào.
Nguyên tắc hoạt động của công ty là quy trình sạch từ ao nuôi đến bàn ăn. Cho nên, khép kín quy trình kinh doanh, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Cùng phát triển nghề nuôi tôm bền vững
Theo ông Nguyễn Đại Vui, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam là nhà đầu tư đáp ứng được nhu cầu mà tỉnh mong muốn, đó là gắn sản xuất với chế biến xuất khẩu (xuất khẩu tinh). Công ty còn có định hướng quy trình chăn nuôi bền vững, giải quyết được đầu ra, và quan trọng hơn cả là giải quyết được trên dưới 1.000 việc làm tại chỗ cho công nhân.
Cũng theo ông Nguyễn Đại Vui, so với cách nuôi thương phẩm của bà con nông dân hiện nay thì mô hình nuôi tôm của Công ty CP có ưu điểm là thời gian nuôi được rút ngắn nên chi phí thức ăn giảm xuống. Tôm được ương nuôi dài ngày nên tỷ lệ sống hầu như tuyệt đối, sức kháng bệnh cao và tăng trưởng nhanh. Khu vực nuôi được quản lý và phân cấp rõ ràng, công tác quản lý ao nuôi chặt chẽ nên tỷ lệ rủi ro hầu như không có.
Những năm qua, người dân nuôi tôm ở Phong Điền lao đao vì tôm nuôi luôn phải đối mặt với dịch bệnh; điệp khúc “được mùa - mất giá”. Với quy trình nuôi như Công ty CP, nếu được hợp tác về quy trình nuôi sạch bệnh, đây là cơ hội lớn cho người nuôi tôm Phong Điền.
Theo ông Nguyễn Đại Vui, hiện trên địa bàn huyện quy hoạch khoảng gần 900ha nuôi tôm trên cát. Thời gian tới, UBND huyện định hướng phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng đến quy hoạch vùng nuôi hiệu quả với chi phí đầu tư thấp; đảm bảo rừng phòng hộ ven biển và điều kiện sản xuất khác của người dân.
Quy trình nuôi được bố trí liên hoàn hệ thống tích nước và xử lý nước đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, ưu tiên giao đất cho người dân địa phương, ưu tiên nhóm sử dụng chung hạ tầng, ưu tiên thành lập hợp tác xã nuôi với quy mô lớn… nhằm tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa. “Định hướng trong tương lai là công nhân nuôi tôm chứ không phải là nông dân nuôi tôm như bây giờ”. Ông Vui hào hứng.
Liên tục trong những năm gần đây, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã tập trung cải tiến giống tôm và công nghệ nuôi để nhằm đạt được hiệu quả ngày càng cao. Hiện, Công ty đang mở rộng trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất tại nhiều vùng miền đất nước. Đồng hành cùng người nuôi tôm, và phương châm của công ty là: “Cùng phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững ở Việt Nam”. Với những tín hiệu khả quan nói trên, tương lai đang rộng mở cho ngành nuôi tôm trên vùng cát Phong Điền.
Related news
Hiện nay, tổng đàn hươu của Hương Sơn trên 31.000 con, trong đó khoảng 15.000 con hươu đực đang vào thời kỳ cho lộc nhung tốt, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Châu, Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Giang, Sơn Tây, Sơn Lệ, Sơn Hồng…
Là nơi hình thành Liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer đầu tiên trong tỉnh, những năm qua Phước Hậu phát triển thêm các mô hình chăn nuôi trang trại gia đình, được định danh là gia trại. Theo mô hình này, những người nông dân địa phương đã tận dụng lá nho, lá táo tại vườn nhà để làm thức ăn nuôi dê rất hiệu quả.
Cách đây khoảng 15 năm, ông Trần Giáp Thìn ở ấp Miễu, xã Phước Tân, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã thoát nghèo nhờ nghề nuôi dê. Từ 5 con dê giống, chẳng mấy chốc gia đình ông Thìn đã có đàn dê 200 con. Thấy ông Thìn khá lên nhờ dê, nhiều nông dân nghèo trong tỉnh tìm đến ông học tập và mua giống về nhân đàn. Ngày nay, khi đồng cỏ tại ấp Miễu bị thu hẹp, không còn nơi chăn thả, ông Thìn chuyển sang buôn dê, thu nhập bạc tỷ.
Tuy chỉ mới hình thành, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thí nghiệm thành công công nghệ bột sinh khối và đông trùng hạ thảo. Đây là hai công nghệ mới mà từ trước đến nay rất ít người làm được. Thành công này có từ “tiền mua kinh nghiệm” của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Hưng.
Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh, Bình Phước) than thở: Mùa mưa năm nay kết thúc muộn và mưa dầm kéo dài nhiều ngày, khi dứt mưa chuyển qua mùa khô không xảy ra hiện tượng mưa trái mùa như những năm khác nên nông dân khấp khởi mừng là sẽ được mùa điều.