Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi gà

An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ (phần 2)

An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ (phần 2)
Author: Phạm Trung Nghĩa - Chi Cục Thú Y Bến Tre
Publish date: Tuesday. May 9th, 2017

Làm gì để bảo vệ trang trại khi có dịch xảy ra trong nước hoặc trong tỉnh?

Đó là tình trạng nguy cơ cao!  Phải nghĩ rằng bệnh cúm gia cầm có thể đang ở rất gần!

Khi có công bố dịch cúm gia cầm trong nước hoặc trong tỉnh, có thể bệnh dịch đã đến rất gần trại của chúng ta. Gia cầm và con người có thể đã đi từ vùng dịch sang khu vực nhà chúng ta trước khi bệnh được phát hiện và công bố.

Bằng cách thực hiện một vài nguyên tắc cơ bản, trại của chúng ta sẽ không bị nhiễm bệnh. Những nguyên tắc đó là:

Nguyên tắc thứ nhất: Giữ đàn gia cầm trong môi trường kín.

- Khi dịch bệnh đến gần, việc thả tự do gia cầm sẽ rất nguy hiểm.

- Chuồng kín cho gia cầm vào ban đêm và hàng rào bao quanh để chăn thả ban ngày là điều cần thiết.

- Không thả vịt chạy đồng. Không thả gia cầm đi tự do. Nhốt gia cầm trong khu vực được bảo vệ: trong hàng rào, trong chuồng được bao quanh bằng lưới… đảm bảo cung cấp thức ăn và nước uống sạch.

Nguyên tắc thứ hai: Không mua hoặc nhập thêm gia cầm vào trại

- Không đưa vào thêm gia súc, gia cầm trong thời gian này vì khả năng mang vi rút rất cao.

- Không đem gia cầm sống về mổ thịt tại nhà, nếu phải làm thì nên mổ thịt gia cầm ở một nơi riêng biệt, tiện cho vệ sinh.

- Nếu mang gia cầm ra chợ bán không hết, khi mang về nên nhốt ở một nơi cách biệt.

Nguyên tắc thứ ba: Hạn chế và kiểm soát người vào trại

- Chỉ cho phép những thành viên trong gia đình vào trong khu chăn thả gia cầm.

- Mọi người, kể cả người trong nhà phải rửa tay bằng xà bông, rửa, sát trùng giày dép trước khi đi vào khu chăn nuôi.

Nguyên tắc thứ tư: Thường xuyên vệ sinh trại, chuồng, dụng cụ chăn nuôi, xe máy vào khu vực chăn thả

- Khu chăn thả gia cầm phải làm vệ sinh hàng ngày (mang khẩu trang khi làm vệ sinh).

- Gom phân, thức ăn thừa. Hủy hoặc chứa vào nơi cách biệt.

- Thường xuyên cọ rửa, sát trùng dụng cụ chăn nuôi

Nguyên tắc thứ năm: Chứa phân

- Vi rút có thể tồn tại trong phân nhiều tuần. Nếu chúng ta dùng phân bón ruộng quá sớm thì vi rút có thể nhiễm vào gia cầm

- Tác dụng của ủ phân:

Diệt vi khuẩn và vi rút

Tăng chất lượng của phân làm phân bón

- Phương pháp:

Thu gom phân gia cầm hàng ngày.

Chứa phân (cách xa nguồn nước) bằng một trong các cách sau: cho vào túi ni lông kín; để trên mặt đất và phủ túi ni lông; hoặc chôn sâu dưới đất.

Cho thêm ít vôi bột (1/2 kg cho 10 kg phân)

- Cần phải có thời gian cho phân hủy. Phân có thể sử dụng được khi có màu nâu sẫm, hết mùi hôi thối và có mùi như mùi mùn đất.

Làm gì khi trong trại có nhiều gia cầm chết?

Trong chăn nuôi gia cầm, một số ít gia cầm chết có thể là vấn đề thông thường. Gia cầm có thể chết do nhiều lý do và nhiều bệnh khác nhau. Một vài bệnh xảy ra chỉ làm ảnh hưởng ít đến vật nuôi, đó là bệnh không quan trọng. Cúm gia cầm thì khác: hậu quả sẽ rất xấu. Khi ta quan sát thấy có nhiều gia cầm chết thì nên nghĩ ngay đến cúm gia cầm.

Với bà con chăn nuôi, khó có thể chắc chắn rằng gia cầm chết là do cúm gia cầm. Nhưng lại cần phải xử lý ngay như là đối với bệnh cúm gia cầm. Do đó, người ta đặt ra “tỉ lệ chết nghi ngờ” đối với bệnh cúm gia cầm.

Tỉ lệ chết nghi ngờ là gì?

- Gia cầm chết đột ngột (gia cầm đang khỏe mạnh đột ngột chết trong vòng không đầy 24 tiếng).

- Tỉ lệ chết hàng ngày hơn 5% tổng đàn trong thời gian vài ngày.

Ví dụ như nếu trại của bà con chăn nuôi có 100 con gà, ngày đầu tiên có 6 con chết mà không có biểu hiện triệu chứng, ngày thứ 2 lại có 6 con chết, ngày thứ 3 là 8 con chết…

Khi bà con gặp tỉ lệ chết nghi ngờ trong trại: khi đó chỉ có phòng thí nghiệm mới có thể xác định chính xác đàn gà bị cúm hay không. Tuy nhiên, cần phải hành động ngay trước khi có kết quả xét nghiệm. Nếu cứ chờ kết quả xét nghiệm thì dịch sẽ không khống chế được.

Khi quan sát thấy trong trại có nhiều gia cầm chết như vậy, bà con nên thông báo cho nhân viên thú y.

Gà chết không có biểu hiện triệu chứng với "tỷ lệ chết nghi ngờ".

Tại sao người dân phải thông báo cho nhân viên thú y?

Nhân viên thú y sẽ giúp hộ nuôi tiêu diệt vi rút trong trại và thực hiện ngay các biện pháp cần thiết:

- Để giảm nguy cơ mắc bệnh đối với người dân và thành viên trong gia đình.

- Để bắt đầu lại công việc chăn nuôi nhanh hơn.

- Để ngăn chặn bệnh lây lan sang trại bên cạnh.

Có thể người dân được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại từ nhà nước…

Tóm lại, cùng với biện pháp tiêm phòng, nếu tạo nên những thói quen tốt áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tại nông hộ là một trong những biện pháp chủ động, không cần phải chi phí nhiều tiền và rất có hiệu quả trong việc phòng bệnh


Related news

Quy trình tiêm phòng vắc xin cho gà, vịt Quy trình tiêm phòng vắc xin cho gà, vịt

Để phòng ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh, bảo vệ hiệu quả chăn nuôi, bà con nên chú ý tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo quy trình cho đàn gà, vịt của mình.

Monday. May 8th, 2017
Bệnh Niu-cát-xơn trên gà (bệnh gà rù) Bệnh Niu-cát-xơn trên gà (bệnh gà rù)

Bệnh Niu-cát-xơn (hay còn gọi bệnh gà gù) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gà, bệnh thường xảy ra quanh năm, đặc biệt là lúc giao mùa.

Monday. May 8th, 2017
An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ (phần 1) An toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ (phần 1)

Bài viết nhằm chia xẻ với bà con chăn nuôi đặc biệt đối với các nông hộ chăn nuôi nhỏ cách thức về chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Tuesday. May 9th, 2017